Ngày xuân... bàn chuyện khởi nghiệp

  • 07:02, 14/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến các phong trào do thanh niên làm chủ, Chủ tịch UBND xã An Ninh (Quảng Ninh) Trương Thanh Long nhận xét: Tuổi trẻ An Ninh “dám nghĩ, dám làm” đã giúp lan tỏa sâu rộng tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, thôi thúc đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đẩy mạnh khởi nghiệp, truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên tự tin trong lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội quê hương, đất nước.
 
Khởi nghiệp... để lập nghiệp
 
Đánh giá các mô hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ĐVTN, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh Hoàng Xuân Thiết cho biết: Mô hình “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” do Đoàn xã An Ninh phát động từ năm 2021 là một minh chứng, giúp ĐVTN có ý thức tự lập, tự cường, tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp ngay chính tại quê hương mình. Qua hơn 4 năm triển khai, mô hình đã duy trì và phát huy hiệu quả tốt, tạo nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
 
Bí thư Đoàn xã An Ninh Nguyễn Duy Nhân chia sẻ: Trước đây, trên địa bàn xã, tình trạng ĐVTN, trí thức sau khi tốt nghiệp đại học thường chọn các thành phố lớn để ở lại lập nghiệp. Trước tình trạng đó, được sự ủng hộ, khuyến khích từ Huyện đoàn Quảng Ninh, Đảng ủy, UBND xã An Ninh, Ban Chấp hành Đoàn xã An Ninh quyết tâm thực hiện mô hình: “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tập hợp ĐVTN tại chỗ, động viên ĐVTN, trí thức con em ở xa trở về quê hương lập thân, lập nghiệp, chung tay xây dựng, phát triển quê hương.
Quy trình tạo ra sản phẩm bột mè đen “Cửu chưng, cửu sái” tại cơ sở sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng của chị Trương Thị Thương.
Quy trình tạo ra sản phẩm bột mè đen “Cửu chưng, cửu sái” tại cơ sở sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng của chị Trương Thị Thương.
Điển hình trong phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” ở xã An Ninh là các mô hình: Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp của doanh nghiệp trẻ Nguyễn Phong Thành; “Nuôi ốc bươu đen” của anh Nguyễn Hùng Cường (thôn Thống Nhất); cơ sở sản xuất “Bột ngũ cốc Thương Nhà quê” của chị Trương Thị Thương (thôn Thu Thừ)... Qua phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp đã huy động nhiều ĐVTN cùng tham gia, cống hiến, từ đó tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với thu nhập bình quân 10-15 triệu đồng/tháng.
 
Lập nghiệp... để cống hiến
 
Theo chân Bí thư Đoàn xã An Ninh Nguyễn Duy Nhân, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất “Bột ngũ cốc Thương Nhà quê” tại thôn Thu Thừ. Chủ nhân thương hiệu “Bột ngũ cốc Thương Nhà quê” còn khá trẻ-chị Trương Thị Thương, sinh năm 1993.
 
“Xông đất” đầu năm, nghe chị Trương Thị Thương say mê bàn chuyện khởi nghiệp, lập nghiệp mới thấy bản lĩnh của những người trẻ như Thương. Tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, có một công việc ổn định thu nhập cao ở TP. Hồ Chí Minh nhưng theo tiếng gọi quê hương, Trương Thị Thương trở về, tham gia phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” do Đoàn xã An Ninh phát động với mô hình sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng sạch làm từ những nguyên liệu sẵn có, như: Gạo, nếp than, ngô, lạc, đậu xanh, hạt sen, mè đen...
 
Chủ tịch UBND xã An Ninh Trương Thanh Long: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ĐVTN của xã trở thành lực lượng tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, chung tay vì cuộc sống cộng đồng. Đối với cơ sở sản xuất “Bột ngũ cốc Thương Nhà quê” của chị Trương Thị Thương, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất. Trước mắt là hỗ trợ quy hoạch vùng diện tích trồng nguyên liệu, sau đó tiếp tục hỗ trợ thêm về vốn nhằm tập trung xây dựng thương hiệu “Bột ngũ cốc Thương Nhà quê” thành sản phẩm OCOP của xã”.

