(QBĐT) - Mặc dù đã có nhiều giải pháp được triển khai nhằm hạn chế thấp nhất việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng tình trạng chậm đóng BHXH thời gian qua vẫn tồn tại kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
![]() |
Theo số liệu thống kê từ cơ quan BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 8/2024, tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 204.992 triệu đồng, chiếm 7,93% so với kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao.
Bao gồm: 141.348 triệu đồng chậm đóng BHXH và lãi chậm đóng (trong đó, chậm đóng dưới 1 tháng là 15.963 triệu đồng, chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 14.694 triệu đồng, chậm đóng từ 6 tháng trở lên là 110.691 triệu đồng); 2.979 triệu đồng chậm đóng BHTN; 59.910 triệu đồng chậm đóng BHYT; 755 triệu đồng chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
“Việc chậm đóng, trốn đóng BHXH không phải là câu chuyện mới mà là thực trạng nhức nhối suốt nhiều năm qua. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, lý do vì sao, việc các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH của người lao động cũng tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều phía, trực tiếp nhất là người lao động, do đó, cần phải có những giải pháp mạnh nhằm đưa việc đóng BHXH vào quỹ đạo, nền nếp, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ”, Giám đốc BHXH tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
T.A