Nỗi đau còn mãi...

  • 03:08, 10/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin TX. Ba Đồn dẫn tôi đến trước một ngôi nhà nhỏ tại thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa, hỏi: “Anh có biết gia đình ni?”. Tôi chưa kịp trả lời, ông giới thiệu luôn: “Nhà ông Phúc có 6 người điên đó, đều là NNCĐDC. Ở vùng Nam TX. Ba Đồn, còn rất nhiều NNCĐDC... 63 năm trôi qua, rất nhiều nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ mất đi, nhưng nỗi đau da cam thì còn mãi, di chứng lên con cháu của họ”.
 
1. Nhắc đến gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc, rất nhiều người nhớ về “nỗi đau của tột cùng nỗi đau, bất hạnh của tột cùng bất hạnh” khi 10 người gồm ba thế hệ sống chung trong một mái nhà của ông thì có đến 6 người bị tâm thần do di chứng CĐDC.
 
Năm 2001, Báo An ninh thế giới (ANTG) đăng loạt phóng sự về “Ngôi nhà có 6 người điên” của hai tác giả Hồng Lam-Tâm Phùng kể về gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc. Sau đó ông Lâm Tấn Lợi, chủ cơ sở Võng xếp Duy Lợi thông qua Báo ANTG đã xây cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc một ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ thêm kinh phí chữa bệnh cho những nạn nhân bị tâm thần.
Hội NNCĐDC/dioxin TX. Ba Đồn thăm và tặng quà cho những người con trong gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc.
Hội NNCĐDC/dioxin TX. Ba Đồn thăm và tặng quà cho những người con trong gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc.
Hai mươi ba năm sau (2001-2024), trở lại ngôi nhà tình thương ở thôn Cao Cựu, nhà thì còn đó, xuống cấp theo thời gian nhưng các thành viên trong gia đình, người đã qua đời, người tứ tán theo số phận trầm kha. Chị Nguyễn Thị Bài (SN 1968), chị cả trong gia đình thấm nước mắt kể: “Ba mất năm 2013, kế đến mạ qua đời năm 2018, em gái Nguyễn Thị Thanh (SN 1980) cũng chết. Nhà nghèo, các em bệnh tình trở nặng phải gửi đi khắp nơi điều trị: Nguyễn Văn Quý (SN 1972), Nguyễn Thị Lài (SN 1976) ra mái ấm Thiện Tâm (Nghệ An); Nguyễn Chí Cảnh (SN 1973) sống nhờ tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình”.
 
Ngày tôi về thăm, chị Nguyễn Thị Bài ở nhà chăm sóc cậu em út Nguyễn Văn Bình (SN 1982). Năm nay bước sang tuổi 42, Nguyễn Văn Bình vẫn “hồn nhiên” ở thế giới riêng của mình trên chiếc giường nhỏ kê sâu tận góc phòng hẹp. Thấy khách lạ, Bình chỉ biết cười vu vơ, dại dại... Chị Nguyễn Thị Bài đắng đót: “Ngôi nhà xây hơn hai chục năm ni rồi, nay dột nát, hư hỏng hết. Ước mơ của chị là làm được căn nhà ấm cúng để khi đón các em về có nơi mà vô ra”.
 
2. Tạm biệt chị Nguyễn Thị Bài, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TX. Ba Đồn đưa tôi tiếp tục thăm các gia đình NNCĐDC tại các xã Quảng Sơn, Quảng Trung, Quảng Tiên. Nhắc đến NNCĐDC, tiếng ông Nguyễn Xuân Hòa chùng xuống: “63 năm trôi qua kể từ khi đế quốc Mỹ gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024), rất nhiều nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ đã mất đi, nhưng nỗi đau da cam thì còn mãi, di chứng lên con cháu của họ. Mà cháu con họ hiện tại đều lớn tuổi cả rồi. Đau lắm, xót xa lắm... vì vẫn như trẻ con”.
 
