(QBĐT) - Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2024, tiểu dự án 2 thuộc dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS-MN)” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS-MN, giai đoạn 2021-2025 do Ban Dân tộc tỉnh triển khai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, các hội thi, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn hóa, văn nghệ (VHVN)… đã tạo sức hấp dẫn và thu hút sự tham gia của đông đảo bà con.
Cùng đội thi bản Cây Bông tham gia chương trình giao lưu VHVN gắn với tuyên truyền giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT ở vùng ĐBDTTS-MN tại UBND xã Kim Thủy (Lệ Thủy), chị Trần Thị Kim Liên, Bí thư Chi bộ bản Cây Bông chia sẻ, chị vốn người Quảng Nam về làm dâu tại bản hơn 32 năm qua. Nên duyên và yêu mến vùng đất này, chị gắn bó và hết mình vì công việc của bản làng.
Trước đây, tình trạng TH-HNCHT ở bản còn phức tạp, nhưng nay nhờ sự vào cuộc tích cực, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhất là việc triển khai tiểu dự án 2, nhận thức của bà con đã có sự đổi thay rõ rệt. Chương trình VHVN này chính là một sự kiện đặc biệt được bà con chờ đợi và đội thi của bản đã miệt mài, hăng say tập luyện.
Đội thi của bản Cây Bông mang đến hội thi 2 vở kịch và 1 tiết mục văn nghệ. Sau chương trình, các thành viên sẽ về tuyên truyền cho con em trong bản về giảm thiểu TH-HNCHT. Chị Kim Liên mong muốn, những sự kiện như thế này sẽ được tổ chức ngay tại bản để nhiều bà con có thể tham gia trực tiếp.
![]() |
Cũng giống như chị Kim Liên, 5 đội thi của xã Kim Thủy đều mang tâm thế vui tươi, háo hức tham gia với sự chuẩn bị chu đáo, không ngại vất vả. Hoạt động giao lưu VHVN được tổ chức hấp dẫn, thiết thực, hiệu quả bằng hình thức sân khấu hóa phối hợp với chiếu phim tuyên truyền. Các đội đã mang đến chương trình những tiết mục văn nghệ ấn tượng. Các tiểu phẩm được chính thành viên các đội biểu diễn mộc mạc, lôi cuốn với nội dung tuyên truyền giảm thiểu TH-HNCHT gần gũi, sát thực tiễn.
Riêng năm 2024, triển khai tiểu dự án 2, toàn tỉnh đã tổ chức 6 hội thi và 4 phiên tòa giả định, 6 hoạt động giao lưu VHVN… cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và bà con vùng ĐBDTTS-MN. Qua đó, bà con trực tiếp tham gia vào sự kiện, đóng vai trò chính và nhờ vậy, các thông điệp dễ dàng lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, toàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiều hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp UBND các xã, thị trấn, các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tổ chức 31 lớp tập huấn với sự tham gia gần 3.000 người; lắp đặt 13 pano tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình; 10 cuộc tọa đàm giao lưu và nói chuyện chuyên đề về pháp luật liên quan...
Bên cạnh tích cực đổi mới tuyên truyền, công tác bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở và tư vấn, lồng ghép cũng được chú trọng.
Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Thị Lài, thời gian tới, nhiều nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai, trong đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động và tập trung ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng tỷ lệ tảo hôn còn cao. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS cùng tham gia; nghiên cứu biên soạn tài liệu cẩm nang về phòng, chống TH-HNCHT ở vùng ĐBDTTS-MN.
M.N