(QBĐT) - Càng cuối đông, cái rét càng sâu. Dù chưa tới thời khắc giao mùa nhưng ta đã cảm nhận, phảng phất trong gió những làn hương đặc trưng. Mưa bụi rây đều vào không gian, những chùm quất chín mọng, những chậu mai vàng, đào phai, đào bích khoe sắc trước mưa xuân. Những ngày này, mọi gia đình Việt Nam tất bật thu dọn, trang trí nhà cửa, sắm thêm đồ đạc; chế biến mứt, bánh, dưa hành; gói và nấu bánh chưng… Bước sang ngày cuối năm, nhà nhà chuẩn bị cho bữa cơm gia đình chiều ba mươi Tết, còn gọi là bữa cơm tất niên. Khi nói về Tết Việt và văn hóa Việt, không thể không nói tới bữa cơm chiều ba mươi và nhiều ý nghĩa quan trọng ở mâm cơm này.
Tất niên những năm tháng tuổi thơ
Dù đã ngoài thất thập, tôi vẫn nhớ, khi tôi thức dậy thì mẹ đã đi chợ Tết từ bao giờ. Có lẽ là rất sớm, bởi mẹ phải cuốc bộ gần chục cây số. Dù trước đó, mỗi tháng bà vẫn “ăn” vài phiên chợ như thế nhưng hôm nay tôi mong đợi đến cồn cào. Mẹ về, kiểu gì cũng có “hàng Tết” cho con. Đó là mấy chú “tò he” đủ các sắc màu vắt bằng bột gạo, là chiếc trống bỏi nhỏ nhắn xinh xinh. Và nhất là áo mới để diện Tết. Bố tỉ mẩn gần buổi sáng, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước sân, ông đứng ngắm một cách say mê. Mẹ về, tôi say sưa với mấy món đồ quý của mình, bố mẹ cùng nhau sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên, mời ông bà về đón Tết cùng con cháu.
Trong mắt tôi, mâm cơm ấy đúng “trăm phần trăm cơm”, không hề độn các thứ ngô, khoai, sắn… như ngày thường. Một bát to canh rau do bố hái ở vườn và hai dĩa trứng luộc, nhìn qua, mỗi dĩa có tám múi, tôi hiểu đó là hai quả trứng xẻ tư. Cạnh bát canh là dĩa cá kho, tôi không hiểu cá gì, hỏi mẹ tôi mới biết đó là cá bẹ, món mà mẹ đã nấn ná, cố mua cho bằng được sáng nay. Chưa hết, mâm cơm ngày Tết có khác, một “cút” rượu trắng, một dĩa dưa hành, một bát thịt heo kho còn bốc khói và hai dĩa bánh chưng. Chừng ấy thôi mà cung kính làm sao.
Bố dùng chiếc bật lửa (còn gọi là bích-kê) để châm đèn, tiếp đó ông đốt lên nén nhang màu đen, khắp căn nhà sực nức mùi hương trầm ngào ngạt. Bố nghiêm trang trong bộ bà ba màu nâu, vái trước bàn thờ gia tiên, lát sau mắt ông rơm rớm, giọng ông nghèn nghẹn. Tôi hiểu, bố nhớ tới ông bà, các cụ đã đi xa từ trận ném bom ra miền Bắc đầu tiên của giặc Mỹ. Sau mấy lần khấn khứa, bố gọi mẹ thông báo công việc đã xong và tuyên bố, bữa cơm tất niên bắt đầu. Ngoài trời mưa mỏng dần, chúng tôi cùng nhau hưởng lộc. Bố tôi trao mẹ ly rượu, mẹ nhận, hớp nhẹ rồi đặt về phía chồng, hai người nhìn nhau bằng ánh mắt đến là vui… Đó là những khoảnh khắc ấm áp, ngọt ngào chẳng thể quên thời thơ bé của tôi.
![]() |
Tất niên thời “cổ lai hy”
Tuổi thơ đi qua thật nhanh. Rồi mấy chục năm xa quê, đâu phải Tết nào cũng được đoàn viên mừng Xuân mới. Bởi thế, bữa cơm gia đình cuối năm thường lướt qua, ít khi để lại trong tôi những ký ức bền lâu. Ngày khấp khởi nhận quyết định nghỉ hưu, vừa đặt ba-lô, việc thôn, việc làng đã khoác vào vai. Mỗi bận Tết đến Xuân về, người mang trách nhiệm bận tíu tít, vì phải lo cho dân là chính. Thế là những bữa cơm gia đình cuối năm cũng thật đơn giản.
