(QBĐT) - Thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Tuyên Hóa đã tập trung tuyên truyền, vận dụng các nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng mô hình sinh kế, cơ sở hạ tầng, xuất khẩu lao động… giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên. Nhờ nỗ lực đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn giảm đáng kể.
Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, huyện Tuyên Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện; phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai; thành lập tổ công tác thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện và ban hành quy chế hoạt động…
Nhiều hộ dân ở xã Mai Hóa được hỗ trợ xây nhà ở và thoát nghèo.
Công tác giải ngân thực hiện chương trình cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng năm 2024, huyện Tuyên Hóa đã được phân bổ trên 11 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương cho các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đang phát huy hiệu quả, giúp cho các đối tượng được tiếp cận nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong đó, dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã hỗ trợ được 3 mô hình cho 78 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia; tiểu dự án 1 của dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng đã triển khai 5 mô hình trên địa bàn huyện, với 133 hộ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia; tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn đã tổ chức 7 lớp, có 223 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề…
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa thực hiện hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với 3.295 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn… với tổng số tiền trên 186,4 tỷ đồng. Nhiều hộ nghèo trên địa bàn cũng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế, người sống tại vùng đặc biệt khó khăn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục đào tạo, tiền điện…
Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo, bộ mặt nông thôn xã Cao Quảng ngày càng khởi sắc.
Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Hà Ngọc Thành cho biết: “Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, địa phương đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát huy nội lực vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 68 triệu đồng/năm. Toàn xã còn 40 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,79% và hộ cận nghèo 63 hộ, chiếm 2,82%”.
Tại xã Cao Quảng, để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã đã kiện toàn lại ban chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, cùng các thôn, tổ chức đoàn thể phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo. Trong quá trình hoạt động, các thành viên đã hướng dẫn hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động và xây dựng các mô hình sinh kế...
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho hay: “Cùng với việc đa dạng hóa các ngành nghề, xây dựng mô hình sinh kế, những năm qua, xã còn thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, tập trung tuyên truyền, vận động, tư vấn và kết nối với các doanh nghiệp uy tín, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Trồng rừng là hướng đi giúp nhiều hộ dân xã Cao Quảng thoát nghèo.
Hiện, xã Cao Quảng đã tạo điều kiện cho trên 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, mang về nguồn thu hơn 50 tỷ đồng/năm. Nguồn thu này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đáng kể. Đến nay, toàn xã còn 16 hộ nghèo, chiếm 1,68%; hộ cận nghèo còn 44 hộ, chiếm 4,62%.
Ông Nguyễn Văn Cường, ở thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng chia sẻ: “Nhờ được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện nên 2 người con tôi được đi lao động ở nước ngoài. Từ khi có công việc ổn định, mỗi tháng 2 cháu gửi về cho gia đình trên 50 triệu đồng. Có nguồn thu này, tôi đã làm được nhà cửa khang trang, đầu tư phát triển sản xuất nên gia đình đã xin ra khỏi hộ nghèo...”.
Theo Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lương Công Đức: “Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện ưu tiên kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về công tác giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo ở các xã, thị trấn; vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập...”.
Đến nay, số hộ nghèo của huyện Tuyên Hóa còn 893 hộ, chiếm tỷ lệ 3,63% (giảm 1,63% so với năm 2023, đạt và vượt tỷ lệ theo kế hoạch của UBND tỉnh giao (1,04%); số hộ cận nghèo còn 867 hộ, chiếm tỷ lệ 3,53% (giảm 0,4% so với năm 2023).
Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 444/QĐ-TTg, giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ tiêu nhà ở xã hội các địa phương phải hoàn thành giai đoạn 2025-2030 là 995.445 căn hộ.
(QBĐT) - "Chắc tay súng thép hai trăm trận đánh oai hùng sông núi còn ghi/Trương Thị Diên nữ anh hùng y tế đã lớn lên rồi cùng dòng sông"-chân dung người nữ Anh hùng lao động của ngành Y tế đã được nhạc sĩ Quách Mộng Lân phác họa như thế trong ca khúc "Đẹp sao năm gái quê ta".
Ngày 25/2, Bộ Giao thông vận tải ban hành Văn bản số 1953 /BGTVT-KCHT về rà soát, xử lý tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông đường bộ, gửi Bộ Công an; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Đường bộ Việt Nam.