(QBĐT) - “Chắc tay súng thép hai trăm trận đánh oai hùng sông núi còn ghi/Trương Thị Diên nữ anh hùng y tế đã lớn lên rồi cùng dòng sông”-chân dung người nữ Anh hùng lao động (AHLĐ) của ngành Y tế đã được nhạc sĩ Quách Mộng Lân phác họa như thế trong ca khúc “Đẹp sao năm gái quê ta”.
Việc dù to hay nhỏ cũng làm hết sức
Sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch), năm 19 tuổi, Trương Thị Diên được cử đi tập huấn lớp nghiệp vụ dạy vỡ lòng ngắn ngày. Sau khóa học, cô trở về dạy vỡ lòng ngày 2 lớp ở địa bàn xã. Là giáo viên, cô Diên còn đảm nhận công tác y tế, là nữ cứu thương của đơn vị dân quân Thanh Khê. Thời kỳ đó, trên vai cô lúc nào cũng có một túi đựng thuốc để kịp thời cứu chữa cho nhân dân khi cần.
Năm 1965, khi đang dạy học ở Hợp tác xã Ngư nghiệp Quang Thịnh, thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, máy bay Mỹ ập đến ném bom, cô giáo Trương Thị Diên nhanh chóng đưa 25 cháu vào hầm trú ẩn an toàn; phòng học bị sập, cô bị thương khi đang ở nắp hầm che chở cho các em. Sau đó, cô giáo Diên đã được nhận Huy hiệu Bác Hồ khen tặng.
|
Trong cuốn sách Lịch sử Y tế Quảng Bình, 1945-1995, ở trang 209 có viết: “Y tá Trương Thị Diên, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) người phụ nữ mới sinh con đầu lòng đang trong thời kỳ nhũ nhi; mẹ già, chồng bị thương nhưng đã băng mình trong lửa đạn xông pha như nam giới đến cấp cứu, tải thương, cứu ngạt cho bộ đội, dân quân tự vệ... Với tinh thần dũng cảm, tận tụy phục vụ nhân dân, Trương Thị Diên được Quốc hội-Nhà nước tuyên dương Anh hùng của ngành Y tế, Bác Hồ tặng huy hiệu”.
Khi nghe tôi đọc những dòng này và thắc mắc “Hoàn cảnh gia đình như vậy, làm sao lúc đó bà có thể xông pha như nam giới?”, bà Diên cười hiền, kể: “Có những khi, nhận tin tàu của bộ đội ta bị cháy gần cảng Gianh, nhiều chiến sĩ bị thương, chúng tôi vội lao ngay ra, mỗi người mỗi việc. Nhiệm vụ cấp bách nên chẳng kịp nghĩ gì nhiều, gần như lúc đó chẳng còn nhớ đến mình có con nhỏ đang gửi nhờ người trông coi. Xong việc, 1-2 giờ sáng mới trở về với con. Ở thời điểm đó, không riêng tôi mà rất nhiều người đã phải tạm quên đi việc gia đình, quên đi hoàn cảnh cá nhân để hướng đến cái chung lớn lao hơn. Thế hệ chúng tôi tâm niệm: Việc dù to hay nhỏ gì, cũng phải làm hết sức mình!”.
Hai lần được gặp Bác Hồ
Năm nay đã 87 tuổi nhưng bà Trương Thị Diên vẫn còn giữ được sự minh mẫn, khi nhắc đến chuyện xưa, nhất là kỷ niệm về hai lần được gặp Bác Hồ. Bà rưng rưng kể: “Cuối tháng 12/1966, tôi trong đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Bình ra Hà Nội dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước. Lúc đó, con gái thứ hai là Nguyễn Thị Tố Uyên mới được 6 tháng tuổi. Lần đầu được gặp Bác Hồ là hôm khai mạc đại hội, vào ngày 30/12/1966, Bác tới dự, phát biểu với đại hội. Biểu dương thành tích trong chiến đấu, sản xuất, công tác và học tập của các đại biểu, Bác cũng đồng thời nhắc nhở các anh hùng, chiến sĩ thi đua không được tự mãn mà phải không ngừng rèn luyện để ngày càng tiến bộ”.
|
Bà Diên giới thiệu bức ảnh về kỷ niệm lần gặp Bác Hồ: “Bức ảnh chụp trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi tôi được Bác hỏi chuyện. Đó là thời điểm nghỉ giải lao, Bác xuống hội trường nói chuyện với các đại biểu, có bà Nguyễn Thị Suốt, Lê Thị Phấn, ông Đặng Gia Tất-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, tôi cùng một số các đại biểu khác. Bác hỏi tôi: Cô này làm chi? Đang lúng túng, tôi chưa kịp trả lời thì ông Đặng Gia Tất nói: Thưa Bác, cô này làm công tác y tế ạ!”.
Sau đại hội, bà Diên cùng đoàn đại biểu phụ nữ y tế Quảng Bình vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác ân cần dặn dò anh chị em khi về Quảng Bình phải cố gắng phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh tốt hơn nữa để góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước khi ra về, Bác còn tặng cho mỗi chị em 1 chiếc huy hiệu.
Hãy giữ cái tâm của người làm nghề
“Sở dĩ có anh hùng là vì có đất nước anh hùng, có dân tộc anh hùng là vì có Mẹ Việt Nam anh hùng. Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn”. Lời nhắc nhở ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm khảm của AHLĐ Trương Thị Diên. Để rồi, sau lần dự đại hội, trở về với công việc, bà đã cố gắng học tập nâng cao trình độ, phấn đấu trong công tác và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trước lúc nghỉ hưu, bác sĩ Trương Thị Diên là Trạm trưởng Trạm Bướu cổ tỉnh.
Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, ngày 1/1/1967, bà Trương Thị Diên được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ. |
Bức ảnh lưu lại khoảnh khắc bà được gặp Bác Hồ nay được gia đình lưu giữ và treo trang trọng tại phòng khách, như một lời nhắc nhở với cháu con về một thời gian khó mà hào hùng của thế hệ đi trước. Bức ảnh ấy cũng đã từng nằm trong hành trang cô con gái thứ 2 Nguyễn Thị Tố Uyên sang Hungary học tập, là nguồn động viên, khích lệ đối với chị. Chị tâm sự: “Chị em chúng tôi luôn tự nhủ phải học hỏi, phấn đấu, có ý thức trách nhiệm trong công việc; thực hiện đúng tâm niệm, lời dạy của mẹ: Việc dù lớn hay nhỏ cũng làm hết sức mình”.
Noi gương bà, các thế hệ con cháu của bà đều nỗ lực học tập, công tác. Đại gia đình bà Diên có 8 người công tác trong ngành Y tế, trong đó, có 7 bác sĩ và 1 cử nhân điều dưỡng. “Rất may các con hiểu lòng ba mẹ, nói ít, hiểu nhiều. Tôi luôn dặn con cháu: Mỗi thời một khác, nhưng dù thời nào, mình cũng phải làm tròn trách nhiệm, giữ cái tâm của người làm nghề “Lương y phải như từ mẫu”, bà Diên chia sẻ.
Hương Lê