“Hơn 4 năm khởi nghiệp chưa phải là dài, nhưng sản phẩm bột ngũ cốc của tôi đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong tỉnh và các thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, thậm chí vươn ra thị trường nước ngoài. Để có thành quả này, các sản phẩm bột dinh dưỡng phải bảo đảm sạch, uy tín, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Từ những kiến thức học được và thời gian lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, tôi đã tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, logo sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; thiết kế trang web bán hàng trực tuyến... Nhờ vậy, thương hiệu “Bột ngũ cốc Thương Nhà quê” hữu xạ tự nhiên hương, lan tỏa nhanh trong cộng đồng với các sản phẩm chủ lực, gồm: Bột mầm ngũ cốc dinh dưỡng; bột mầm ngũ cốc tăng cân; bột mầm ngũ cốc giảm cân; bột mầm ngũ cốc bổ tủy, bổ tạng; bột mầm ngũ cốc mẹ bầu và lợi sữa; ngũ cốc “Hắc Tam Bảo”; bột mè đen “Cửu chưng, cửu sái” (hấp 9 lần, rang 9 lần)”.

Chị Trương Thị Thương kể: “Buổi đầu khởi nghiệp, một mình tôi đi khắp huyện Quảng Ninh tìm kiếm nguồn nguyên liệu sạch rồi quyết định lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp từ xã Trường Sơn, riêng nếp than phải lấy từ tỉnh Điện Biên. Hiện tại, khi hệ thống nhà xưởng đã xây dựng xong thì vùng nguyên liệu chuyển dần về địa bàn các xã An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh... Người dân liên kết với cơ sở cam kết nguồn nguyên liệu phải sạch, quy trình sản xuất khép kín, hạn chế tối thiểu việc sử dụng thuốc, phân bón hóa học. Đầu năm mới 2025 này, xã An Ninh tạo điều kiện bố trí cho tôi 5 mẫu đất nông nghiệp để trồng nguyên liệu. Với quy mô sản xuất được mở rộng, hy vọng sẽ tạo nhiều hơn công ăn việc làm cho ĐVTN và nông dân trên địa bàn”.
 
Ước mơ xây dựng thương hiệu “Bột ngũ cốc Thương Nhà quê” riêng mình, ngay chính trên quê hương của chị Trương Thị Thương đã trở thành hiện thực. Trải qua những khó khăn buổi đầu lập nghiệp, các sản phẩm dần dần chinh phục được nhiều đối tượng khách hàng gần xa. “Lập nghiệp thành công giúp bản thân, gia đình lập thân, vươn lên làm giàu chính đáng. Và điều quan trọng nhất, thông qua cơ sở sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng của mình giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp khép kín, xanh, sạch, bền vững”, chị Trương Thị Thương chia sẻ thêm.
Thanh Long

 

tin liên quan

Thực hiện thành công ca phẫu thuật mắt bằng keo dán sinh học
Thực hiện thành công ca phẫu thuật mắt bằng keo dán sinh học
 
(QBĐT) - Ngày 14/2, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc tự thân đầu tiên bằng keo dán sinh học fibrin do bệnh viện tự nghiên cứu và sản xuất.
Khan hiếm máu cho nhu cầu cấp cứu, điều trị
Khan hiếm máu cho nhu cầu cấp cứu, điều trị

(QBĐT) - "Thông thường, nhu cầu cao điểm sau Tết Nguyên đán ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới trong khoảng 600-700 đơn vị máu, nhưng thời điểm này, ngân hàng máu của bệnh viện chỉ còn 150 đơn vị". Đó là thông tin mà bác sĩ Hồ Hoàng Thị Kim Huệ, Trưởng khoa Sinh hóa-Huyết học-Truyền máu chia sẻ.

Trên 98% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế
Trên 98% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế

(QBĐT) - Theo số liệu thống kê từ cơ quan BHXH tỉnh, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 100% trường học với 185.678 HSSV tham gia BHYT.