(QBĐT) - Tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong, Trường đại học Quảng Bình vừa tổ chức thả tái tạo 13.000 con cá niên giống về môi trường tự nhiên. Đây là hoạt động trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thử nghiệm sản xuất giống cá niên (Onychostoma gerlachi Peters, 1881) tại tỉnh Quảng Bình” do Trường đại học Quảng Bình chủ trì thực hiện.
![]() |
Cá niên, còn gọi là cá mát, là loài thủy sản quý có giá trị kinh tế và môi trường cao nhưng đang suy giảm nghiêm trọng tại Quảng Bình do khai thác quá mức và biến đổi môi trường sống. Nhiệm vụ nghiên cứu do Trường đại học Quảng Bình chủ trì nhằm xác định đặc điểm sinh học, sinh thái của loài cá này, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất giống để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã triển khai 3 tuyến điều tra, thu thập 180 mẫu cá, tiến hành phân tích nguồn gen và xác định chính xác tên khoa học của cá niên. Đặc biệt, nhiệm vụ thu gom và nuôi vỗ thành công 600 cá thể bố mẹ, với tỷ lệ sống đạt 76% và thực hiện sinh sản nhân tạo qua 3 đợt. Kết quả thu được 60.000 cá bột đạt chất lượng, trong đó 5% được thả về tự nhiên, tương đương 13.000 cá giống.
![]() |
Hoạt động thả tái tạo cá giống đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực khôi phục nguồn lợi cá niên tại Quảng Bình, góp phần bảo vệ nguồn gen quý giá và duy trì sự đa dạng sinh học tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong.
Việc này không chỉ hỗ trợ cân bằng hệ sinh thái mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành Thủy sản, đóng góp thiết thực vào sinh kế của người dân địa phương.
H.Trà