(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đào tạo nghề theo nhu cầu
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, huyện Quảng Ninh có dân số 92.044 người, dân số trong độ tuổi lao động là 53.862 người. Xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu.
Năm 2024, huyện mở 6 lớp đào tạo nghề cho 186 học viên với các nghề: Trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, trồng cây ăn quả, nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, kỹ thuật chế biến món ăn… Tham gia các lớp đào tạo nghề, LĐNT tiếp cận được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hóa trên một đơn vị diện tích.
![]() |
Chị Trương Thị Duyên, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh chia sẻ: “Cuối tháng 10/2024, biết được thông tin Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức dạy lớp trồng rau an toàn ngay tại địa phương, tôi đã nhanh chóng đăng ký tham gia. Trước đây, tôi có tận dụng đất vườn để trồng rau nhưng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của bản thân nên hiệu quả không cao. Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề, tôi biết thêm nhiều kiến thức mới về quy trình trồng rau an toàn, từ đó vận dụng vào thực tế của gia đình”.
Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo; tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Công ty may Tiến Hùng (xã Gia Ninh) và Công ty may Khánh An (xã Vĩnh Ninh) đào tạo nghề may cho LĐNT. Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động được công ty nhận vào làm việc. Người lao động ở xã Trường Sơn và Trường Xuân sau khi học nghề nuôi ong đã được các hợp tác xã trên địa bàn thu mua sản phẩm. Nhiều lao động sau khi học nghề kỹ thuật chế biến món ăn đã thành lập các dịch vụ tiệc cưới lưu động và mở các quán ăn phục vụ trên địa bàn...
Nâng cao chất lượng lao động nông thôn
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Quảng Ninh vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho LĐNT chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều LĐNT, nhất là lao động người dân tộc thiểu số, lao động vùng sâu, vùng xa có trình độ văn hóa thấp, chưa nhận đúng về lợi ích của học nghề nên chưa tham gia học nghề. Các xã còn thiếu các giải pháp cụ thể để định hướng ngành nghề mũi nhọn của địa phương nên kết quả thực hiện còn hạn chế. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề chưa cao, một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn...
Từ năm 2021 đến năm 2024, huyện Quảng Ninh đã mở 46 lớp đào tạo nghề cho 1.487 LĐNT với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, công tác đào tạo nghề cần được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; dạy nghề phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch lao động của từng xã theo ngành, lĩnh vực và cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương... Các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ trương, chính sách, pháp luật về đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là các chính sách khuyến khích hỗ trợ của nhà nước cho đào tạo nghề, cho người học nghề; xác định sản phẩm hàng hóa, cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp tiềm năng địa phương để có hướng đề nghị đào tạo ngành nghề phù hợp.
Theo kế hoạch, năm 2025, huyện Quảng Ninh sẽ tổ chức 7 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 245 LĐNT từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phát triển nguồn nhân lực.