(QBĐT) - Thành lập tổ xung kích, tự nguyện quyên góp thời gian, công sức và cả những vật dụng sinh hoạt hàng ngày để giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn dọn dẹp, xây dựng nhà cửa. Những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa không những thắm đượm tình làng, vẹn tròn nghĩa xóm mà còn góp phần mang lại niềm vui và hy vọng cho những phận người yếu thế.
Đó là cách làm của “con nhà nghèo”, đang được các cấp Hội Phụ nữ huyện miền núi Minh Hóa triển khai nhằm hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) trên địa bàn.
“Thấm leèng che thấm reéc”
Câu nói theo phiên âm tiếng Nguồn ở Minh Hóa nghĩa là “Tấm lành che tấm rách” phát ra từ tiếng cười của một chị phụ nữ nào đó ở thôn Bình Minh, Trung Hóa.
Giữa trung tuần tháng 2/2025, chị cũng như hàng chục chị em phụ nữ khác đội từng cơn mưa nặng hạt, tham gia dọn dẹp, chuyền từng viên ngói để sửa chữa nhà cho mấy mẹ con chị Đinh Thị Kim Liên ở cùng thôn. Chồng chị Liên mất sớm, 3 mẹ con ở trong căn nhà cũ thưng ván “lọt ngược lùa xuôi” mỗi khi mưa gió về. Bản thân chị Liên cũng thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, sức khỏe ốm yếu, gia đình thuộc diện hộ nghèo và nằm trong diện được hỗ trợ sửa nhà lần này.
Kinh phí hỗ trợ sửa chữa là 45 triệu đồng, đủ để mua các loại vật liệu xây dựng nhưng nếu tính cả tiền công thợ thì khó. May sao, ngày chị dỡ nhà, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm rủ nhau đến. Mỗi người mỗi việc, từ dọn dẹp, vận chuyển gạch ngói, đến đun nước, giặt giũ… Trong số hàng chục khuôn mặt đang cần mẫn lao động không công dưới mưa, có người chị Liên quen, có người lạ hoắc vì người ở thôn khác.
![]() |
Hết buổi sáng, những người “thợ” ai về nhà nấy rồi đầu giờ chiều lại tiếp tục công việc. Đông người, ai cũng tự giác chọn việc cho mình. Đến cuối ngày, những phần việc cơ bản đã tươm tất, mà đáng nhẽ gia chủ phải tất bật cả tuần có khi chưa xong. Với mấy mẹ con chị Liên, được sinh hoạt trong ngôi nhà kiên cố, vững chãi là niềm mơ ước bấy lâu đã gần trở thành hiện thực. Và càng ấm áp hơn bởi căn nhà được dựng nên bởi tình người.
Cuối chiều, bà Cao Thị Cự, thôn Thanh Liêm, xã Trung Hóa lọm khọm bắt tay từng “người dưng” đến giúp mình sửa nhà chỉ mong cho bà mời bữa cơm rau đạm bạc. Bà Cự gần 80 tuổi, cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng bà vẫn phải gồng mình từng ngày để chăm cho người con trai tật nguyền, câm điếc bẩm sinh và đứa cháu trai mồ côi bố, mẹ bỏ đi biệt tăm từ lúc còn đỏ hỏn. Mặc dù bà Cự không phải hội viên phụ nữ, nhưng chứng kiến hoàn cảnh bĩ cực của gia đình, nhiều chị em không những xắn tay dọn dẹp cả khu vườn nhà, mà còn giúp đỡ thêm một số đồ gia dụng sinh hoạt khi vào nhà mới. Bà Cự cảm động lắm, đôi mắt đục ngầu rơm rớm những giọt nước mắt...
Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Hóa Phan Thị Thu Quyên chia sẻ: “Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện dài, là phụ nữ với nhau nên chị em hội viên rất đồng cảm. Bởi vậy, khi huy động phụ giúp các gia đình xây, sửa chữa nhà ai cũng đồng tình ủng hộ. Phần đông chị em hội viên còn khó khăn nhưng phụ giúp được chi hay đó, thể hiện sự sẻ chia, nghĩa đồng bào”.
