![]() |
Theo anh Thành, để có tác phẩm khảm trai đẹp, chất lượng cần phải vẽ mẫu ra giấy trước. Sau đó, so sánh các bản mẫu, đánh giá và lựa chọn ra những mẫu phù hợp, ưng ý nhất để đưa vào thực hiện. Đối với các ý tưởng này, người làm nghề khảm trai có thể thỏa sức sáng tạo theo khả năng của mình. Ngoài ra, người khảm trai cũng làm tốt các công đoạn đòi hỏi độ chính xác, như: Cưa trai theo mẫu vẽ, đục gỗ, gắn trai vào gỗ, mài khảm và sử dụng bột đen để làm nổi bật họa tiết…
Nỗ lực vượt qua khó khăn
Trong quá trình học nghề và làm việc, năm 2010, anh Thành đã gặp và yêu thương chị Phạm Thị Bé (quê ở Hà Nội) cũng là người khuyết tật làm việc tại xưởng rồi nên duyên vợ chồng. Chị Bé tâm sự: “Ngày chúng tôi đến với nhau, gia đình hai bên đều ủng hộ nhưng vẫn rất lo lắng vì cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật, khó chăm sóc cho nhau, nhất là việc nuôi dạy con. Nhưng vượt lên những lo lắng, chúng tôi quyết tâm đến với nhau bằng sự đồng cảm và tình yêu chân thành”.
Ngày mới cưới, bố mẹ anh Thành cho hai vợ chồng mảnh đất có căn nhà nhỏ đã xuống cấp. Đến nay, gần 15 năm chung sống, anh chị đã có hai đứa con (một gái, một trai) và công việc ổn định. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng anh Thanh vẫn luôn đồng sức, đồng lòng để phát triển kinh tế gia đình cũng như nuôi dạy các con khôn lớn. Đặc biệt, năm 2019, anh Thành được Câu lạc bộ (CLB) thanh niên khuyết tật TP. Đồng Hới hỗ trợ đi học nâng cao tay nghề; đồng thời, CLB còn kết nối với các tổ chức hỗ trợ gia đình anh 12 triệu đồng để mua máy móc ra làm riêng.
Sau khi mở cơ sở khảm trai tại nhà, kinh tế của gia đình anh Thành, chị Bé dần khấm khá lên. Các sản phẩm của anh chị làm ra đều ấn tượng, độc đáo, mang nét văn hóa, đặc trưng riêng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện, anh Thành đang liên kết khoảng 20 xưởng mộc trên địa bàn TP. Đồng Hới để làm các tác phẩm khảm trai. Nhờ đó, vợ chồng anh có việc làm thường xuyên, có tháng thu nhập gần 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Từ nguồn tích góp, gia đình anh Thành đã làm được ngôi nhà khang trang và mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại. Anh Thành cho hay: “Học được nghề khảm trai, vợ chồng tôi đã có công việc ổn định, chăm lo cuộc sống gia đình, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Tôi đang ấp ủ dự định vay vốn để mua máy móc, nguyên liệu, mở rộng thị trường nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng yêu nghệ thuật khảm trai trên địa bàn”.
Chủ nhiệm CLB thanh niên khuyết tật TP. Đồng Hới Nguyễn Viết Quân: “CLB hiện có 60 thành viên, trong đó có khoảng 60% còn khả năng đi lại. Những năm qua, CLB luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ vốn vay, giúp thành viên xây dựng 40 mô hình sinh kế, tìm việc làm phù hợp. Từ đó, nhiều thành viên nỗ lực vươn lên để làm chủ về kinh tế, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong số đó, vợ chồng anh Nguyễn Mậu Thành và chị Phạm Thị Bé là một trong những tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó.” |