(QBĐT) - Chưa bao giờ trung tâm thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) lại tĩnh mịch đến thế. Đoạn đường qua tổ dân phố (TDP) Xuân Tiến thường ngày rộn ràng người dân và du khách, nay chỉ thấp thoáng bóng dáng cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) trong bộ quân phục và các phương tiện đặc chủng. Tại đài quan sát sở chỉ huy hiện trường đặt ở tầng 7 của một khách sạn, đại tá Cao Phi Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cùng các lực lượng như nín thở hướng về phía hiện trường. Nơi đó là khối đá khoảng 300 tấn ở độ cao hơn 50m có nguy cơ sạt lở ở ngay trong lòng khu dân cư đang chuẩn bị được phá nổ.
Nhiệm vụ đặc biệt
Trung tá Nguyễn Duy Hùng, Trưởng ban Công binh Bộ CHQS tỉnh cho biết, những năm qua, Ban Công binh đã tham gia phá nổ một số khối đá trên địa bàn tỉnh với trọng lượng nhỏ, nằm ở các vị trí thuận lợi, cách xa khu dân cư. Khối đá lần này nằm ngay trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, cách khu dân cư sầm uất chỉ vài chục mét, việc bảo đảm phá nổ phải tuyệt đối an toàn cho người dân và tài sản là thách thức lớn.
Đặc biệt, với trọng lượng khoảng 300 tấn, khối đá đạt “kỷ lục” lớn không chỉ ở địa bàn tỉnh mà cả ở Quân khu 4 nên lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng nhiều phương án với nhiều “kịch bản” trong kế hoạch phá nổ.
![]() |
Sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và phân công trách nhiệm cho Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án phá nổ, ngày 10 và 11/10, Ban Công binh đã cử 12 CB, CS khảo sát thực địa. Đó cũng là thời điểm Phong Nha có mưa lớn, việc khảo sát gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, do tính cấp bách của nhiệm vụ bởi nếu trời tiếp tục mưa lớn, khả năng khối đá bị sạt lở sẽ gây hiểm họa khôn lường nên kế hoạch phá nổ được ấn định vào ngày 12/10. Ở độ cao 50m, đường lên cheo leo và trong tình trạng vách đá nhiều đoạn trơn trượt, hiểm trở, lực lượng công binh phải dùng thang dây và hành động thận trọng, tỉ mỉ.
Đại tá Cao Phi Sơn, người trực tiếp chỉ huy kế hoạch cho biết, sau khi công tác khảo sát hoàn thành, “kịch bản” được xây dựng với đầy đủ các yếu tố dự phòng. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh đã báo cáo với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 để có sự hỗ trợ về phương tiện, trang thiết bị trong trường hợp quá trình phá nổ gặp tình huống phức tạp ngoài dự kiến. Với vai trò chủ trì, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với huyện Bố Trạch và lực lượng liên quan chuẩn bị đào hào, dựng rào chắn tại hiện trường; huy động xe chữa cháy, lực lượng Cảnh sát giao thông cùng cán bộ địa phương vào cuộc để bảo đảm kế hoạch diễn ra an toàn.
Sáng tạo, khoa học, thực tiễn
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, “giờ G” được ấn định vào 13 giờ. Từ sáng sớm, dưới cơn mưa tầm tã, CB, CS Ban Công binh đã có mặt tại hiện trường. Qua khảo sát và nghiên cứu vị trí, hiện trạng khối đá, trung tá Nguyễn Duy Hùng cho biết, có 2 phương án được cân nhắc.
![]() |
Phương án 1, với vết nứt lớn nằm ở phía Tây, việc đánh sập khối đá theo hướng này sẽ đơn giản nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến nhà dân và trụ sở cơ quan trong khu vực rất cao. Phương án 2 là đánh sập chân khối đá và đổ về hướng phía Đông sẽ hạn chế được ảnh hưởng, nhưng quá trình khảo sát gặp nhiều khó khăn. Vị trí đặt thuốc nổ cũng phải lựa chọn tối ưu nhất để bảo đảm “điều khiển” khối đá “trượt” xuống chân núi thay vì nổ phá bên ngoài gây vỡ vụn sẽ nguy hiểm cho người và tài sản.
Để đáp ứng được tất cả những yêu cầu khó khăn này, lực lượng công binh đã nghiên cứu kỹ và đặt thuốc nổ ở 5 vị trí khác nhau nhằm tạo ra 5 vụ nổ với thời gian khác nhau. Không thể dùng khoan vì sẽ gây nguy hiểm trong quá trình thực hiện, lợi dụng các kẽ nứt của khối đá, thuốc nổ được đưa vào bằng các cây luồng. Vị trí, khoảng cách đặt thuốc nổ được tính toán để bảo đảm 5 vụ nổ sẽ tạo sự công phá “dây chuyền”, cố tình dịch chuyển hướng và trọng lực rơi để làm tách rời khối đá và “trượt” xuống chân núi. Thuốc nổ sau khi đưa vào được chèn chặt bằng những bao cát để tránh bị xê dịch và “om” vụ nổ trong lòng khối đá.