Để yêu thương lan tỏa
Ngay sau những ngày vui xuân, đón Tết, các tổ xung kích tình nguyện của chị em Hội Phụ nữ xã Yên Hóa (Minh Hóa) đã tích cực phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể đóng góp công sức xây dựng XNT, NDN, giúp các gia đình hội viên phụ nữ có thêm nguồn lực sớm hoàn thiện nhà ở.
Gia đình chị Đinh Thị Bạch Tuyết, thôn Yên Định, thuộc diện hộ cận nghèo, đang lo thiếu tiền để bù công thợ ngoài khoản hỗ trợ 45 triệu đồng thì may mắn được các chị em nườm nượp đến “xông đất” giúp đỡ. Chỉ sau 1 ngày, căn nhà cũ đã tháo dỡ xong, đồ đạc lỉnh kỉnh được xếp ngăn nắp ngay lán bên cạnh. Toàn bộ vật liệu cũng đã được chuyển từ ngoài đường vào, chỉ chờ thợ chuyên nghiệp lắp dựng. Chị Tuyết xúc động chia sẻ, ngày dỡ nhà trời mưa lầm dầm nhưng ai cũng nhiệt tình. Chị em còn góp tiền mua thức ăn buổi trưa cho cả đoàn thợ. Xúc động lắm, em mong nhà mình sửa xong sớm để có thời gian cùng chị em đi giúp các gia đình khác.
Chị Đinh Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Hóa cho biết, mỗi chi hội đều có tổ đội xung kích để giúp đỡ các gia đình được hỗ trợ sửa chữa, xây nhà trong đợt này. Toàn xã hiện có 26 nhà và đã được chị em hội viên đăng ký giúp đỡ. Những sự giúp đỡ không chỉ về vật chất mà còn mang lại sự sẻ chia về mặt tinh thần, góp phần lan tỏa yêu thương và sự ấm áp trong cộng đồng.
![]() |
Cách làm của “con nhà nghèo”
Trong chương trình XNT, NDN đợt này, toàn huyện Minh Hóa có hơn 800 gia đình được diện hỗ trợ sửa chữa và xây mới. Ngoài nguồn hỗ trợ từ các cấp (90 triệu đồng/nhà xây mới, 45 triệu đồng/nhà cải tạo, sửa chữa) rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Tuy nhiên, với số lượng NT, NDN lớn trong điều kiện huyện miền núi như Minh Hóa thì khó lại càng khó. Nhưng, khó mấy cũng phải làm với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Và các tổ chức, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn huyện đều tìm cách để “không đứng ngoài cuộc” phù hợp nhất, hiệu quả và thiết thực nhất.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa Đinh Thị Ngọc Lê, riêng Hội LHPN Minh Hóa đã tổ chức phát động, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ đóng góp hỗ trợ kinh phí, vật liệu xây dựng, hoặc ngày công lao động, vận động trên tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít” nhằm hỗ trợ các hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu XNT, NDN trên địa bàn.
Hiện, phong trào “Chung tay XNT, NDN” trên địa bàn đã được triển khai toàn diện ở các cấp hội. Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để phát động, triển khai mô hình 1+1 “Mỗi chi hội/cơ sở thuận lợi giúp một hộ nghèo, cận nghèo XNT, NDN”. Nhiều địa phương đã phát động, thành lập các tổ đội xung kích, tham gia phụ giúp các gia đình hội viên sửa chữa, xây dựng nhà mới, như: Yên Hóa, Hồng Hóa, Tân Thành, Trung Hóa, thị trấn Quy Đạt…
“Hội LHPN huyện cũng đang tích cực vận động, kêu gọi các nguồn hỗ trợ để mua tặng các đồ dùng, thiết bị gia dụng thiết thực cho các gia đình sau khi có nhà mới. Trước mắt hội sẽ hỗ trợ 2 gia đình ở xã Tân Thành mỗi hộ 1 tấn xi măng để xây dựng nhà mới”, bà Đinh Thị Ngọc Lê cho hay. |
X.Phú