Khát vọng từ vùng đất khó

  • 12:12, 31/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hoa Thủy (Lệ Thủy), vùng đất nghèo khó năm xưa giờ đang vươn lên, đổi mới từng ngày nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân. Sự đổi thay kỳ diệu ở Hoa Thủy không chỉ hiện hữu trên từng con đường, nếp nhà mà cả trong từng nếp nghĩ, cách làm của mỗi người dân nơi đây…

Không cho đất nghỉ…

Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Nguyễn Thế Thắng bảo rằng, vùng đất nghèo khó Hoa Thủy ngày xưa giờ đã bắt đầu chuyển mình. Sự “chuyển mình” này xuất phát từ khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Với đặc điểm tự nhiên của vùng đất, Hoa Thủy đã xác định được các loại cây trồng phù hợp, ngoài chủ lực là cây lúa, cây nén đã được “điểm danh”...

“Trước đây, trên những vùng đất gò đồi, người dân trồng một số loại cây trồng ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khoảng một thập kỷ trở lại đây, địa phương đã chỉ đạo bà con mạnh dạn chuyển đổi đất ở vùng gò đồi sang trồng cây nén. Hiện, cây nén đã trở thành cây trồng chủ lực và là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Hoa Thủy…”, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Thắng cho hay.

Bà Phạm Thị Tám, thôn Thượng Xá gắn bó với cây nén đã vài chục năm nay trên những vùng đất đồi Hoa Thủy chia sẻ, trước đây, gia đình bà chủ yếu trồng cây nén trong vườn nhà để làm gia vị cho bữa ăn hàng ngày. Năm nào trồng được nhiều, bà Tám nhổ bớt cây nén đưa ra chợ bán hoặc nhập lại cho các thương lái để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

“Nén là cây trồng bản địa của người dân địa phương và thường được trồng từ cuối tháng 7 kéo dài đến tháng 4 (âm lịch) năm sau. Thấy được triển vọng kinh tế từ cây nén, gia đình tôi mở rộng thêm 3 sào đất ở những vùng gò đồi để trồng. Mới đây, từ thu hoạch nén cây, gia đình tôi bán được hơn 11 triệu đồng…”, bà Tám cho hay.

Cây nén phát triển tốt trên vùng đất Hoa Thủy.
Cây nén phát triển tốt trên vùng đất Hoa Thủy.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Nguyễn Thế Thắng quả quyết, cây nén đã giúp cho nhiều hộ dân ở địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Bình quân mỗi sào nén cho thu nhập từ 18-25 triệu đồng, giá trị gấp 5 lần so với trồng lúa. Loại cây này đang làm hồi sinh nhiều vùng đất “tử địa” của địa phương; đồng thời để hạt nén Hoa Thủy vươn xa, UBND xã cũng đã thành lập tổ hợp tác trồng nén Thượng Vinh với 45 thành viên, diện tích khoảng 35ha. Trung bình mỗi thành viên trong tổ hợp tác có từ 3-8 sào đất trồng nén. Cây nén Hoa Thủy hiện đang được chính quyền địa phương chọn để xây dựng sản phẩm OCOP…

Gần ba thập kỷ thực hiện công cuộc “mở đất” ở vùng Trọt Vình, thôn Thượng Xá, giờ, cơ ngơi mà gia đình ông Nguyễn Văn Tình có được là một trang trại tổng hợp được thiết kế bài bản, khoa học và hiện hữu là màu xanh ngút ngàn của vườn cây ăn quả các loại.

Vừa dẫn tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình, ông Tình vừa háo hức kể, trước đây, gia đình ông thuộc diện nghèo khó nhất ở thôn. Năm 1997, thực hiện chính sách di dân phát triển vùng kinh tế mới của chính quyền địa phương, vợ chồng ông bắt đầu gồng gánh con cái lên vùng đất Trọt Vình này.

