Lệ Thủy: Ứng phó với các tình huống thiên tai

  • 07:10, 14/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Lệ Thủy là địa phương thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất vào mùa mưa bão. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, ngoài thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) theo phương châm “4 tại chỗ”, tiến hành tu sửa, bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập, đê điều, địa phương còn tích cực, chủ động di dời dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt sâu, sạt lở đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra… 

Di dời dân ở vùng ngập lụt, sạt lở

Xã An Thủy có địa giới hành chính trải dài khoảng 9km chạy dọc theo sông Kiến Giang. Toàn xã có hơn 9.600 nhân khẩu. Do điều kiện địa hình thấp trũng nên vào mùa mưa bão, một số vùng trọng yếu thường xảy ra hiện tượng ngập sâu.

Trước tình hình đó, xã An Thủy luôn chủ động kiểm tra việc chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, triển khai các nhiệm vụ theo phương án PCTT và tìm kiếm cứu nạn đã được phê duyệt; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, nhóm, các thành viên; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân giằng chống, gia cố nhà cửa, sắp xếp đồ đạc, tài sản; kiểm tra, rà soát các điểm dự kiến sơ tán người dân đến tránh trú, sẵn sàng phương án tổ chức sơ tán, di dời người dân sống ở khu vực có nguy cơ rủi ro cao đến nơi tránh trú an toàn…

Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy Phan Thanh Lương cho biết, hiện địa phương có đội xung kích PCTT gồm 89 thành viên được phân bố ở 6 thôn. Căn cứ tình hình thực tế trong mùa mưa bão, xã luôn chủ động phương án ứng phó phù hợp, không thụ động chờ chỉ đạo của cấp trên. Đến nay, trang bị, phương tiện PCTT của xã An Thủy gồm có: 6 ca nô, 70 phao tròn, 30 áo phao, 1 nhà bạt và một số trang bị khác. Ngoài ra, các thôn trong xã có 45 chiếc thuyền cứu nạn, hơn 300 phao cứu sinh và phao tròn, 23 máy phát điện…

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, người dân vùng có nguy cơ sạt lở tại xã Kim Thủy đã được chính quyền chủ động di dời đến nơi an toàn.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, người dân vùng có nguy cơ sạt lở tại xã Kim Thủy đã được chính quyền chủ động di dời đến nơi an toàn.

“Ở những vùng trọng yếu, vùng bị cô lập do tách rời và bị ngập sâu, như: Thôn Thạch Bàn, Phú Thọ, Tân Lệ, địa phương đã hướng dẫn cho các tổ xung kích PCTT tập hợp từ 10-15 hộ dân để phân công phụ trách sẵn sàng tiến hành di dời, sơ tán khi cần thiết; đồng thời tùy tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão, lũ, xã An Thủy sẽ quyết định điều động, phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các thôn, xóm…”, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy thông tin.

Là địa phương miền núi, xã Kim Thủy luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất khi có mưa lớn. Bởi thế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thường xuyên đi kiểm tra các khu vực thấp, trũng, xung yếu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án di dời các hộ dân đến nơi an toàn…

Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy Đỗ Trung Quân cho hay, để chủ động PCTT, địa phương luôn khuyến cáo, hướng dẫn người dân tổ chức giằng chống nhà cửa, chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản; không đánh cá, bắt chim, ếch, nhái, vớt rều, củi... khi có lũ, tránh tai nạn xảy ra; đồng thời cảnh báo các khu dân cư ven sông, ven suối, đề phòng lũ quét, sạt lở đất; rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương, như: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn…

“Hiện, địa phương có 57 hộ dân ở bản Mít thuộc vùng có nguy cơ sạt lở đất cao. Bởi thế, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân và giao trách nhiệm cho cấp ủy chi bộ, Trưởng bản Mít tuyên truyền, hướng dẫn, động viên người dân di dời đến nơi an toàn; đồng thời làm việc với Đồn Biên phòng Làng Ho, Đội 7 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79) để chuẩn bị địa điểm di dời người dân trong trường hợp có nguy cơ sạt lở xảy ra…”, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy cho biết.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Dương Khánh Việt cho biết, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, huyện đã tổ chức di dời 153 hộ dân với hơn 600 khẩu; trong đó có 36 hộ với 160 khẩu bản Mít (xã Kim Thủy), 61 hộ với 234 khẩu thuộc các bản Bạch Đàn, Tân Ly, Xà Khía (xã Lâm Thủy), 56 hộ với 213 khẩu tại bản Km14, Khe Giữa, Cửa Mẹc, Khe Sung (xã Ngân Thủy) đến nơi an toàn…

