(QBĐT) - Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Ninh đã thực hiện mô hình “Thu gom phế liệu, BVMT và gây quỹ tình thương”. Sau 3 năm triển khai, mô hình không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo thêm nguồn quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Xã Xuân Ninh là một trong những điểm sáng về thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn áp dụng cho hộ gia đình. Từ năm 2022 đến nay, 7/7 chi hội phụ nữ trên địa bàn xã đã thực hiện hiệu quả mô hình “Thu gom phế liệu, BVMT và gây quỹ tình thương”.
![]() |
Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Ninh Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết, xuất phát từ thực tế sinh hoạt hàng ngày, các loại phế liệu, như: Vỏ lon, chai nhựa… sau khi sử dụng thường vứt bừa bãi, vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến môi trường nên Hội LHPN xã đã triển khai và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại rác thải tại mỗi hộ gia đình. Đối với rác vô cơ không tái chế được, các gia đình phân loại, sau đó được thu gom đưa đến nơi tập kết để xử lý tập trung; rác hữu cơ được xử lý ngay tại hộ gia đình; rác vô cơ tái chế (vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa các loại...) các chị em tích cóp lại để ủng hộ cho mô hình. Mô hình mang lại ý nghĩa lớn, giúp chị em chủ động phân loại rác thải sinh hoạt, hạn chế lượng rác thải nhựa, góp phần BVMT.
Vào dịp 8/3, 20/10 hàng năm, các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã Xuân Ninh sẽ tổ chức thu gom phế liệu, rác thải nhựa tại nhà văn hóa các thôn, sau đó đem bán. Số tiền này được nhập vào quỹ hội và hàng tháng tổ chức bình xét để thăm hỏi, tặng quà cho hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Từ kinh phí hỗ trợ của Hội LHPN huyện Quảng Ninh, Hội LHPN xã Xuân Ninh đã xây dựng 2 “ngôi nhà xanh” tại thôn Lộc Long và Phúc Mỹ để tiện cho việc thu gom phế liệu.
“Ngôi nhà xanh” được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, bọc lưới sắt xung quanh, mái lợp tôn bảo đảm phù hợp, gọn nhẹ, thuận tiện di chuyển và chứa các loại phế liệu mà không sợ mưa ướt. “Ngôi nhà xanh” được đặt tại nhà văn hóa thôn, nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động lớn của địa phương cho người dân thuận tiện thu dọn vỏ lon, chai nhựa... khi có hoạt động tổ chức xong.
![]() |
Chị Diệp Thị Nhung, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh cho hay, để thực hiện mô hình, chi hội đã đến từng hộ gia đình nhằm tuyên truyền, vận động, chia sẻ mục đích, ý nghĩa của mô hình và hướng dẫn các hộ phân loại rác thải. Nhận thấy việc làm ý nghĩa, các chị em, hội viên phụ nữ trong chi hội hưởng ứng nhiệt tình. Từ sự gom góp, ủng hộ của hội viên, chi hội đã tạo nguồn quỹ hỗ trợ cho nhiều phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tăng thêm tình đoàn kết, giúp đỡ chị em vươn lên trong cuộc sống.
Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN xã Xuân Ninh đã thu được 47,6 triệu đồng từ tiền bán phế liệu, giúp đỡ cho 127 trường hợp là trẻ em mồ côi, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mô hình tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần làm thay đổi nhận thức cũng như thói quen của cán bộ, hội viên và người dân đối với việc giữ gìn, BVMT.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Như Ngọc, từ mô hình đầu tiên được thành lập tại Chi hội phụ nữ thôn Tây, xã Võ Ninh, đến nay, mô hình “Thu gom phế liệu, BVMT và gây quỹ tình thương” đã nhân rộng trên 98/124 chi hội tại 100% xã, thị trấn trong toàn huyện. Các cơ sở hội đã tuyên truyền, vận động và chia sẻ mục đích, ý nghĩa của mô hình gắn với các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có, 3 sạch” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
![]() Nguồn quỹ thu được từ mô hình “Thu gom phế liệu, BVMT và gây quỹ tình thương” nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khó khăn trên địa bàn.
|
Khi mới xây dựng mô hình, các cấp hội gặp không ít khó khăn, nhiều hội viên phụ nữ chưa ý thức đối với việc thu gom phế liệu, cho rằng việc phân loại, thu gom gây mất thời gian, công sức trong khi tiền thu về chẳng đáng là bao. Nhưng qua thời gian thực hiện, được đội ngũ cán bộ hội kiên trì tuyên truyền, vận động, nhất là nhìn thấy được hiệu quả bước đầu vừa giữ không gian sống xanh-sạch-đẹp, vừa tạo được nguồn quỹ kịp thời động viên, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, ngày càng nhiều hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng, tạo thành một phong trào nổi bật, mang lại giá trị “kép”, được các cấp ủy đảng ghi nhận và đánh giá cao.
Thành công từ mô hình đã mang lại ý nghĩa lớn trong cộng đồng, giúp chị em hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, BVMT và chung tay xây dựng nông thôn mới; đồng thời, gây được nguồn quỹ giúp phụ nữ, trẻ em khó khăn, nâng cao tinh thần tương trợ, hỗ trợ nhau trong đời sống cộng đồng.
Với những hiệu quả rõ nét đó, thời gian tới, Hội LHPN huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn duy trì, nhân rộng mô hình “Thu gom phế liệu, BVMT và gây quỹ tình thương” nhằm tạo sự lan tỏa trong cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng.
Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn quỹ thu gom phế liệu, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã nhận đỡ đầu 22 lượt trẻ mồ côi, tặng 15 thẻ bảo hiểm y tế, trao 354 suất quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương”, “Triệu phần quà-San sẻ yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với tổng số tiền hơn 237 triệu đồng.
|
L.Chi