"Sân chơi" sáng tạo cho tổ truyền thông cộng đồng

  • 01:10, 21/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) tại các địa phương triển khai dự án 8 thực sự là những “cánh tay đắc lực” trong tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em. Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa đã tổ chức thành công hội thi dành cho các tổ TTCĐ, tạo “sân chơi” cho các thành viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa Đinh Thị Ngọc Lê cho biết, dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2025 được triển khai tại 5 xã trên địa bàn. Riêng về tổ TTCĐ, toàn huyện duy trì 15 tổ với 11 tổ cấp huyện và 4 tổ cấp xã.

Hội thi “Truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2024 được tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua quy tụ 50 thí sinh là thành viên các tổ TTCĐ của 5 đội đến từ các xã: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Dân Hóa và Trọng Hóa.

Với 3 phần thi, gồm: Chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm được chuẩn bị công phu, chu đáo, các đội đã mang đến hội thi những ấn tượng và thông điệp được truyền đạt lồng ghép sáng tạo. Đặc biệt, nhiều nét văn hóa đặc sắc của ĐBDTTS được giới thiệu đến công chúng. Đây cũng là dịp để các tổ TTCĐ gặp gỡ, giao lưu trao đổi cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động.

Một phần thi ấn tượng tại hội thi truyền thông do Hội LHPN huyện Minh Hóa tổ chức.
Một phần thi ấn tượng tại hội thi truyền thông do Hội LHPN huyện Minh Hóa tổ chức.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hóa Sơn Cao Thị Hoa chia sẻ, hiện địa phương có 5 tổ TTCĐ và 1 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự đổi thay”. Đội thi của xã có 10 người được chọn từ 5 tổ TTCĐ. Đội có sự chuẩn bị chu đáo cho từng phần thi và tiết mục văn nghệ. Phần thi tiểu phẩm và chào hỏi đòi hỏi nhiều công sức, thời gian viết kịch bản, tập luyện và vận dụng sáng tạo dân ca truyền thống của dân tộc Chứt. Nhờ đó, các nội dung về bình đẳng giới, tác hại tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… được đội tuyên truyền hiệu quả. Với sự nỗ lực, đội thi của xã đã đoạt giải nhất, anh chị em rất vui mừng, phấn khởi và chờ đợi các hội thi tiếp theo.

Còn tại huyện Tuyên Hóa, hội thi “Tuyên truyền viên giỏi tổ TTCĐ về bình đẳng giới nhằm xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ trẻ em” năm 2024 được tổ chức tại xã Lâm Hóa vào đầu tháng 10/2024. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuyên Hóa Đinh Thị Ái Ninh, hội thi có 3 đội đến từ 2 xã Thanh Hóa (bản Cà Xen) và Lâm Hóa (bản Kè và bản Chuối) thuộc địa bàn triển khai dự án 8, với 3 phần thi: Chào hỏi, tài năng và hùng biện. Đây là dịp để thành viên các tổ TTCĐ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động truyền thông tại cơ sở; đồng thời, tạo cơ hội cho các thành viên cùng nhau chia sẻ ý kiến, mong muốn và sáng kiến của mình về xóa bỏ tập tục lạc hậu trên địa bàn...

Các đội thi đều có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nhất là lồng ghép, liên hệ với những nội dung thiết thực ở địa phương, gắn với công việc của các tổ TTCĐ. Các phần thi không chỉ thể hiện sự hiểu biết quy định pháp luật, chính sách về phụ nữ, trẻ em mà còn cho thấy kỹ năng diễn thuyết, trình bày vấn đề đầy thuyết phục, chuẩn bị các đạo cụ phục vụ cho việc truyền thông-đây là những yếu tố cần thiết góp phần nâng cao năng lực cho các tổ TTCĐ của dự án 8. Đáng chú ý, nhiều giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo của ĐBDTTS cũng được lồng ghép hiệu quả.

Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Hóa Cao Thị Phương tâm sự, phần thi khó nhất với hai đội thi bản Chuối và bản Kè chính là hùng biện. Hội LHPN xã phối hợp tích cực với các đội để xây dựng nội dung bài thi hùng biện “Giải pháp xóa bỏ định kiến về vai trò giới của nam và nữ” (bản Chuối) và “Đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng tảo hôn” (bản Kè). Điểm nổi bật của 2 đội thi chính là đa dạng độ tuổi tham gia, chú trọng người cao tuổi để tăng cường tuyên truyền cho thế hệ trẻ. Kết thúc hội thi, bản Chuối và bản Kè lần lượt đoạt giải nhất và nhì.

Các hội thi dành cho tổ TTCĐ thực sự là “ngày hội” của các thành viên và cả cộng đồng. Với hình thức tổ chức đa dạng, sáng tạo, chất lượng tuyên truyền đã được nâng cao rõ rệt, mang lại hiệu quả tích cực, tạo dấu ấn truyền thống. Thời gian tới, kỳ vọng nhiều hội thi tương tự sẽ được tổ chức với sự đổi mới về nội dung, hình thức nhằm góp phần triển khai hiệu quả hơn nữa dự án 8 trên địa bàn tỉnh. 

M.Nhân

tin liên quan

Phải khôn khéo!
Phải khôn khéo!

(QBĐT) - Mỗi lần tôi đi chợ mua thức ăn, lần nào về mẹ chồng cũng hỏi:

 

Lớp học đặc biệt...
Lớp học đặc biệt...

(QBĐT) - Buổi sáng, những thanh âm trong trẻo của tiếng giảng bài, tiếng đánh vần, tập đọc xen lẫn tiếng cười giòn tan của cô và trò vang lên từ nhà văn hóa bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đã phá tan màn sương đang giăng đầy lưng núi ở phía xa cánh rừng đại ngàn. 

Trận thứ hai cuộc thi "Điểm đến an toàn năm 2024"
Trận thứ hai cuộc thi "Điểm đến an toàn năm 2024"

(QBĐT) - Chiều 19/10, tại Công ty CP Đại Thành (xã Trung Trạch, Bố Trạch) đã diễn ra trận thứ hai cuộc thi "Điểm đến an toàn năm 2024" với chủ đề "Sau giờ tan ca".