"Đầu tàu" ở bản An Bai

  • 06:12, 11/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bà con dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản An Bai, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) ai nấy đều tự. hào khi nhắc đến Hồ Song (SN 1990), người trưởng bản trẻ tuổi nhưng luôn tận tụy, hết lòng vì bản làng. Với vai trò là Trưởng bản, anh Hồ Song luôn dám nghĩ, dám làm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tạo sức lan tỏa, giúp bản An Bai có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Tiên phong phát triển kinh tế

Dẫn chúng tôi len lỏi qua những vườn rừng xanh mướt, anh Hồ Song tự hào khoe: “Những cánh rừng keo tràm này đều là của bà con dân bản cả đấy. Bây giờ đang thời điểm thu hoạch rừng keo, nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng”.

Bản An Bai nằm ở thượng nguồn sông Kiến Giang, cách Quốc lộ 9C khoảng chừng 2km. Bản có 126 hộ, 450 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Trước đây, cuộc sống của bà con dân bản đều rất khó khăn, hầu hết đều thuộc diện đói nghèo, trong đó có gia đình Hồ Song.

Là một người trẻ, Hồ Song nhận thấy tiềm năng đất đai, khí hậu nơi đây rất thuận lợi cho việc trồng rừng kinh tế. Cùng với đó, bản nằm gần Quốc lộ 9C nên thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Vì vậy, khi được tín nhiệm bầu làm trưởng bản vào năm 2017, Hồ Song luôn trăn trở tìm hướng tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình để giảm nghèo theo định hướng của Nghị quyết Đảng bộ xã Kim Thủy đề ra.

Anh Hồ Song (bìa trái) tranh thủ gặp gỡ, động viên người dân trong bản chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Hồ Song (bìa trái) tranh thủ gặp gỡ, động viên người dân trong bản chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Hồ Song tâm niệm rằng “để dân nghe, dân tin thì bản thân những người đứng đầu thôn bản như mình không thể đi sau, mà phải “đi trước, làm trước” nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, nếp làm, tập quán canh tác cũ của bà con”. Chính vì vậy, những năm qua, vợ chồng anh tích cực đầu tư trồng rừng trên diện tích đất của gia đình, đồng thời tích lũy, mua thêm đất nên đến nay gia đình đã có hơn 5ha đất lâm nghiệp để trồng rừng. Cứ khoảng 3 năm 1 lần, gia đình anh thu hoạch keo mang về nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Hồ Song còn đầu tư phát triển chăn nuôi dê. Anh mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng đàn; đồng thời trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho dê. Hiện, đàn dê của gia đình phát triển trên 50 con. Nhờ trồng rừng và chăn nuôi, vợ chồng Hồ Song làm được căn nhà tiền tỷ, chăm lo tốt cho cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học.

Nhìn thấy gia đình Hồ Song làm kinh tế hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong bản cũng thăm quan, học hỏi cách làm. Ai đến cũng được vợ chồng anh tận tình hướng dẫn, còn đến tận nhà để “cầm tay, chỉ việc”, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con làm theo. Nhiều hộ trong bản nhờ học theo Hồ Song, chăm lo trồng rừng kinh tế, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà để phát triển kinh tế nên đã có của ăn, của để. Điển hình như gia đình Hồ Khiêm cải tạo vườn tạp trồng tiêu, mua xe ô tô nhỏ để vận chuyển hàng hóa, vật liệu cho bà con trong bản, có thu nhập khá...

Hết lòng vì việc dân, việc bản

Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế mà theo nhận xét của Bí thư Chi bộ bản An Bai Hồ Sửu: “Đồng chí Hồ Song là một cán bộ gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm với việc dân, việc bản. Là Phó bí thư Chi bộ, đồng chí luôn tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao, cùng tập thể chi ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp nhân dân tham gia tốt các hoạt động và phong trào thi đua của bản”.

Được bầu làm Trưởng bản từ năm 2017, lúc đó Hồ Song còn rất trẻ, mới 27 tuổi nên ban đầu một số người vẫn “băn khoăn”, chưa “ưng cái bụng” lắm. Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, Hồ Song đã giải quyết công việc của bản, của dân rất “thấu tình, đạt lý”, dần dần xóa đi sự “nghi ngờ” và được hầu hết người dân trong bản tin yêu.

Để có được điều đó, hàng ngày anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, người có uy tín trong bản về cách vận động, tuyên truyền, làm sao để nói cho dân hiểu, dân tin và làm theo.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy Đỗ Trung Quân đánh giá: “Đồng chí Hồ Song là một cán bộ cơ sở trẻ, năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong công việc. Với vai trò là một trưởng bản, anh như một “đầu tàu” trong các phong trào, hoạt động của bản cũng như của xã. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con trong bản cùng vươn lên, góp phần đẩy lùi cái nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương”.

Theo anh Hồ Song, nếu trưởng bản tham gia giải quyết việc bản dưới vai trò là “người nhà nước” thì già làng lại là “người của dân bản”, của luật tục. Chính vì vậy, những việc gì của bản mà liên quan đến phong tục, tập quán, anh và đồng chí bí thư chi bộ cũng đều “tham vấn” các già làng và người có uy tín trong bản. Bởi, dù không quản việc bản nhưng họ là trung tâm đoàn kết cộng đồng. Có tiếng nói của họ những việc lớn nhỏ của bản đều được giải quyết thuận lợi.

Năm 2024, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bản An Bai được đầu tư một con đường bê tông. Trước đây, con đường bằng đất nhỏ hẹp nên khi đổ bê tông, cần phải mở rộng và vướng đến rất nhiều đất vườn và cây cối của dân bản.

Công việc lúc đầu gặp khó khăn do nhiều người không chịu thiệt, đòi “đền bù”. Nhưng thôn bản thì lấy đâu ra tiền để đền bù cho bà con, vì vậy, Hồ Song nghĩ ngay đến già làng Hoàng Chiến và nhờ ông đứng ra cùng chi ủy, chính quyền bản mời bà con đến họp, rồi đi từng nhà vận động. “Nói phải củ cải cũng nghe”, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, bà con ai cũng hiểu và nhường đất, chặt cây để cho bản có con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp phục vụ giao thương, đi lại.  

Bằng sự tận tâm và nhiệt huyết với công việc, Hồ Song được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Quan trọng hơn, càng ngày anh càng nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của bà con dân bản An Bai. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để “đầu tàu” Hồ Song phát huy sức trẻ, quyết tâm làm được nhiều việc tốt hơn nữa, giúp dân bản có cuộc sống ấm no, bản An Bai ngày càng khởi sắc.

Phan Phương

tin liên quan

Để thành phố không còn hộ nghèo
Để thành phố không còn hộ nghèo

(QBĐT) - Tuy số lượng hộ nghèo trên địa bàn không còn nhiều, nhưng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, phấn đấu để không còn hộ nghèo, thời gian qua, các cấp Mặt trận TP. Đồng Hới đã chú trọng huy động nguồn lực với nhiều việc làm thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo trên địa bàn.

"Niềm tin gửi đến muôn người"
"Niềm tin gửi đến muôn người"

(QBĐT) - Đó là tên tác phẩm của tỉnh Quảng Bình vừa đoạt giải A cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Đảng và Nhà nước do BHXH Việt Nam phát động vào tháng 5/2024. 

Hơn 3.000 lao động được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm
Hơn 3.000 lao động được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm
(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt chú trọng hỗ trợ vay vốn cho những người có nhu cầu.