(QBĐT) - Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, TP. Đồng Hới đã đẩy mạnh việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) theo chủ trương của Chính phủ. Qua đó, mang lại nhiều tiện lợi, an toàn cho cơ quan quản lý và người hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch.
Kết quả bước đầu
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06), TP. Đồng Hới đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khuyến khích, vận động các đơn vị, cá nhân trên địa bàn thực hiện chuyển đổi phương thức TTKDTM.
Trong đó, theo lộ trình của BHXH Việt Nam là triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Qua đó, tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức TTKDTM. Đây vừa là chính sách mang lại nhiều tiện lợi, an toàn cho cơ quan quản lý và người hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, vừa góp phần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số của ngành BHXH theo Đề án 06 của Chính phủ.
![]() |
Tính đến nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới có 14.583 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng. Trong đó, số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức TTKDTM đạt tỷ lệ 50,32%. Tuy nhiên, so với bình quân chung cả nước, tỷ lệ này còn thấp.
Nguyên nhân là do người hưởng các chế độ này trên địa bàn tỉnh vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt hoặc không biết sử dụng thẻ ATM. Một số người muốn tập trung đến điểm chi trả hàng tháng để gặp gỡ, chuyện trò với nhau. Mặt khác, trên địa bàn TP. Đồng Hới chỉ có các máy rút tiền tự động (ATM) đặt tại trung tâm, như: Các phường Đồng Hải, Đồng Phú, Bắc Lý, Nam Lý, Đồng Sơn; các xã, phường còn lại không có máy ATM, không có phòng giao dịch của các ngân hàng, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân đăng ký hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH bằng phương thức TTKDTM.
Đơn cử, tại phường Đồng Sơn, toàn phường hiện có gần 1.400 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Tỷ lệ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân là 678 người, đạt gần 50%. Mặc dù việc này mang lại nhiều tiện ích cho các cơ quan, đơn vị và người dân nhưng tỷ lệ vẫn còn khá thấp. Theo một số người dân nơi đây, nhất là người cao tuổi, họ vẫn có thói quen dùng tiền mặt, gặp khó khăn trong thao tác sử dụng thẻ ATM và không biết sử dụng điện thoại thông minh. Hơn nữa, việc quản lý tài khoản và mở tài khoản phải chịu các khoản phí dịch vụ duy trì hàng tháng.
Cần giải pháp thích hợp
Nói về giải pháp đẩy mạnh TTKDTM cho người nhận các chế độ bảo hiểm, lương hưu, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Sơn Nguyễn Tiến Sơn cho hay, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tăng cường, phối hợp với địa phương, đoàn thể trong việc tuyên truyền về lợi ích của việc chi trả, TTKDTM. Bên cạnh đó, cần cung cấp danh sách người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH cho xã, phường cụ thể theo từng tổ dân phố để tổ công tác thực hiện Đề án 06 gặp mặt trực tiếp người hưởng nhằm có biện pháp phù hợp. Ngoài ra, ngân hàng cần có phương án ưu đãi về phí dịch vụ khi mở, sử dụng tài khoản và hỗ trợ mở tài khoản tận nhà đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không đi lại được.
Xã Lộc Ninh hiện có 9.678 nhân khẩu, trong đó có 954 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Thời gian qua, xã đã phối hợp với BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh về lợi ích của việc TTKDTM. Xã cũng phối hợp với bưu điện, các tổ chức tín dụng thực hiện tốt việc xác nhận ủy quyền cho thân nhân nhận thay qua tài khoản. Đến nay, toàn xã đã có 357/954 người chuyển sang hình thức TTKDTM. Nhưng do trên địa bàn xã không có máy ATM, không có phòng giao dịch của các ngân hàng nên người dân muốn rút tiền phải đi một quãng đường xa.
![]() |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh Trần Văn Thành, muốn nâng cao tỷ lệ chi trả lương hưu không dùng tiền mặt, BHXH và các cơ quan nên rà soát các đối tượng tiềm năng, phối hợp với địa phương để mời các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đang nhận tiền mặt và các tổ tín dụng để tuyên truyền trực tiếp nhằm giúp người dân nắm rõ chủ trương, những lợi ích, đồng thời giải đáp các vướng mắc.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đồng Hới Hoàng Thị Thanh Nhung cho biết, trước yêu cầu tất yếu của sự phát triển, các phòng, ban, đơn vị, địa phương liên quan của thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về lợi ích của việc sử dụng phương thức TTKDTM, giải đáp những thắc mắc của người dân, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức để TTKDTM trở thành thói quen của người dân từ khu vực đô thị đến nông thôn, giảm các chi phí liên quan đến tiền mặt; thống nhất giữa các đơn vị liên quan cùng phối hợp với cơ quan BHXH vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH mở và sử dụng tài khoản, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ TTKDTM. Từ đó, thành phố quyết tâm thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện với phương châm: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không bàn lùi, chỉ bàn làm”.
Theo kế hoạch, TP. Đồng Hới thực hiện chuyển đổi phương thức TTKDTM cho việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt tỷ lệ 75% trong năm 2024, tăng lên 90% trong năm 2025 và duy trì tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, địa phương đang triển khai các giải pháp thích hợp đối với các đối tượng liên quan. |
H.Trà