Từ khi được nghỉ công việc chung, bữa cơm tất niên của gia đình có quy củ hơn. Thời nay, hàng hóa phong phú, việc sắm sửa rất thuận lợi. Những ngày giáp Tết, mai, đào, cúc chậu về tận nơi, tràn cả ra đường. Ở nhà chỉ sắm trước những món chính, con, cháu công tác nơi xa mang về mỗi người một ít, không chỉ để bữa cơm tất niên xôm tụ, mà còn đủ dùng cho cả Tết. Khi các con, các cháu về đông đủ, việc trước tiên cả nhà đi thăm phần mộ ông bà nội ngoại. Tiếp đó, mỗi người mỗi việc, cùng xúm vào sắm mâm cơm để thờ cúng ông bà. Không khí quê hương và gia đình ngày này rạo rực làm sao, dù không nói ra nhưng mỗi người đều ấp ủ niềm hy vọng tốt đẹp trước thềm năm mới.
Sau tuần hương bái tạ tổ tiên, trẻ em được quan tâm trước nhất, khi các cháu đã ấm bụng cùng nhau vui chơi, là lúc cả nhà quây quần hưởng lộc. Ly rượu đầu tiên, mọi người vui vẻ mừng nhau một năm qua sức khỏe.
Là trụ cột gia đình, bố mẹ thường nêu ra những ưu khuyết trong năm của mọi người hết sức nhẹ nhàng. Sau khi tiếp thu, các con cùng trao đổi, góp ý cho nhau; tiếp đó đề cập đến các cháu, công tác, học hành, hôn nhân… ai cũng tỏ ra thoải mái, phấn khởi. Đặc biệt, khi con cháu bày tỏ sự quan tâm về sức khỏe của bố mẹ, ông bà, nhất là khoản lạm dụng công việc… Chúng tôi chỉ biết lắng nghe, cảm nhận hạnh phúc, cảm ơn sự quan tâm của con cháu và “hứa” sẽ điều chỉnh để cùng yên tâm. Một chút nghèn nghẹn, tôi thoáng nhớ về cha mẹ và những bữa cơm tất niên tuổi thơ của mình…
Đã thành nền nếp, bữa cơm gia đình cuối năm đã đi vào tâm thức, tạo cho con cháu sự háo hức, sự hướng về, nhắc bảo mình cố gắng đạt nhiều ưu điểm, để bữa cơm tất niên “ngon” hơn. Trong không khí đoàn tụ, sum vầy của các thế hệ, như có lời thủ thỉ của tiền nhân. Bữa cơm chiều ba mươi Tết là dịp để con cháu tri ân tổ tiên, dịp để cùng nhau nhìn lại, chia sẻ thành công hay những dự định còn dang dở; cùng nhau “lên dây cót” tinh thần, tiếp tục đi tới. Trong tâm lý mỗi người, sau bữa cơm ấm áp thâm tình này, Tết chính thức bắt đầu, có nơi gọi đây là “bữa cơm vào Tết” dù chưa bước sang năm mới.
Bữa cơm cuối năm với người Việt ở trong nước rất quan trọng. Đối với người Việt xa quê, bữa cơm càng xới thêm nỗi nhớ quê hương, bằng những cảm xúc cồn cào, da diết hơn. Nói đâu xa, chúng tôi có bốn người cháu đang lao động ở nước ngoài. Các cháu đã lập gia đình, vào ngày này tất cả đều sắm bữa cơm tất niên, có đầy đủ hương vị truyền thống để hướng về Tổ quốc thân yêu…
Ánh điện đã sáng bừng khắp các ngã đường quê, chỉ ít giờ nữa đất trời sẽ vào xuân, bữa cơm đã mở đầu cho một cái Tết sum vầy. Trong tâm trạng phấn chấn, mọi người hào hứng gặp gỡ nhau quanh đống lửa ở đình làng, để đúng giờ giao thừa, ngọn lửa ấy được di chuyển về thắp sáng không gian mỗi gia đình, nhen vào bếp, nấu những món ẩm thực đầu năm… Cùng với mâm cơm chiều ba mươi, đây là một phong tục đẹp, thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân quê tôi!
Nguyễn Tiến Nên