Bảo đảm an toàn hồ, đập

Lệ Thủy hiện có 28 hồ chứa, 32 đập dâng với tổng dung tích các hồ chứa, đập dâng trên địa bàn huyện đạt trên 141 triệu m3; trong đó 23 hồ chứa, 32 đập dâng vừa và nhỏ do UBND xã quản lý, 5 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy thông tin, hiện nay, UBND huyện đã giao cho UBND các xã có hồ chứa, đập dâng chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng theo quy định; đồng thời chỉ đạo các chủ đập thực hiện bảo đảm các nội dung về quản lý an toàn đập, như: Kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; kiểm tra hiện trạng các công trình hồ chứa nước, đập dâng…

“Trong 9 tháng năm 2024, thiên tai đã gây thiệt hại cho huyện Lệ Thủy gần 10 tỷ đồng. Để chủ động phòng ngừa, địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai; triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” linh hoạt và hiệu quả; rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, vùng ngập lụt sâu để sẵn sàng di dời dân khi cần thiết; chỉ đạo các xã, thị trấn, chủ đầu tư, đơn vị thi công hoàn thành các công trình, hạng mục công trình; tuyên truyền công tác PCTT đến mọi tầng lớp nhân dân…”, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Dương Khánh Việt cho biết.

Trưởng Chi nhánh thủy nông Kiến Giang Lê Văn Thụ cho rằng, chi nhánh được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác hệ thống các công trình thủy lợi, gồm 5 hồ chứa, 6 trạm bơm, 1 đập dâng và đập ngăn mặn giữ ngọt Mỹ Trung, phục vụ tưới tiêu cho trên 11.000ha lúa hai vụ của huyện Lệ Thủy; đồng thời cấp nước dân sinh, kinh tế khác. Ngoài ra, còn thực hiện nhiệm vụ xả nước phục vụ lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nhân dịp lễ 2/9 hàng năm.

Để chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống do thiên tai gây ra, chi nhánh đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn hồ, đập; thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý; sửa chữa, gia cố, bảo vệ các công trình nhằm tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; đồng thời bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; tổ chức trực 24/24 giờ trong mùa mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, mực nước hồ chứa, trên các sông, suối vùng hạ du, vùng trũng thấp để chủ động có phương án điều tiết hồ chứa thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được giao; nạo vét khơi thông dòng chảy, cửa vào các cống tiêu thoát nước…

“Hiện, trong hệ thống hồ, đập hiện tại có hồ An Mã, Phú Hòa đường quản lý vận hành bằng đất nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do đó, chi nhánh đã tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng huy động khi cần thiết; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du các đập…”, Trưởng Chi nhánh thủy nông Kiến Giang thông tin thêm.
Ngọc Hải

tin liên quan

TP. Đồng Hới: Khánh thành tuyến đường kiểu mẫu Tôn Thất Thuyết
TP. Đồng Hới: Khánh thành tuyến đường kiểu mẫu Tôn Thất Thuyết

(QBĐT) - Chiều 14/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp Ban Dân vận Thành ủy Đồng Hới và Đảng ủy phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) tổ chức lễ khánh thành, bàn giao công trình tuyến đường kiểu mẫu Tôn Thất Thuyết. 

Phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng
(QBĐT) - Ngày 14/10, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng dự án Plan tại Quảng Bình tổ chức khai mạc lớp tập huấn nâng cao cho cán bộ, nhân viên hỗ trợ địa phương và giáo viên nguồn về hành vi xâm hại, bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến và các cơ chế chuyển tuyến cấp xã bởi chuyên gia về xâm hại, bóc lột tình dục trẻ em quốc gia.
 
Trên 23,6 tỷ đồng chăm lo cho người nghèo
Trên 23,6 tỷ đồng chăm lo cho người nghèo
(QBĐT) - Thông qua nguồn Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh, từ tháng 10/2023-8/2024, Mặt trận các cấp đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm chăm lo cho người nghèo với tổng số tiền trên 23,6 tỷ đồng.