Đồng hành cùng nông dân, phụ nữ làm giàu

  • 06:09, 20/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, Trung tâm Giáo dục dạy nghề và hỗ trợ nông dân-phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo nghề cho hàng nghìn học viên là nông dân (ND), phụ nữ (PN). Nhờ sự đồng hành đó đã giúp nhiều hội viên ND, PN thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Để đào tạo nghề cho hội viên ND, PN, hàng năm, trung tâm đã tổ chức khảo sát, tuyên truyền, vận động hội viên tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu người học và định hướng của các chính quyền địa phương nơi tổ chức đào tạo nghề. Trung tâm cũng thường xuyên rà soát đội ngũ giáo viên thỉnh giảng đang còn thiếu các văn bằng, chứng chỉ và đưa vào danh sách gửi đi đào tạo nghiệp vụ, ký kết hợp đồng.
 
Từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã đào tạo được 109 lớp nghề cho trên 3.600 học viên là hội viên ND, PN. Các nghề đào tạo chủ yếu là nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: Chăn nuôi-thú y, trồng cây ăn quả, nấm, hoa, trồng và khai thác rừng, chế biến món ăn, làm bánh, nước mắm…; đồng thời hỗ trợ học viên xây dựng 11 mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) với 238 thành viên.
 
Giám đốc trung tâm Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Những năm qua, đơn vị đã tích cực triển khai công tác tư vấn, dạy nghề cho lao động nông thôn đạt được những kết quả khả quan. Công tác tư vấn, đào tạo nghề được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, thiết thực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của hội viên, ND, PN”. 
Mô hình gia trại của anh Nguyễn Thanh Hà, thôn 1 Lộc Đại, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Mô hình gia trại của anh Nguyễn Thanh Hà, thôn 1 Lộc Đại, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Việc tổ chức dạy nghề cho ND, PN được triển khai theo mô hình dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Do vậy, ngoài học lý thuyết, trung tâm tạo điều kiện cho học viên thực hành tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu trên địa bàn. Qua đó, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm cũng như kinh nghiệm của các ND, PN sản xuất, kinh doanh giỏi. Sau khi tổ chức dạy nghề, các cấp hội tích cực tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ học viên về vật tư, phân bón, máy nông nghiệp...

Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tập huấn khởi nghiệp, giới thiệu việc làm, hạch toán kinh tế, xây dựng chiến lược sản xuất hàng hóa, chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và kết nối với doanh nghiệp, HTX để chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho người học; tư vấn thành lập các HTX, THT tại cơ sở…

Từ đó, nhiều học viên ND, PN đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở mang ngành nghề mới, củng cố các nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa.
 
Được trung tâm đào tạo nghề và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hà và chị Lê Thị Thủy, thôn 1 Lộc Đại, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) đã xây dựng mô hình gia trại. Hiện, anh đầu tư chuồng trại nuôi lợn, gà, nuôi ong lấy mật, đào ao thả cá và trồng rau với diện tích trên 1ha. Anh Hà chia sẻ: “Trước đây, chưa được học nghề thì làm việc gì cũng khó, dễ đi đến thất bại bởi thiếu kiến thức. Nhưng từ khi được đào tạo nghề, tôi đã biết cách phòng trị bệnh, nhân đàn... nên các loại cây trồng, vật nuôi phát triển nhanh, mang lại giá trị kinh tế cao”.
 
“Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm cho ND, PN để các hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Trong đó, gắn đào tạo nghề với định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất, dịch vụ, du lịch cộng đồng; tổ chức các hoạt động kết nối giữa ND với các đơn vị tiêu thụ nông sản, thành lập thêm các HTX, THT và tăng cường các hoạt động hỗ trợ ND, PN…”, Giám đốc trung tâm Nguyễn Tiến Thành thông tin thêm.

Mỗi năm, gia đình anh Hà xuất bán 200 con lợn thịt, 2 tấn cá các loại, 50 chai mật ong, trên 2 tấn rau, thu lãi ròng khoảng 450 triệu đồng/năm. Không chỉ gia đình anh Hà mà hàng trăm hội viên ND xã Lộc Ninh cũng tích cực tham gia học nghề để phát triển sản xuất hiệu quả. Chủ tịch Hội ND xã Lộc Ninh Hoàng Minh Khang cho biết: “Hội có trên 1.000 hội viên, trong đó khoảng 15% hội viên được đào tạo nghề và các lớp tập huấn từ trung tâm. Nhờ có kiến thức nên nhiều hội viên ND đã mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng”. 

Chị Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đức Hương chia sẻ: “Năm 2018, chúng tôi thành lập THT trồng nấm. Tuy nhiên, quá trình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức, đầu mối tiêu thụ nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Năm 2021, trung tâm tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho các thành viên và trong quá trình học nghề, tôi cũng như các thành viên THT được các giảng viên hướng dẫn tận tình, “cầm tay chỉ việc” và đi tham quan, thực hành tại cơ sở trồng nấm hiệu quả. Đặc biệt, trung tâm tích cực hỗ trợ thành lập HTX và bao tiêu sản phẩm”.
 
Sau lần học nghề đó, chị Hương đã thành lập HTX và kết nạp thêm thành viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, HTX có 10 thành viên, mỗi năm sản xuất được 18 tấn nấm sò, 1 tấn nấm mộc nhĩ và 700kg nấm linh chi, đạt doanh thu gần 900 triệu đồng, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Toàn bộ sản phẩm nấm linh chi, mộc nhĩ của HTX được ký cam kết bao tiêu. Nhờ được học nghề và làm nghề trồng nấm nên nhiều thành viên HTX từ hộ nghèo vươn lên thành hộ khá, giàu...
Xuân Vương

tin liên quan

Tàu cá bị lật tại cửa biển sông Gianh
Tàu cá bị lật tại cửa biển sông Gianh

(QBĐT) - Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trưa 20/9, tàu cá QB-98043-TS của ông Nguyễn Việt Anh (SN 1990) ở phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) đang neo đậu tại bờ Bắc sông Gianh thì bị đứt dây neo trôi ra phía cửa biển cách bờ khoảng 20m và bị sóng đánh làm lật tàu.

PGS Đặng Bích Hà, một nhân cách đáng kính
PGS Đặng Bích Hà, một nhân cách đáng kính

PGS Đặng Bích Hà-phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với tiên tổ lúc 0 giờ 50 phút ngày 17/9/2024, hưởng thọ 96 tuổi. Sinh thời, bà là điểm tựa tinh thần, là hậu phương vững chắc của Đại tướng. Đi sau 11 năm, bà theo ông về với thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương lớn lao về một nhân cách đáng kính.

Tuyên Hóa: Hàng chục nhà dân bị ngập do lũ
Tuyên Hóa: Hàng chục nhà dân bị ngập do lũ
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có mưa vừa đến mưa to, làm ngập hàng chục nhà dân và một số tuyến đường bị chia cắt.