“Nơi đây, ngày trước chủ yếu toàn là cây sim, me và bụi dại, để cải tạo vùng đất “tử địa” này cũng lắm gian nan, bởi con cái thì còn nhỏ, chạy vạy từng bữa cơm hàng ngày. Ngày đó, sáng thì lên rẫy đốt than về bán, rảnh khi nào thì lấy cuốc, xẻng ra khai hoang, cải tạo đất. Đất được mở đến đâu, vợ chồng tôi trồng khoai, sắn đến đó. Mới đó, ngoảnh lại đã gần ba thập kỷ đã trôi qua. Trên mảnh đất này, không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức đã đổ ra, giờ thành quả cũng đã hiện hữu rõ nét…”, ông Tình chia sẻ.

Trang trại của ông Nguyễn Văn Tình có diện tích 1,5ha với hơn 200 cây vải thiều, 200 cây xoài và hơn 80 gốc na dai. Dưới những tán cây ăn quả, ông Tình còn tận dụng để trồng thêm cây mì tinh, khoai chuối và nuôi gà. Nhờ biết tính toán đến các yếu tố về khí hậu, mùa vụ cùng với cách quy hoạch trang trại bài bản, hợp lý, hàng năm, thu nhập từ trang trại của ông Tình cũng đạt gần 100 triệu đồng…

Tạo đột phá cho quê hương

Hoa Thủy là địa phương nằm cách khá xa trung tâm huyện Lệ Thủy, đời sống kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Sau khi cán đích nông thôn mới vào năm 2018, Hoa Thủy đã có nhiều đổi thay rõ rệt với nhiều tuyến đường giao thông được bê tông hóa; đường làng ngõ xóm được rộng mở, sạch đẹp; thu nhập bình quân đầu người được nâng lên hơn 70 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hiện chỉ còn 57 hộ, chiếm 2,58% dân số toàn xã…

Ông Nguyễn Văn Tình có gần ba thập kỷ thực hiện công cuộc “mở đất” ở thôn Thượng Xá.
Ông Nguyễn Văn Tình có gần ba thập kỷ thực hiện công cuộc “mở đất” ở thôn Thượng Xá.

Năm 2024, địa phương đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Trong đó, thành công nhất vẫn là sản xuất lúa được mùa toàn diện với năng suất, sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Năm qua, tổng sản lượng lúa cả năm ở Hoa Thủy đạt hơn 10.260 tấn, tăng hơn 829 tấn so với kế hoạch; thực hiện chuyển đổi vụ lúa tái sinh sang làm lúa vụ hè-thu với diện tích gần 79ha; giải quyết việc làm cho hơn 450 lao động...

“Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương vẫn còn chậm và chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế. Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hoa Thủy lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định, đề ra những định hướng lớn trong phát triển kinh tế ở địa phương, đó là, cần phải tận dụng các lợi thế sẵn có để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững…”, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Nguyễn Thế Thắng chia sẻ.

Ngoài khâu đột phá về phát triển sản xuất nông nghiệp, Hoa Thủy sẽ tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như: Nuôi tôm càng xanh, lúa-cá-vịt; đồng thời hướng đến phát triển du lịch sinh thái vùng phá Hạc Hải với việc chú trọng xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương…

Năm 2025, xã Hoa Thủy đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn so với các năm trước: Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75,3 triệu đồng/người/năm; có 445ha đạt giá trị thu nhập đạt trên 70 triệu đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 455-485 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,55%; giữ vững xã đạt chuẩn quốc gia về y tế với chất lượng cao hơn; duy trì 8 làng và 5 cơ quan văn hóa, phấn đấu có thêm 1 làng văn hóa…

Ngọc Hải

tin liên quan

Cục Hàng không chỉ đạo nóng khi thế giới liên tiếp xảy ra tai nạn hàng không
Cục Hàng không chỉ đạo nóng khi thế giới liên tiếp xảy ra tai nạn hàng không

Ngày 30/12, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không dịp cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.

Phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 30/12, UBND tỉnh có Thông báo số 2516/TB-UBND về việc phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2027.

Thêm 2 huyện đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét
Thêm 2 huyện đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét

(QBĐT) - Ngày 31/12, bác sĩ CKI Huỳnh Công Hùng, Trưởng khoa Điều trị lao, bệnh phổi, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Quảng Trạch và Lệ Thủy là. 2 địa phương vừa được công nhận huyện, thị xã, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.