10 giờ sáng, công tác chuẩn bị hoàn tất, lực lượng liên ngành hội ý lần cuối để thống nhất phương án và sơ tán người dân trước 12 giờ trưa. 175 hộ với khoảng 750 nhân khẩu bao gồm du khách trong bán kính 500m có nguy cơ ảnh hưởng được sơ tán. Tỉnh lộ 562 đoạn qua TDP Xuân Tiến được chốt chặt hai đầu, chỉ còn lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. 13 giờ, tổ công binh trực tại vị trí điểm hỏa để chuẩn bị triển khai vụ nổ, toàn bộ lực lượng liên ngành tập trung tại đài quan sát sở chỉ huy hiện trường cùng hướng về khối đá.
13 giờ 7 phút, sau hiệu lệnh đếm ngược của đại tá Cao Phi Sơn, trong không gian tĩnh mịch dường như dừng lại, vang lên tiếng nổ lớn, cộng hưởng từ 5 vụ nổ liên tiếp. Khối đá khổng lồ tách ra khỏi vách núi và từ từ “trượt” xuống chân núi đúng như kịch bản dự kiến. Tất cả mọi người đều vỗ tay reo lên trong sự vui mừng và niềm xúc động bởi chắc chắn vụ phá nổ đã thành công.
Đoàn kết, thống nhất, thành công!
Thành công của vụ phá nổ khối đá là kết quả của sự chủ động, sáng tạo, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa Bộ CHQS tỉnh, huyện Bố Trạch, các sở, ngành liên quan và cán bộ, nhân dân TDP Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha.
![]() |
Vào cuối tháng 9/2024, với kinh nghiệm của một cư dân địa phương, hiện là porter, anh Hoàng Văn Ninh, tổ trưởng TDP Xuân Tiến phát hiện khối đá bị nứt, anh chủ động báo cáo với lãnh đạo thị trấn. Sau khi nắm bắt thông tin và kiểm tra hiện trường, lãnh đạo thị trấn Phong Nha và UBND huyện Bố Trạch đã kịp thời có văn bản gửi cấp trên, trong đó, cùng với báo cáo nội dung sự việc, UBND huyện Bố Trạch đề nghị UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hiện tượng sạt lở đá tại TDP Xuân Tiến và có phương án xử lý.
Thực hiện nội dung chỉ đạo và sự phân công của UBND tỉnh, lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc. Huyện Bố Trạch triển khai đào hào, thi công hàng rào chắn. Lực lượng Cảnh sát giao thông, phòng cháy, chữa cháy bảo đảm người và phương tiện sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt, CB, CS Bộ CHQS tỉnh đã phát huy tinh thần dũng cảm, sáng tạo, nghiên cứu xây dựng phương án tối ưu nhất.
Kiểm tra hiện trường và đánh giá kết quả vụ phá nổ, đại tá Cao Phi Sơn khẳng định, kế hoạch đã thành công ngay từ lần nổ thứ nhất của cả 5 khối thuốc nổ nên không cần sử dụng phương án dự phòng là nổ lần hai. Đây là thành công lớn khi vụ phá nổ diễn ra đúng như tính toán ban đầu.
Đồng chí cũng khẳng định nỗ lực phối hợp của huyện Bố Trạch trong quá trình thi công hệ thống hào và rào chắn cũng như hướng dẫn, tổ chức di dời người dân. Anh Trương Quang Linh, TDP Xuân Tiến chia sẻ, bà con tự giác chấp hành rất nghiêm việc di dời và chưa bao giờ anh được chứng kiến khu vực này yên tĩnh đến thế. Còn chị Trần Thị Hồng Hạnh, nhân viên lễ tân Central Backpackers hostel, nhà nghỉ ngay dưới núi có khối đá chuẩn bị được phá nổ cho biết, sau khi được địa phương tuyên truyền, cơ sở đã thông tin đầy đủ cho du khách và thực hiện kế hoạch hỗ trợ sơ tán chu đáo.
14 giờ cùng ngày, sau khi hoàn thành việc kiểm tra hiện trường vụ nổ, chính quyền thị trấn Phong Nha thông báo cho bà con trở về nhà. Ngoài các khối đá lớn nằm sát chân núi, vụ nổ không gây ra bất cứ một tác động nào đối với khu vực xung quanh. Nhân dân TDP Xuân Tiến rất cảm động và bày tỏ sự tin tưởng vào bộ đội và các lực lượng liên quan, yên tâm trở về nhà sau khi khối đá được phá nổ thành công.
Dự báo, ứng phó, ngăn ngừa, xử lý hậu quả thiên tai nói chung, sạt lở nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Việc xử lý khối đá tại TDP Xuân Tiến đúng “kịch bản”, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và tài sản cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để lực lượng chức năng tăng khả năng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình trạng sạt lở đang có nhiều diễn biến phức tạp. |
Ngọc Mai