(QBĐT) - Nếu như trước đây, học nghề chỉ được xem là giải pháp tình thế, sự lựa chọn “bất đắc dĩ” của nhiều học sinh (HS) thì bây giờ, mọi chuyện đã khác. Khi thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ngày càng diễn ra phổ biến, học nghề trở thành sự lựa chọn cho bước đường tương lai của không ít người...
Tốt nghiệp THPT, không chọn thi đại học như những HS khác, Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1999) ở xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) quyết định ghi danh vào lớp Chế biến món ăn K14, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình. Sau hơn 2 năm chăm chỉ học tập, Ngọc Mai tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Nắm vững trong tay công thức, kỹ thuật chế biến nhiều món ăn, sau một thời gian ra trường, khi tích lũy được kinh nghiệm, chị cùng chồng quyết định mở nhà hàng ẩm thực tại quê chồng ở thôn Cà, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) vừa phục vụ thực khách đến nhà hàng vừa nhận đặt tiệc cho những ai có nhu cầu.
Hơn 2 năm đi vào hoạt động, nhà hàng của vợ chồng chị ngày càng thu hút nhiều thực khách nhờ thực đơn phong phú, đa dạng và luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình, cơ sở của chị còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
“Mở hướng lập nghiệp bằng con đường học nghề có lẽ là quyết định sáng suốt, đúng đắn nhất của em. Ngày đó, vì kinh tế gia đình khó khăn nên em quyết định học nghề, bởi học phí đại học ngày càng tăng, trong khi học ở Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, chi phí học tập và sinh hoạt không cao nên giảm bớt áp lực kinh phí cho gia đình. Trong quá trình học, ngoài cung cấp kiến thức, nhà trường còn tạo điều kiện cho đi thực tập, học hỏi kinh nghiệm tại Công ty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà (TP. Đà Nẵng). Từ đó, tay nghề của học viên được nâng lên đáng kể. Em muốn đi làm sớm để ổn định cuộc sống vì thời gian học nghề chỉ gần 3 năm là ra trường. Hiện tại, cuộc sống gia đình đang dần ổn định, em cảm thấy mình thật may mắn vì đã lựa chọn được hướng đi đúng cho cuộc đời. Em cũng động viên em trai mạnh dạn lựa chọn học nghề để sớm tìm kiếm con đường lập nghiệp phù hợp và hiện cậu ấy đang học ngành Công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình”, Ngọc Mai chia sẻ.
![]() |
Cũng chọn học nghề như Ngọc Mai, nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Chiên (SN 1985) ở thôn 5, xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) lại quyết định “rẽ ngang” khi đã có một công việc ổn định. Chị Chiên vốn là giáo viên nhưng vì thu nhập không đủ trang trải cho những chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên cuối năm 2018, chị quyết định nghỉ việc mở trang trại chăn nuôi. Ban đầu, chị Chiên chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia, sau đó, nhận thấy đây là hướng đi hiệu quả, chị ấp ủ dự định mở rộng quy mô và chị hiểu, muốn thực hiện được điều đó phải có kiến thức, kỹ năng nghề bài bản. Chính vì vậy, chị Ngọc Chiên đăng ký tham gia lớp cao đẳng thú y tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình.
Tốt nghiệp ra trường, nắm vững kiến thức về chăn nuôi, thú y, chị Chiên mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, thành lập Hợp tác xã chăn nuôi gà đồi Quý Chiên. Hợp tác xã quy tụ hơn 10 hộ gia đình cùng 20 lao động cố định cùng tham gia chăn nuôi gà với mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng/hộ. Riêng chị Chiên thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. “Ban đầu khi quyết định “rẽ ngang”, tôi rất đắn đo, phân vân nhưng vì gánh nặng mưu sinh, tôi đành từ bỏ nghề giáo vốn là ước mơ trước đây của mình. Rất may, thực tế đã chứng minh lựa chọn của tôi là đúng đắn. Bây giờ, tôi cảm thấy rất hài lòng với công việc, với mức thu nhập mà nó mang lại”, chị Chiên bày tỏ.
Có thể thấy, trước đây, nhiều HS chọn học nghề bởi vì không thi đỗ vào trường đại học theo mong muốn. Thậm chí, nhiều HS chọn học nghề là giải pháp tình thế trong lúc đợi đến kỳ thi đại học năm sau. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, thay vì lựa chọn vào đại học, nhiều gia đình đã định hướng cho con em theo con đường học nghề. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được việc làm phù hợp, thậm chí có nhiều sinh viên phải cất tấm bằng cử nhân để đi làm công nhân hoặc học lại một nghề khác thì không ít người đã thành công, tạo dựng sự nghiệp ổn định sau khi học nghề.
Theo báo cáo từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, dự ước đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 17.000 người; trong đó cao đẳng 250 người, trung cấp 1.750 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 15.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 30,5%. |
Hiện nay, khi thị trường việc làm đang “thừa thầy, thiếu thợ”, những bạn trẻ có tay nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm. Các trường nghề cũng tập trung đầu tư trang thiết bị đào tạo hiện đại, bắt kịp xu hướng phát triển; kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hoặc nếu không ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào thì với những ngành nghề được đào tạo, người học cũng có thể tự khởi nghiệp với sức khỏe, bản lĩnh và tay nghề của bản thân.
“Xu hướng học nghề hiện nay đang được xem là con đường lập nghiệp nhanh nhất. Bởi vậy, số HS đăng ký vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình nói riêng ngày càng đông. Để nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cùng với việc mở nhiều ngành nghề đào tạo thị trường đang có nhu cầu tuyển dụng cao, như: Điện dân dụng, may công nghiệp, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn..., nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa về trình độ đào tạo, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề; đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý đào tạo; tranh thủ mọi nguồn lực để tăng trưởng cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề. Để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho HS sau khi tốt nghiệp, nhà trường huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên kết và hỗ trợ nhà trường trong việc tiếp nhận HS, sinh viên về thực tập cũng như tiếp nhận vào làm việc. Nhờ đó, trên 80% HS, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có công việc ổn định, thu nhập cao…”, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình Dương Vũ Nhật Đồng cho biết.
Với chiến lược đào tạo có nhiều thay đổi, phù hợp tình hình thực tế, như: Tập trung đào tạo những ngành nghề mà địa phương đang cần, xã hội đang thiếu; đào tạo nghề theo địa chỉ, theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều HS, sinh viên. Đặc biệt, với nhiều người, học nghề không còn là tình thế “bất đắc dĩ” mà trở thành lựa chọn tối ưu.
Tâm An