(QBĐT) - Để góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, thời gian qua, huyện Quảng Ninh luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (NLĐ).
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho biết, công tác giải quyết việc làm (GQVL) luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác lao động việc làm, UBND huyện đã quán triệt các chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm cho lãnh đạo các xã, thị trấn, các hội đoàn thể cấp xã và cán bộ chính sách để nắm vững chủ trương, chính sách, chương trình từ đó tổ chức thực hiện.
Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã giao chỉ tiêu về công tác GQVL cho các xã, thị trấn để chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm kế hoạch đề ra, đưa công tác GQVL vào kế hoạch hành động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện về GQVL và giảm nghèo tới người dân. Cùng với đó, các phòng, ban liên quan và UBND các xã, thị trấn tích cực tạo việc làm tại chỗ cho NLĐ thông qua các chương trình, dự án cho vay hỗ trợ tạo việc làm và duy trì, mở rộng việc làm.
![]() |
Nhờ đó, người dân các địa phương tích cực triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tại chỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho lao động nông thôn, như: Trồng rau sạch ở xã Võ Ninh, Duy Ninh; chăn nuôi lợn công nghệ cao ở xã Vạn Ninh, Vĩnh Ninh; nuôi ốc bươu đen ở xã Xuân Ninh; nuôi cá lồng, cua trên sông ở xã Duy Ninh; nuôi hàu ở thị trấn Quán Hàu…
Chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (xã Hải Ninh) cho biết, bình quân mỗi ngày HTX thu mua từ 3-10 tấn hải sản các loại của người dân trên địa bàn và các xã lân cận. Sản lượng sản xuất hàng năm của HTX đạt trên 200 tấn thủy hải sản khô và trên 100 tấn thủy hải sản tươi sống. Nhờ phát triển bền vững, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 13 nhân công với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ NLĐ đi làm việc tại nước ngoài. Huyện tăng cường công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín, tư cách pháp nhân tuyển XKLĐ và duy trì có hiệu quả mô hình liên kết giữa chính quyền xã, thị trấn với đơn vị tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo yêu cầu thị trường.
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Sau khi nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nước ngoài, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn XKLĐ và giới thiệu các công ty tuyển dụng ở nước ngoài. Nhiều đơn vị đã tổ chức hội nghị phổ biến triển khai các thông báo tuyển dụng và kế hoạch tuyển chọn lao động tại các thôn, cụm dân cư. Nhờ làm tốt công tác tư vấn XKLĐ, đa số NLĐ sau khi hết hạn hợp đồng về nước đều có điều kiện kinh tế khá giả, xây được nhà cao tầng, nâng cao đời sống. Nhiều người còn đầu tư kinh doanh, GQVL cho lao động địa phương, giảm nghèo bền vững.
Năm 2025, huyện Quảng Ninh đề ra chỉ tiêu GQVL mới cho 2.000 lao động với tỷ lệ lao động qua đào tạo 72%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,7%. |
Năm 2024, trên địa bàn huyện có 2.574 lao động được tạo việc làm; trong đó có 679 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài, tập trung ở thị trường, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Singapore…
Để người dân được tiếp cận với cơ hội việc làm, huyện Quảng Ninh còn thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, năm 2024, có 4.205 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH huyện; trong đó, cho vay GQVL trên 54,6 tỷ đồng, với 1.150 lượt hộ vay. Từ nguồn vốn tín dụng này đã giúp NLĐ có nguồn vốn để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác GQVL, XKLĐ; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tăng cường hỗ trợ GQVL cho NLĐ. Đồng thời, huyện tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động theo nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ vay vốn, phát triển kinh tế và nhân rộng các mô hình kinh tế nhằm GQVL tại chỗ cho lao động nông thôn.
Lan Chi