(QBĐT) - Hỗ trợ, đồng hành với ngư dân gặp rủi ro, thiên tai trên biển; trao sinh kế, kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở, đỡ đầu con em ngư dân hoàn cảnh khó khăn và tặng hàng nghìn là cờ Tổ quốc, áo phao... đã và đang lan tỏa những việc làm thiết thực, giúp ngư dân vững vàng vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc!
“Tiếp sức” để không ai bị bỏ lại phía sau
Dù biết nghề biển vất vả, gian truân nhưng những ngư dân xem “thuyền là nhà, biển là quê hương”, gắn bó máu thịt với làng chài thì khi nào sức khỏe không cho phép nữa mới dừng đi biển. Ngư dân Trương Tấn Thành (SN 1950) ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) cũng mang tâm thế đó khi gần bước vào tuổi 70.
Bà Nguyễn Thị Quyệt (SN 1953)-vợ ông Thành bộc bạch: “Bám biển từ nhỏ nhưng mãi chỉ đủ ăn. Vì vậy, mỗi lần mưa bão ở trong ngôi nhà cũ là phấp phỏng không yên. Giờ, có căn nhà nhỏ kiên cố, sạch sẽ, tôi rất biết ơn mọi người đã giúp đỡ. Đây không chỉ là mái ấm của gia đình tôi mà còn là nguồn động lực cho các thế hệ ngư dân đang mưu sinh với nghề biển…”.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Hải Ninh Nguyễn Viết Ngân cho hay, cách đó không xa, ngôi nhà khang trang của ngư dân Hoàng Văn Tính ở thôn Hiển Trung cũng được đưa vào sử dụng, giúp gia đình ổn định cuộc sống. Từ năm 2022 đến nay, xã Hải Ninh có 6 hộ ngư dân được quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây mới và sửa chữa nhà; trên 350 ngư dân được tặng áo phao cứu sinh đa năng và cờ Tổ quốc... với tổng trị giá gần 700 triệu đồng.
![]() |
Đó là kết quả ý nghĩa từ chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” của Hội CTĐ tỉnh triển khai trên địa bàn xã Hải Ninh. Và đây chỉ là một trong 11 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển thuộc các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn được hưởng lợi của chương trình do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động từ năm 2022.
Không chỉ tập trung vào việc cải thiện điều kiện sống, làm việc của ngư dân, chương trình còn đặt ra các mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển. Từ sự thấu hiểu và tinh thần sẻ chia, nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã đến với bà con ngư dân. Nổi bật, như: Hỗ trợ xây mới nhà ở, sửa chữa nhà ở bảo đảm an toàn; trao mô hình sinh kế; cấp học bổng, xe đạp cho học sinh là con em ngư dân hoàn cảnh khó khăn; tặng dụng cụ bảo hộ an toàn trên biển; tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật…
“Có thể nói, “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” là chương trình giàu ý nghĩa nhân văn, tạo động lực để ngư dân khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chương trình tạo được nhiều hiệu ứng tích cực với sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm. Hơn 2 năm triển khai, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã huy động gần 4,3 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, trên 9.239 hộ ngư dân được hỗ trợ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức để ổn định cuộc sống...”, Chủ tịch Hội CTĐ Phan Văn Cầu khẳng định.
Giúp ngư dân vững tâm vươn khơi
Cùng với thực hiện quản lý khu vực cảng Hòn La và cửa lạch Roòn, Đồn Biên phòng (BP) Roòn còn triển khai hiệu quả công tác dân vận bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, qua đó, đồng hành và trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển.
Theo trung tá Nguyễn Sơn Bình, Chính trị viên Đồn BP Roòn: “Với phương châm “hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân như chính người thân của mình”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) đơn vị luôn sát cánh cùng bà con ngư dân trong nhiều hoạt động, như: Phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); tập huấn kỹ năng cấp cứu, sơ cứu trên biển… Đặc biệt, những khi thời tiết xấu hay có sự cố trên biển, CB, CS luôn túc trực để ứng cứu kịp thời”.
Là người nhận được sự hỗ trợ của lực lượng BP, ngư dân Phạm Thanh Huân (SN 1985), ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) nhớ lại: “Khi đang cùng 2 ngư dân khác đang trên đường vào cửa lạch sông Roòn thì bị sóng đánh chìm thuyền, khiến cả ba người rơi xuống biển. Tôi thực sự xúc động trước những hành động của các chiến sĩ BP. Các anh đã bất chấp hiểm nguy, vượt sóng dữ cứu ngư dân bị nạn trên biển...”.
![]() |
Vượt sóng ra vùng biển động để cứu nạn, dù niềm hy vọng vô cùng mong manh nhưng những CB, CS đã không biết bao lần liều mình giữa sóng dữ để giành lại mạng sống ngư dân từ tay tử thần. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đội BP tỉnh đã điều động 32 tổ/198 lượt CB, CS/11 lượt ca nô, thuyền máy của ngư dân, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tìm kiếm người bị nạn và tàu cá mắc cạn; tiếp nhận và kiểm tra sức khỏe cho 21 thuyền viên bị nạn trên biển...
Ngoài ra, lực lượng Bộ đội BP tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội tại các địa phương vùng biển với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng, như: Tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ cho ngư dân bám biển; trao quà cho ngư dân; đỡ đầu học sinh con ngư dân hoàn cảnh khó khăn; khám, cấp phát thuốc miễn phí…
Mỗi câu chuyện, mỗi gia đình ngư dân được hỗ trợ là một minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của hành trình đồng hành, sát cánh cùng ngư dân của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, những hoạt động cụ thể, ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống và nhận thức pháp luật của bà con ngư dân để mỗi con tàu ra khơi là “cột mốc chủ quyền”, mỗi ngư dân là một “chiến sĩ BP” trên biển.
Đối với ngư dân, trên mỗi hành trình vươn khơi, bám biển, sự hỗ trợ, “tiếp sức” cả vật chất lẫn tinh thần đều mang lại những động lực to lớn. Bởi, đó chính là niềm tin để họ vững tâm vươn khơi phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. |
Thùy Lâm