(QBĐT) - Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Xác định được điều đó, thời gian qua, huyện Bố Trạch luôn quan tâm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn (LĐNT) với nhiều giải pháp phù hợp thực tiễn. Nhiều lớp đào tạo nghề được mở, nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng đã góp phần giúp không ít LĐNT tìm kiếm việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trao “cần câu” cho người lao động
Tranh thủ buổi chiều mát trời, anh Đinh Phay ở bản Bụt, xã Thượng Trạch mang cuốc ra vun lại mấy gốc khoai tía ngoài vườn. Anh bảo, chưa bao giờ anh thấy yêu mảnh vườn của mình đến thế. Trước đây, không am tường chuyện làm đất sao cho tốt, kỹ thuật trồng rau màu như thế nào cho năng suất cao... nên dù có chăm chỉ đến mấy, mảnh vườn của anh cũng chỉ trồng lèo tèo mấy luống khoai lang, mấy cụm mồng tơi èo uột, chỉ đủ cung cấp cho đôi ba bữa ăn của gia đình.
Tháng 5/2023, biết được thông tin chính quyền địa phương phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Bố Trạch tổ chức lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho bà con trên địa bàn xã, Đinh Phay nhanh chóng đăng ký tham gia. Sau gần 2 tháng chăm chỉ đi học, được lĩnh hội nhiều kiến thức bổ ích về kỹ thuật trồng rau an toàn, anh quyết định đầu tư làm vườn một cách bài bản.
Nghiên cứu kỹ về đất đai, thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng một số loại cây, anh Phay tiến hành cải tạo đất vườn, đầu tư trồng 400 gốc khoai tía (khoai mỡ). Nhờ cần cù, chịu khó, lại thực hiện đúng kỹ thuật trồng, vườn khoai tía của anh phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Đến nay, sau đợt thu hoạch lần đầu cho năng suất khá cao, anh tiếp tục đầu tư trồng đợt 2.
![]() |
“Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Tôi cũng muốn vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo nhưng ngặt nỗi không có nghề nghiệp, lại không biết cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho hiệu quả nên cứ nghèo mãi. Nhờ có lớp dạy trồng rau mà tôi tìm được hướng phát triển từ chính mảnh vườn của gia đình. Không chỉ phục vụ cho bữa ăn gia đình, số khoai tía thu hoạch được tôi đem bán cho trường học và bà con trong xã, tạo thêm nguồn thu nhập khá ổn”, anh Phay hồ hởi.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Nguyễn Trường Chinh, tham gia lớp học trồng rau an toàn có 33 học viên đều thuộc diện hộ nghèo. Ngoài anh Đinh Phay, lớp học còn giúp nhiều người dân địa phương tạo nguồn thu nhập ổn định khi áp dụng kiến thức đã học vào thực tế trồng trọt, sản xuất. Tiêu biểu, như: Chị Y Đôn (bản Cu Tồn) với vườn rau 300m2, anh Đinh Ninh (bản Bụt) với vườn rau 200m2… Lớp học đã giúp ích rất nhiều cho địa phương trong việc nâng cao sản lượng rau màu (khoảng 20%), từ đó, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân.
Từ năm 2023 đến nay, cùng với lớp dạy trồng rau an toàn cho đồng bào xã Thượng Trạch, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch đã tổ chức được 15 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với sự tham gia của 500 học viên. Các ngành nghề đào tạo, gồm: Nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, kỹ thuật chế biến món ăn, điện dân dụng, tiếng Anh giao tiếp trong du lịch, khách sạn.
Đa phần các lớp học đều phát huy hiệu quả trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho bà con, qua đó, góp phần nâng cao trình độ canh tác, sản xuất và nâng cao đời sống của bà con. Không ít người sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức cũng như tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Phương cho biết: Để tạo ra cơ hội việc làm cho LĐNT, trước hết phải đào tạo nghề cho họ. Đây chính là “chìa khóa” để NLĐ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Chính vì vậy, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, huyện chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, tạo cơ sở dữ liệu cung-cầu, dự báo thị trường lao động; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhất là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn, cũng như thế mạnh kinh tế của địa phương.
Trong 9 tháng năm 2024, huyện Bố Trạch tổ chức được 9 lớp đào tạo nghề cho 300 học viên với tổng kinh phí 762 triệu đồng; trong đó, 2 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 65 học viên với tổng kinh phí 210 triệu đồng, có 7 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 235 học viên với tổng kinh phí 552 triệu đồng. Dự kiến từ nay đến hết năm, huyện tiếp tục triển khai 6 lớp đào tạo nghề cho 200 học viên. |
Không chỉ chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhóm nghề nông nghiệp cũng được triển khai theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân dễ dàng nắm bắt kiến thức, vận dụng vào thực tế… “Qua các lớp dạy nghề, học viên không chỉ được tiếp cận với các ngành nghề mới hoặc từ các nghề truyền thống sẵn có được đào tạo nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm mà còn được tiếp cận với những kiến thức khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch Nguyễn Xuân Hải cho biết.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, huyện Bố Trạch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu của bản thân. Bên cạnh việc gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện và mỗi địa phương, huyện tăng cường công tác quản lý chất lượng đào tạo nghề; gắn kết việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho NLĐ, khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời, huyện Bố Trạch cũng có những chính sách trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm để những người đã tham gia đào tạo nghề tích cực phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở Bố Trạch còn gặp không ít vướng mắc, trở ngại, như: Nhu cầu học nghề của người dân không cao nên gây khó khăn cho công tác tuyển sinh; chất lượng giảng dạy của một số lớp chưa cao, còn nặng phần lý thuyết, hạn chế thực hành; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu; đầu ra việc làm cho NLĐ sau khi học nghề còn khá nan giải…
Chính vì vậy, huyện đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng chú trọng phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề, giới thiệu, cung ứng việc làm; phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho LĐNT… Đây là những giải pháp tối ưu để công tác dạy nghề và tạo việc làm cho LĐNT đạt hiệu quả cao.
Tâm An