Đổi thay ở một vùng quê

  • 08:10, 31/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Lâm Hóa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa với 50% dân số là đồng. bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Thời gian qua, để giúp người dân giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhất là Chương trình MTQG về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Xã Lâm Hóa thuộc vùng ĐBDTTS và miền núi nằm ở phía Tây huyện Tuyên Hóa. Cả xã có 312 hộ dân, 1.315 nhân khẩu, trong đó, ĐBDTTS có 159 hộ với 632 nhân khẩu. Bà con nơi đây đa số là người Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt, chủ yếu sinh sống tập trung ở bản Kè, bản Cáo và bản Chuối, đời sống còn nhiều khó khăn. Cuối năm 2023, toàn xã có 156 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50%; trong đó, hộ nghèo người DTTS có 129 hộ, chiếm tỷ lệ 81,13% tổng số hộ DTTS.

Từ năm 2022 đến nay, xã Lâm Hóa đã nhận được vốn đầu tư từ Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi trên 35 tỷ đồng và trên 14 tỷ đồng vốn sự nghiệp.  Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Phương Hướng cho biết: “Xã đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ, phù hợp với quy định, bảo đảm đúng đối tượng. Theo đó, địa phương đã triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình, như: Hỗ trợ cho người dân xây dựng mô hình sinh kế, đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng và nâng cấp nhiều công trình dân sinh... Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể”.

Nhà văn hóa bản Kè, xã Lâm Hóa được đầu tư xây dựng khang trang.
Nhà văn hóa bản Kè, xã Lâm Hóa được đầu tư xây dựng khang trang.

Cụ thể, dự án 1 về giải quyết tình trạng thiểu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, xã Lâm Hóa phân bổ số tiền 621 triệu đồng hỗ trợ mua máy cày, máy xới đất đa năng và bình dự trữ nước sinh hoạt cho bà con ĐBDTTS; trên 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho bà con thuộc đối tượng thụ hưởng. Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, địa phương lập hồ sơ giao khoán rừng cho cộng đồng, hỗ trợ bà con thực hiện mô hình chăn nuôi lợn, dúi sinh sản, xây dựng vườn mẫu...

Anh Hồ Văn Thắt ở bản Kè phấn khởi chia sẻ: “Từ khi được chương trình hỗ trợ mua chiếc máy cày, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi và nhiều bà con trong bản đỡ vất vả hơn. Cũng nhờ làm dịch vụ cho thuê máy cày nên thu nhập trong gia đình được nâng lên, các con được ăn học đàng hoàng”. Trước đây, nhà anh Thắt và bà con xã Lâm Hóa chủ yếu dùng trâu, bò hoặc sức người trong khâu làm đất sản xuất nên năng suất lao động thấp, thời vụ gieo trồng thường chậm hơn so với tiến độ. Tuy nhiên, từ khi có máy cày giúp sức, công việc sản xuất của bà con nhanh hơn, năng suất của các loại cây trồng cũng được nâng lên.

Đáng chú ý, chương trình đã phân bổ gần 2,5 tỷ đồng về y tế và gia đình nhằm mục đích hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai trước, trong và sau sinh; hỗ trợ phụ nữ là người DTTS có hoàn cảnh khó khăn sinh con đúng chính sách dân số; hỗ trợ sữa học đường cho trẻ em DTTS dưới 5 tuổi tại 3 bản ĐBDTTS; hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị cho trạm y tế. Bên cạnh đó, dự án về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cũng được xã Lâm Hóa thực hiện hiệu quả.

Mô hình vườn mẫu tại xã Lâm Hóa được Chương trình MTQG về phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi hỗ trợ xây dựng.
Mô hình vườn mẫu tại xã Lâm Hóa được Chương trình MTQG về phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi hỗ trợ xây dựng.

