Tình trạng sạt lở ở Thuận hóa: Canh cánh nỗi lo

  • 07:12, 30/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) xuất hiện tình trạng sạt lở trên diện rộng. Sạt lở dọc hai bên sông Gianh đã cuốn trôi hàng chục ha đất sản xuất, đất vườn, đe dọa đến tài sản, tính mạng của nhiều hộ dân. Không những thế, trên địa bàn còn xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt lún tại các tuyến đường giao thông gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.

Sạt lở bờ sông...

Xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) có nhiều sông suối, đồi núi cao, vực sâu nên mùa mưa lũ thường xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún, làm chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến đất sản xuất, đe dọa tài sản, tính mạng của người dân, nhất là các thôn: Xuân Canh, Thuận Tiến, Đồng Lào, Hạ Lào.

Riêng trong trận lũ đầu tháng 11/2024, thôn Thuận Tiến có 5 hộ, 21 khẩu và thôn Ba Tâm 6 hộ, 20 khẩu bị ảnh hưởng sạt lở đất phải tạm di dời. Tại thôn Thuận Tiến, sạt lở đất với khối lượng trên 400m3 vùi lấp tuyến đường thị trấn Đồng Lê đi xã Thuận Hóa. Sạt lở bờ sông Gianh ở thôn Xuân Canh với chiều dài khoảng 300m, ăn sâu vào có nơi khoảng 5m, chiều cao 3-5m, khối lượng khoảng 1.000m3, ảnh hưởng trực tiếp 6 hộ dân sống liền kề, trong đó có hộ chỉ cách điểm sạt lở khoảng 5m. Đất nông nghiệp trên địa bàn xã cũng bị sạt lở khoảng 5ha tại thôn Đồng Lào, và 1ha tại thôn Hạ Lào.

Tình trạng sạt lở bờ sông tại thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa ngày càng nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở bờ sông tại thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa ngày càng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Quang Trung (67 tuổi), ở thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa lo lắng: “Mỗi khi mưa to, nước sông Gianh dâng cao là cả nhà tôi phải di dời vì lo sạt lở. Trước đây, nhà tôi cách bờ sông hơn 50m, nay điểm sạt lở chỉ còn cách nhà gần 10m. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì vài năm nữa gia đình tôi sẽ có nguy cơ mất nhà”. Gia đình ông Trung ở trên mảnh đất này từ năm 1983 nhưng đến năm 2016, tình trạng sạt lở bờ sông mới xảy ra. Trong vòng 8 năm qua, mưa lũ đã “nuốt” trôi 3 sào đất màu khiến cuộc sống gia đình ông ngày càng thêm khó khăn.

Cách nhà ông Trung khoảng 50m là nhà anh Hoàng Văn Thành, một hộ dân cũng đang sống trong lo âu vì sạt lở. “Trước đây, bờ sông ở ngoài xa và không có tình trạng sạt lở. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bắt đầu xảy ra và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng dần. Hiện bờ sông chỉ còn cách nhà tôi chưa đầy 10m. Với tình hình sạt lở như thế này, khoảng vài năm nữa, nhà cửa, vườn tược của tôi cũng sẽ bị cuốn trôi”, anh Thành lo lắng.

... Và đường giao thông liên xã

Không chỉ bờ sông bị sạt lở, trên địa bàn xã Thuận Hóa còn xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún trên các tuyến đường, gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân và phương tiện giao thông. Riêng tuyến đường từ xã Thuận Hóa đi thị trấn Đồng Lê, xã Đức Hóa đoạn qua địa bàn bị mưa lũ xói lở 3 đoạn tại thôn Xuân Canh. Có hai đoạn bị sạt lở, sụt lún dài 10m, rộng 3m và một đoạn sạt lở dài 30m, rộng 3m. Các vị trí sạt lở, sụt lún thành những “hầm ếch”, tạo ra khoảng rỗng sâu bên dưới lòng đường.  

Anh Nguyễn Đức Hải, một người dân xã Thuận Hóa nói: “Mỗi khi đi lại tuyến đường liên xã Thuận Hóa-thị trấn Đồng Lê-Đức Hóa tôi rất lo sợ, nhất là đi qua các điểm sạt lở, sụt lún. Đây là tuyến đường có rất nhiều người và phương tiện đi lại nên các xe ô tô có tải trọng nặng đi qua rất có thể bị sập đường, hoặc lao xuống hố sụt”.

Tuyến đường liên xã Thuận Hóa-thị trấn Đồng Lê-Đức Hóa bị sạt lở, sụt lún nhiều vị trí.
Tuyến đường liên xã Thuận Hóa-thị trấn Đồng Lê-Đức Hóa bị sạt lở, sụt lún nhiều vị trí.

Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Nguyễn Xuân Các cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh, sạt lở và sụt lún đường giao thông trên địa bàn do thiên tai gây ra ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình này, UBND xã đã tổ chức di dời người dân trong vùng sạt lở mỗi khi có mưa lũ lớn để bảo đảm tính mạng cho bà con; cắm biển cảnh báo và rào những vị trí sạt lở, sụt lún trên các đường giao thông. Về lâu dài, xã sẽ quy hoạch để di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Mặt khác, UBND xã cũng đã báo cáo lên huyện về tình trạng sạt lở, sụt lún trên địa bàn và đề xuất phương án xử lý phù hợp”…

“Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 14 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài trên 6,5km, ảnh hưởng đến 129 hộ dân với 495 khẩu. Để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, suối, UBND huyện Tuyên Hóa đã lập phương án, xây dựng kè chống sạt lở ở một số nơi. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu xây kè chống sạt lở và lập quy hoạch, di dời dân vùng sạt lở đến nơi an toàn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí nên huyện rất mong sự hỗ trợ, giúp đỡ từ tỉnh, trung ương...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết.

Xuân Vương

tin liên quan

Tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động
Tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động

(QBĐT) - Chiều 30/12, Ban Thường vụ Công đoàn Khu Kinh tế tổ chức hội nghị Ban Chấp hành (mở rộng) tổng kết hoạt động năm 2024; triển khai nhiệm vụ công tác Công đoàn năm 2025.

Khám, cấp thuốc chống dịch bệnh ghẻ tại xã Thượng Trạch
Khám, cấp thuốc chống dịch bệnh ghẻ tại xã Thượng Trạch
(QBĐT) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch vừa tổ chức khám, cấp phát thuốc điều trị dự phòng bệnh ghẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 18 bản của xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
 
Thắp lên ngọn lửa yêu thương
Thắp lên ngọn lửa yêu thương

(QBĐT) - Dù mang trong mình nỗi đau do bệnh tật hoặc nuôi dưỡng người thân mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục-Đào tạo vẫn kiên cường khắc phục khó khăn để tiếp tục hành trình gieo mầm tri thức.