(QBĐT) - Khi mây đen còn vần vũ trên bầu trời xám xịt, dòng sông nước chảy xiết, đỏ nặng phù sa từ thượng nguồn đổ về, cũng là lúc những người theo nghề sông nước ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) bắt đầu giong thuyền đánh bắt tôm, cá mùa nước sỉa.
“Đặc ân” mùa nước sỉa
Trung tuần tháng 8 âm lịch năm nay, sông Nhật Lệ đón đợt lũ đầu tiên. Khi trời còn mờ sáng, rất đông người dân sống lân cận bờ sông đã rủ nhau ra đón lõng, chờ cá lên. Cảnh mua bán nhộn nhịp cả khúc sông và một số khu vực dân cư ở xã Bảo Ninh.
Các mẻ lưới đầy ắp tôm, cá vừa mang lên bờ đã nhanh chóng được người dân xúm vào: Người bán nhặt rêu rác, phân loại; người mua thì chọn lựa theo sở thích của mình. Nhanh tay nhặt nhạnh các loại tôm, cá, ghẹ,… thành từng mớ, chị Hoàng Thị Phúc mời mọc: “Cá nước sỉa ni béo lắm, con chi cũng béo mà xương mềm. Chỉ có ngày ni thôi chứ mai cá trôi ra biển, không có nữa mô”.
Theo những người dân, số tôm, cá này vốn dĩ sinh sống trong các khe suối, đầu nguồn các con sông, nay gặp nước lũ chảy xiết trôi về. Ngoài ra, còn có luồng cá từ biển bơi vào sông ẩn nấp, sinh sống, khi gặp nước lũ nên bị “xót mắt”, “sốc nước”. Ngư dân sử dụng nhiều phương thức để “đón” luồng cá mùa nước sỉa như đơm đáy, quây rớ, chài lưới,… song hiệu quả nhất vẫn là nghề đáy.
![]() |
“Những ngày nước sỉa như này, lượng cá gấp 10 lần ngày thường, mỗi đáy như vậy cũng phải vài tạ cá. Chồng tôi phụ giúp ba đi kéo đáy cả đêm không ngủ luôn. Đáy đầy liên tục, kéo lên trút cá mang vào bờ rồi lại ra làm tiếp. Phải tranh thủ vì nước chảy chỉ ngày đầu thôi, chứ sau đó cá chỉ còn ít mà rêu rác về, dễ bị rách đáy. Nghề đáy mùa nước sỉa cực lắm nhưng được cái cho thu nhập cũng đỡ”, chị Hoàng Thị Lý ở thôn Hà Dương chia sẻ.
Sản phẩm đánh bắt mùa nước sỉa vô cùng phong phú, đa dạng: Từ những loại có giá trị kinh tế cao, bán được từ 300-500 nghìn đồng như lệch, cá nâu, cá dìa, cá đục, cá hanh, tôm bạc, cua, ghẹ,... cho đến các loại cá nhỏ, rẻ tiền như cá mòi, cá sơn,... Ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 20 hộ dân làm nghề đáy sông. Vào những ngày mưa lũ, cá trên thượng nguồn theo nước lũ đổ về rất dồi dào, người dân đánh bắt được rất nhiều, cho thu nhập khá. Các loại đặc sản có giá trị hầu như đã được các nhà hàng đặt mua từ trước, loại vừa được người dân mua ngay tại bờ sông, còn cá xấu, cá tạp bán cho người nuôi heo, gà. Mùa nước sỉa năm nay, ước tính, mỗi hộ có thu nhập khoảng từ 5-10 triệu đồng mỗi đêm đánh bắt.
![]() |
Nghề cha ông truyền lại
Ông Lại Thế Nhân (66 tuổi) ở thôn Trung Bính đã có gần 50 năm gắn bó với nghề đáy sông. Lúc tôi đến thăm nhà, ông đang tranh thủ vá lại chiếc đáy vừa bị nước lũ “xé” rách. Say sưa diễn tả về chiếc đáy và cách đơm đáy, loại dụng cụ đánh bắt được xem là hữu hiệu nhất trong mùa nước sỉa, ông Nhân cho biết: Đơm đáy là nghề cha ông để lại, xưa theo kinh nghiệm của ông bà, đoán biết mọi việc nhờ “nhìn” trăng, “nhìn” trời, “nhìn” nước. Nay thời thế thay đổi, đã có máy móc đo đạc chính xác, thông tin qua báo, đài và mạng xã hội nên người làm nghề cần phải thạo tin.
