(QBĐT) - Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt, huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả qua tài khoản.
Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã góp phần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số của ngành BHXH theo Đề án 06 của Chính phủ, hướng tới theo lộ trình của BHXH Việt Nam là triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không dùng tiền mặt trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Qua đó, tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ, phục vụ tốt hơn nữa chính sách ASXH trên địa bàn toàn tỉnh.
Để thực hiện tốt chủ trương TTKDTM đối với người hưởng BHXH, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của tỉnh và huyện trong thực hiện chính sách ASXH, trọng tâm là tính ưu việt trong chi trả chế độ cho người hưởng BHXH qua tài khoản cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân.
![]() |
Các ngành, đơn vị cử cán bộ, nhân viên đến các điểm chi trả, các thôn/tổ dân phố và hộ gia đình trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở tài khoản và phát hành thẻ ATM cho người hưởng chưa được cấp tài khoản ngân hàng. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM; chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu giao dịch thanh toán, rút tiền mặt của người dân tại các quầy giao dịch, cây ATM và sẵn sàng hỗ trợ các vướng mắc khi có yêu cầu…
Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Thuận cho biết, đẩy mạnh việc chi trả dịch vụ ASXH qua phương thức TTKDTM là chính sách mang lại nhiều tiện lợi, an toàn cho cơ quan quản lý và người hưởng cũng như bảo đảm công khai, minh bạch. Việc TTKDTM tạo thuận lợi cho người dân được chủ động về thời gian, địa điểm rút tiền; bảo đảm chi trả kịp thời, đúng người hưởng, đúng số tiền; thời gian chi trả sớm hơn so với người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại điểm chi trả trực tiếp; được nhận tiền lãi ngân hàng khi chưa rút hết tiền lương hưu, trợ cấp BHXH trong tài khoản…
Thời gian qua, BHXH huyện đã phối hợp Công an huyện, Bưu điện, UBND các xã, thị trấn và các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiến hành tuyên truyền, vận động trực tiếp cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại các điểm chi trả trên địa bàn huyện về phương thức TTKDTM.
Võ Ninh là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Quảng Ninh đạt tỷ lệ 100% người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH được chi trả qua phương thức TTKDTM. Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Nguyễn Duy Tiễn cho hay, thực hiện chỉ đạo của huyện về việc thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân mở tài khoản ngân hàng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Đến nay, xã Võ Ninh có 401 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đăng ký chi trả TTKDTM, đạt tỷ lệ 100%.
Trong năm 2024, UBND huyện Quảng Ninh đề ra mục tiêu: Tỷ lệ chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với người hưởng BHXH trên địa bàn thị trấn Quán Hàu đạt tỷ lệ tối thiểu 85%, các xã còn lại đạt tỷ lệ tối thiểu 60%. Trong năm 2025, các xã, thị trấn đạt trên 90% và duy trì tăng trưởng trong các năm tiếp theo. |
Ông Nguyễn Văn Sông, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh chia sẻ: “Trước đây, tôi nhận lương hưu qua bưu điện, khi được tuyên truyền nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng, tôi đồng ý chuyển qua thẻ ATM. Ðặc biệt, với thẻ ATM này, tôi vừa rút được tiền tại các ngân hàng, vừa có thể rút tiền mặt tại các điểm bưu điện trên địa bàn, tôi thấy rất thuận tiện”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay trên địa bàn huyện Quảng Ninh có có 3.397 người đăng ký chi trả qua hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng trên tổng số 4.807 người hưởng BHXH, đạt tỷ lệ 70,67%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ cao, như: Võ Ninh (100%), Hải Ninh (100%), Tân Ninh (91,26%), thị trấn Quán Hàu (88,70%)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động người hưởng lương, trợ cấp BHXH tham gia phương thức TTKDTM vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là phần lớn người nhận lương hưu đều đã lớn tuổi không thành thạo trong việc sử dụng các hình thức thanh toán điện tử cũng như việc thao tác khi sử dụng thẻ ATM nên gặp trở ngại trong việc vận động. Bên cạnh đó, số lượng máy ATM tại các địa phương chưa đồng đều và chỉ tập trung ở vùng trung tâm, cách xa nơi ở của người dân, gây tâm lý ngại đi rút tiền...
Theo Giám đốc BHXH huyện Quảng Ninh, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai TTKDTM đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, thời gian tới, BHXH huyện Quảng Ninh tăng cường phối hợp với các ngân hàng, quỹ tín dụng rà soát, hoàn thiện hồ sơ, bảo đảm các giải pháp chi trả thuận lợi qua tài khoản cho người hưởng BHXH trong kỳ chi trả đối với các trường hợp mới đăng ký; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đối với người hưởng BHXH còn lại chưa đăng ký nhận chi trả qua hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng, hướng tới mục tiêu 100% người hưởng BHXH trên địa bàn toàn huyện đều được tiếp cận, sử dụng phương thức TTKDTM theo chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
L.Chi