Hiệu quả từ nghị quyết giảm nghèo

  • 07:10, 17/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 14/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 09), huyện Minh Hóa đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Triển khai Nghị quyết số 09, UBND huyện Minh Hóa thành lập các ban, tổ chỉ đạo giảm nghèo bền vững từ huyện đến xã, thị trấn và phân công thành viên phụ trách từng địa bàn. Hàng năm, UBND huyện đều tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ giảm nghèo; giao chỉ tiêu cụ thể, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Các mô hình phát triển kinh tế đã giúp nhiều người dân xã Trung Hóa (Minh Hóa) thoát nghèo.
Các mô hình phát triển kinh tế đã giúp nhiều người dân xã Trung Hóa (Minh Hóa) thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 09, UBND huyện Minh Hóa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Địa phương cũng sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo và tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách về giảm nghèo bền vững. Từ năm 2021 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện 64 chương trình tín dụng ưu đãi cho trên 16.800 lượt hộ vay vốn, với tổng số tiền trên 771.000 triệu đồng để phát triển sản xuất”.

Hơn 3 năm qua, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 58.861 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ kinh phí học tập với số tiền 95.727 triệu đồng; 56.263 lượt người được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế với số tiền 47.330 triệu đồng; trên 7.900 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí trên 5.200 triệu đồng.

Trong phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo, Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa và các tổ chức hội, đoàn thể có nhiều nỗ lực trong việc chung tay vì người nghèo. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQVN các cấp đã kêu gọi kinh phí hỗ trợ làm mới 143 nhà, sửa chữa 15 nhà tình nghĩa, nhà “Đại đoàn kết”, 43 nhà phao và nhà tránh lũ với số tiền trên 9 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng hàng trăm mô hình sinh kế, vườn mẫu, cải tạo vườn tạp cho nhiều hộ dân với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Cùng đó, các tổ chức hội, đoàn thể đã phát huy vai trò trong hướng dẫn, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...

Trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng giúp nhiều hộ dân huyện Minh Hóa có thu nhập ổn định.
Trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng giúp nhiều hộ dân huyện Minh Hóa có thu nhập ổn định.

Nổi bật, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Minh Hóa hỗ trợ cho 507 hội viên hộ nghèo, cận nghèo vay vốn; duy trì, nâng cao chất lượng các nhóm “Tiết kiệm vay vốn thôn, bản”. Đến nay, tổng số dư tiết kiệm đạt 2.198 triệu đồng. Hội cũng thực hiện hiệu quả các hoạt động, như: Xây dựng “Mái ấm tình thương” cho hội viên hoàn cảnh khó khăn; lan tỏa mô hình “Phụ nữ thu gom phế liệu rác thải nhựa giúp phụ nữ và trẻ em nghèo”; kết nối và nhận đỡ đầu 102 cháu là trẻ mồ côi… Chung tay thực hiện công tác giảm nghèo, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân huyện cũng có nhiều cách làm hiệu quả hỗ trợ cho hội viên, đoàn viên được cấp ủy đánh giá cao và xã hội ghi nhận.

Thực hiện Nghị quyết số 09, huyện Minh Hóa được tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2024 với tổng số tiền 21.685 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, huyện Minh Hóa triển khai các nội dung, hoạt động của từng dự án, tiểu dự án thành phần. Trong đó, nguồn kinh phí chủ yếu hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo…

Chủ tịch UBND xã Trung Hóa Cao Xuân Dương cho hay: “Thực hiện Nghị quyết số 09, UBND xã chỉ đạo người dân tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để trồng rừng kinh tế, phát triển chăn nuôi, xuất khẩu lao động; phối hợp đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn xã có trên 3.000 con gia súc, trên 10.000 con gia cầm các loại. Bình quân mỗi năm, địa phương khai thác trên 180ha rừng trồng, tổng thu ngân sách của xã đạt trên 15 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 6,3%, so với cùng kỳ giảm 1,34%...”.

Chị Trương Thị Dung ở thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa chia sẻ: “Để thoát nghèo và vươn lên làm giàu, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi lợn. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng đi lên, các con được ăn học đàng hoàng và làm nhà khang trang hơn”. 

Nghề chế biến măng rừng giúp cho nhiều hội viên phụ nữ xã Hóa Thanh có thu nhập khá.
Nghề chế biến măng rừng giúp cho nhiều hội viên phụ nữ xã Hóa Thanh có thu nhập khá.

Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt của gia đình chị Dung được đầu tư từ năm 2021. Đến nay, gia trại chăn nuôi lợn có diện tích trên 200m2, với số vốn đầu tư trên 300 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình chị nuôi khoảng 9 con lợn nái, 150 con lợn thịt, tùy theo giá bán của thị trường, bình quân mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Để Nghị quyết số 09 đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội xã Hóa Thanh tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh Phạm Hồng Sơn: “Cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn liên quan đến công tác giảm nghèo để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ cho người dân xây dựng mô hình sinh kế, phát triển sản xuất, kinh doanh, học nghề, xuất khẩu lao động... Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng nâng lên, toàn xã còn 56 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,9%”.

Nhằm giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, có thu nhập ổn định, năm 2022, Hội LHPN tỉnh, huyện hỗ trợ vốn cho Hội LHPN xã Hóa Thanh thành lập tổ hợp tác (THT) chế biến măng rừng Hóa Thanh. Sau hai năm đi vào hoạt động, THT đã thu mua cho bà con trên 6 tấn măng rừng tươi.

“Các sản phẩm của THT chế biến măng rừng Hóa Thanh đều được lấy từ măng rừng tự nhiên, sau đó các thành viên chế biến bằng phương pháp thủ công nên sản phẩm giữ được vị thơm, ngon và sạch sẽ. Có những ngày, THT bán ra thị trường cả tạ măng các loại. Nhờ đó, hàng chục phụ nữ ở xã Hóa Thanh có nguồn thu nhập khá, trong đó một số chị em thoát nghèo nhờ bán măng và chế biến măng rừng...”, chị Hoàng Thị Kim Liên, tổ trưởng THT chế biến măng rừng Hóa Thanh bộc bạch. 

Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Minh Hóa giảm mạnh qua hàng năm. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện là 21,9%, đến nay đã giảm xuống còn 11,75% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từ 60,45% đã giảm xuống còn 48,20%.

Xuân Vương

tin liên quan

Hành trình của sự sẻ chia
Hành trình của sự sẻ chia

(QBĐT) - Bằng tấm lòng, sự thấu hiểu, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác chăm lo cho người nghèo, luôn đồng hành, hỗ trợ những số phận kém may mắn trong cuộc sống. 

Cơ bản hoàn thành Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cơ bản hoàn thành Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Dự án Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giai đoạn 1) tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) sau một thời gian thi công, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành.

Huy động trên 150 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội
Huy động trên 150 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội

(QBĐT) - Thời gian qua, các tổ chức thành viên Ủy ban MTTQVN tỉnh luôn quan tâm và làm tốt công tác vận động ủng hộ nguồn quỹ để chăm lo cho người nghèo và thực hiện các chương trình an sinh xã hội.