Nghe tin chuẩn bị có mưa bão, ngư dân ra đóng neo sẵn ở lòng sông để chờ con nước về. Cũng có người dùng loại neo vĩnh cửu, đã đóng sẵn từ nhiều năm trước. “Nghề này dễ mà khó, làm không đúng quy cách, nước lũ sẽ “xé” đáy hết. Khi “xây” nghề, muốn ăn chắc mặc bền phải làm đồ mới, nhất là cái đầu vạc (đầu mối để buộc neo vào) phải gia cố cho chắc chắn sau mỗi lần đánh bắt”, ông Nhân nói.
|
“Nói nôm na, chiếc đáy được đóng xuống sông như một chiếc phễu. Những ngày nước sỉa, cá trôi vào đáy nhiều như mình đổ gạo vào thùng vậy, để tầm 1 tiếng đồng hồ, có cả tạ cá trong đáy. Có những đợt, phải thăm đáy liên tục kẻo nặng quá, đáy dễ bị rách, mất luôn cả cá lẫn đáy. Sản phẩm đánh bắt được thì có đủ chủng loại, từ những giống đặc sản cho đến các loại cá tạp. Có năm, đáy nhà tôi trúng khoảng 50 con cá chình, bán được 8-9 triệu đồng. Nhưng cũng có khi, chỉ ít con cá vặt, đủ ăn trong gia đình và cho anh em, bà con. Cá cũng như người rứa, hồi xưa dại còn dễ đánh bắt, giờ nó cũng khôn lên; chỉ khi nước sỉa, màu nước đục, tôm cá không thấy đường mà đi thì mới bắt được nhiều”.
Ông Nhân trải lòng: Thời xưa làm nghề, cứ đến trăng, đến nước, mỗi năm có 8 tháng, tháng có hơn 10 ngày đi đơm đáy, lấy đáy nuôi sống cả gia đình. Nay mỗi năm chỉ được vài ba đợt vào mùa nước sỉa, cá dưới sông cũng đã ít đi rất nhiều. Những năm trước, mùa nước sỉa, người làm nghề cũng kiếm được vài ba chục triệu, chứ năm nay chỉ còn được khoảng 1/3 thôi. Rồi đây, nghề đáy sông chắc cũng sẽ mai một dần, khi lớp trẻ nhiều người không còn biết đến nữa…
![]() |
Không chỉ là mưu sinh…
Những ngày nước sỉa, không khí tại các khu dân cư dọc bờ sông Nhật Lệ cứ nhộn nhịp hẳn lên. Thủy hải sản được đánh lên với khối lượng lớn, lẫn cùng vô số rều rác nên phải huy động nhiều nhân lực để phân loại trước khi mang bán. Người đi xem, đi mua cũng đông không kém phần. Dưới sông, tôm, cá kéo nặng tay; trên bờ, rộn ràng câu chuyện người làng, kẻ xóm.
Bà Trần Thị Thắng (70 tuổi), thôn Sa Động kể: Mỗi lần đến mùa nước sỉa lại ra đây và nhớ đến thời xưa. Hồi đó, trước mưa bão thì bà con tập trung cùng nhau chống bão. Đến khi bão tan, có nước sỉa lại kéo nhau ra bờ sông, người làm nghề sông nước thì đơm đáy, câu rớ; ai làm nghề nông thì vớt bèo về trồng khoai. Vừa làm, vừa hỏi han chuyện thiệt hại thuyền bè, nhà cửa rồi động viên nhau… Tình làng, nghĩa xóm vui lắm!
Ông Đào Văn Thống (70 tuổi) ở thôn Hà Thôn cho biết: Năm nào đến mùa, tôi cũng phải ra đây xem, thấy bà con được mùa, mình vui lây với họ. Cá nước sỉa “đắt khách” lắm, vì loại nào cũng ngon, cũng béo, lại vừa mới được đánh bắt lên, còn tươi sống. Một số loại đặc sản đắt hàng, những người sành ăn đặt cọc có khi cũng mua không ra. Nhưng cái hay của cá nước sỉa là có nhiều loại nên người giàu, người nghèo chi cũng có cá để ăn.
|
Mâm cơm người làng Bảo Ninh những ngày này, hầu như nhà nào cũng không thể thiếu những món “đặc sản” của mùa lũ. Anh Nguyễn Phương Linh, chủ quán Rớ ở bờ kè sông Nhật Lệ chia sẻ: Từ nhỏ, chúng tôi đã quen với nếp “mùa chi thức nấy”, đến mùa nước sỉa, không ăn là nhớ, là buồn. Đến mùa phải mua cho bằng được, hoặc không mua cũng phải ra xem cho bằng được.
|
“Nhiều loại cá to, ngon khi bình thường, nước trong rất khó đánh bắt, đến khi nước sỉa, đục nước, “xót mắt” nên mới bắt được. Cũng một phần do mấy ngày liền biển động, tàu thuyền về nghỉ, nhịn cá tươi dài ngày; nay lũ về, được cá, tôm tươi nên ăn thấy ngon hơn”, ông Hoàng Mạnh Hùng, thôn Trung Bính nói.
Nhật Lệ đã vào những tháng cuối năm. Những người làm nghề luôn chuẩn bị tâm thế, mỗi người một việc khi nước sỉa về, còn những thực khách lại mong chờ “thực đơn” riêng có của mùa lũ cùng với bao kỷ niệm về những ngày gian khó…
Hương Lê