Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí
02:02, 06/02/2025
(QBĐT) - Theo số liệu quan trắc, chất lượng không khí trên địa bàn Quảng Bình có sự khác biệt giữa các khu vực. Ở đô thị, nồng độ bụi lơ lửng (TSP), PM10, SO2, NO2 và CO đa phần trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, tại các trục giao thông chính, nồng độ bụi TSP tại một số thời điểm vẫn vượt mức quy chuẩn, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe người dân.
Tại các trục đường giao thông chính nồng độ bụi lơ lửng một số thời điểm vẫn vượt mức quy chuẩn.
Khu vực sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận tình trạng nồng độ bụi TSP vượt chuẩn, đặc biệt tại các cơ sở khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, khu vực nông thôn có chất lượng không khí tốt hơn nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp tự phát sau thu hoạch, làm gia tăng khí SO2, NO2. Một số khu vực chăn nuôi cũng xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm bởi H2S và NH3.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm và kiểm soát tốt môi trường không khí, trong Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2025-2030 vừa được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm ký quyết định ban hành ngày 3/2/2025, UBND tỉnh đề ra mục tiêu chung là tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Quảng Bình thông qua kiểm soát, giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải.
Tăng cường dự báo, cảnh báo, giám sát chất lượng môi trường không khí đảm bảo sức khỏe cộng đồng; góp phần vào việc hoạch định chính sách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phấn đấu duy trì tỉnh là địa phương có chỉ số chất lượng môi trường không khí luôn đạt mức tốt; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân về quản lý chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của cơ sở sản xuất trong việc đầu tư các công trình xử lý đối với khí thải đáp ứng theo quy định.
Tình trạng xả rác thải sinh hoạt xuống hệ thống kênh mương thủy lợi vẫn còn diễn ra ở khu vực nông thôn.
Về phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí, UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên nguồn lực, tập trung quản lý, giám sát một số nguồn thải chính, cụ thể: Khu vực đô thị bao gồm TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn, thị trấn của các huyện: Ưu tiên các giải pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ; vận tải phục vụ dân sinh và xây dựng.
Khu vực nông thôn: Kiểm soát hoạt động chăn nuôi tập trung tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh nhằm kiểm soát mùi và khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi.
Kiểm soát hoạt động đốt phế thải nông nghiệp sau thu hoạch tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch; giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sinh hoạt.
Tại khu công nghiệp và cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng: Tăng cường các giải pháp kiểm soát ô nhiễm tại các nhà máy, cơ sở có tải lượng xả thải lớn và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi từ quá trình khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng.
(QBĐT) - Với vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về nhãn khoa của tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh luôn chú trọng, nỗ lực nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, đồng thời đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức vào tháng 12/2024, HĐND tỉnh Quảng Bình đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 80/2024/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ tăng thêm tiền ăn cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên, học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
(QBĐT) - Sở Y tế vừa có công văn thông báo về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực người có công thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động-Thương bình và Xã hội, Sở Y tế, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.