(QBĐT) - Hàng năm, vào khoảng từ tháng 9-11, khi thời tiết bắt đầu se lạnh là lúc những đàn chim hoang dã vào mùa di cư. Những cánh đồng ở Quảng Trạch bỏ không để tránh lũ cũng là nơi đàn chim di cư tìm đến kiếm thức ăn, trú ngụ.
Để bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và đàn chim trời trước nguy cơ bị đánh bắt bởi người dân địa phương, chính quyền và lực lượng chức năng huyện Quảng Trạch đang đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn hành vi trái pháp luật này.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch Phạm Hồng Khánh cho biết, ngay từ đầu mùa chim di cư, đơn vị đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nghiêm cấm các hành vi săn bắt, kinh doanh và chế biến chim trời nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ, thu gom bẫy chim trời; vận động người dân giao nộp chim trời và thả về tự nhiên.
Theo ông Khánh, trước đây, trên các cánh đồng của xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Hưng, Quảng Xuân, sau mùa gặt vụ hè-thu là địa điểm để một số người dân địa phương chọn làm nơi đặt bẫy đánh bắt chim trời. Tại đây, họ giăng lưới chụp, cò giả và nhiều loại bẫy để tận diệt chim trời. Từ năm 2020 trở lại đây, tình trạng này đã giảm nhiều nhờ địa phương và cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyền truyền, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt chim trời hiện có nguy cơ bùng phát trở lại do lợi nhuận cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn huyện triển khai thực hiện thường xuyên.
|
Ngày 18/10/2024, UBND huyện Quảng Trạch tiếp tục ban hành công văn gửi các xã và đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn huyện.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, công văn còn nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nói chung và các loài chim hoang dã, di cư nói riêng trên địa bàn huyện.
Theo quy định tại Điều 21, 22, 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân).
Các hành vi vi phạm săn bắt chim hoang dã phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234, về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017.
L.An