Xã Lâm Hóa còn tập trung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất vùng ĐBDTTS và miền núi. Đến nay, địa phương đã tiến hành sửa chữa, nạo vét lòng đập Soòng Soòng giai đoạn 1; nâng cấp mở rộng đường và rãnh thoát nước dọc đường nội vùng bản Cáo, bản Chuối, bản Kè và các tuyến nội thôn; công trình rãnh thoát nước đường vào trụ sở UBND xã, đường nối từ thôn Tiền Phong đến vùng quy hoạch khu dân cư, đường vào khu chăn nuôi tập trung xã, cầu tràn khe Núng cũng được đầu tư xây dựng khang trang…

Gần 3 năm qua, các dự án, tiểu dự án thực hiện đã nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thay đổi diện mạo vùng quê, như: Xây dựng 2 nhà sinh hoạt cộng đồng ở bản Kè và bản Chuối cho nhân dân có địa điểm sinh hoạt cộng đồng, gắn bó, thắt chặt tình đoàn kết; trang cấp bàn ghế, mua sắm thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng của 3 bản ĐBDTTS và thôn Tiền Phong để người dân hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao; làm các bảng pa nô, áp phích tuyên truyền, vận động các nội dung liên quan đến chương trình và các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; thành lập, duy trì đội văn nghệ truyền thống 3 bản ĐBDTTS và thôn Tiền Phong để khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa bản địa…

Trưởng bản Kè Cao Thị Vân tâm sự: “Bà con trong bản phấn khởi lắm, nhờ có Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi hỗ trợ nên nhiều con đường bê tông mới trong bản đã thay thế cho những con đường đất, giúp cho người dân thuận tiện đi lại. Hệ thống trường, lớp, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ truyền thông thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng mô hình sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo và mang lại những kết quả tích cực...”.

Mô hình nuối dúi kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều người dân xã Lâm Hóa vươn lên thoát nghèo.
Mô hình nuôi dúi kỳ vọng sẽ giúp cho nhiều người dân xã Lâm Hóa vươn lên thoát nghèo.

Xác định phát triển giáo dục, xây dựng con người có trình độ văn hóa là một trong những việc làm quan trọng để giảm nghèo bền vững, xã Lâm Hóa đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các điểm lẻ của Trường mầm non Lâm Hóa với tổng vốn 11 tỷ đồng; xây dựng và nâng cấp Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học-THCS Lâm Hóa 3,4 tỷ đồng. Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học-THCS Lâm Hóa Nguyễn Hữu Tâm cho biết: “Chương trình giúp nhà trường xây dựng, tu sửa lại cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; đồng thời hỗ trợ cho học sinh về y tế, dinh dưỡng nhằm cải thiện sức khỏe, thể chất... Qua đó, góp nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã thực sự giúp cho xã Lâm Hóa thay đổi về mọi mặt. Đặc biệt, cơ sở vật chất trên địa bàn ngày càng được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất người dân. Chất lượng giáo dục, y tế, thông tin được nâng lên. Các hoạt động văn hóa được khôi phục, phát triển. Với những kết quả đạt được, xã Lâm Hóa phấn đấu cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 40%...

“Huyện Tuyên Hóa có xã Lâm Hóa và bản Cà Xen của xã Thanh Hóa được thụ hưởng Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Từ năm 2022 đến nay, huyện được cấp tổng kinh phí trên 87,7 tỷ đồng, gồm: Vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp đề các địa phương triển khai chương trình. Đến nay, đã giải ngân gần 45 tỷ đồng, đạt gần 61%”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hồ Vũ Thường cho biết.

Xuân Vương

tin liên quan

Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần với người dân
Để chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đến gần với người dân

(QBĐT) - Để ngày càng có nhiều người tham gia và có cơ hội được hưởng an sinh xã hội lâu dài, huyện Quảng Trạch đã tích cực triển khai nhiều giải pháp với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội.

Vượt lên số phận
Vượt lên số phận

(QBĐT) - Anh Hoàng Thái Hòa (33 tuổi), ở thôn Tây Minh Lệ, xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn) là thanh niên khuyết tật nhưng bằng nghị lực và khát vọng vươn lên, anh đã vượt qua nghịch cảnh và trở thành một tấm gương sáng trong cuộc sống...

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lụt
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lụt

(QBĐT) - Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 6, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lụt Quảng Bình.