Tại gia đình bà Hồ Thị Sinh (SN 1938) ở thôn Biểu Lệ, xã Quảng Trung, chúng tôi bắt gặp chị Phạm Thị Thương (SN 1972) và anh Phạm Văn Hải (SN 1982) đang ngồi lặng lẽ cùng mẹ. Do di chứng CĐDC/dioxin từ bố là ông Phạm Quang Hợn (SN 1938, đã mất), chị Thương sinh ra bị dị dạng, dị tật còn anh Hải bị bệnh Down.
 
“Ông nhà tôi trước tham gia quân đội tại chiến trường đường 9-Nam Lào, Quảng Trị, bản thân ông ấy cũng là NNCĐDC. Gia đình tôi có ba NNCĐDC di chứng từ bố, ngoài Thương và Hải còn có Phạm Thị Hương (SN 1969), tính tình “lúc nắng, lúc mưa”. May mắn phần nào khi hai con còn lại Phạm Thị Uyến (SN 1965) và Phạm Văn Hưng (SN 1975) lành lặn, sức khỏe ổn định nên có thể cùng với mẹ chăm sóc các em”, bà Hồ Thị Sinh chia sẻ.
 
Câu chuyện chăm sóc hai con Phạm Thị Thương, Phạm Văn Hải theo bà Hồ Thị Sinh là “khổ tận cam lai”. Vì Thương và Hải có biết gì đâu... Mọi thứ từ cái ăn, cái mặc, vệ sinh hàng ngày đều trông chờ vào người thân.
Chị Phạm Thị Thương và anh Phạm Văn Hải hai NNCĐDC cùng với mẹ, bà Hồ Thị Sinh.
Chị Phạm Thị Thương và anh Phạm Văn Hải hai NNCĐDC cùng với mẹ, bà Hồ Thị Sinh.
Ông Hoàng Thanh Danh (SN 1937) ở thôn Vinh Quang, xã Quảng Tiên tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1966 thuộc Sư đoàn 304. Chiến trường trải dài suốt các địa bàn miền Nam, từ Quảng Trị, Thừa Thiên đến Tây Nguyên. Những năm tháng ở chiến trường, ông Danh cũng như những đồng đội chưa hiểu hết tác hại của CĐDC/dioxin mà đế quốc Mỹ rải thảm xuống miền Nam sẽ gây hậu quả như thế nào, không những ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn di chứng lâu dài về sau lên con cái.
 
Ông Hoàng Thanh Danh kết hôn với bà Trần Thị Luyến (SN 1946). Ông bà sinh hạ được 6 người con, chỉ giữ lại được 4. Con trai của ông bà, Hoàng Văn Lộc (SN 1982), hiện tại nằm “bán thân bất toại” và “không thể lớn lên nổi” cũng vì nhiễm CĐDC từ bố.
 
Bà Trần Thị Luyến kể: Lúc sinh ra, sức khỏe Lộc rất yếu nhưng vẫn vận động được. Khoảng 10 năm nay thì Lộc liệt giường, người mềm nhũn ra, giống một đứa trẻ, chẳng biết gì. Tất cả mọi sinh hoạt thường ngày đều trông nhờ cả vào hai ông bà. “Sinh con ra, mong muốn con có một cuộc sống bình thường như những người khác, vậy mà... Xót xa lắm!”. Nhắc đến con trai, bà Trần Thị Luyến không cầm được nước mắt.
 
Ở thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, chúng tôi thăm nhà ông Trần Đình Hiến (SN 1967), một NNCĐDC. Bố ông Hiến là Trần Đình Huân (SN 1932), bộ đội chống Mỹ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Bị di chứng CĐDC từ bố, ông Hiến dị tật hệ vận động, hở van tim, mất sức lao động hoàn toàn. Năm nay ông Hiến bước qua tuổi 57 nhưng chiều cao chỉ bằng đứa trẻ mười một, mười hai. Dấu ấn tuổi tác đọng lại trên gương mặt phúc hậu của ông là mái tóc và bộ râu dài bạc trắng. Vì sức khỏe dần trở yếu, chị gái ông Hiến, bà Trần Thị Xuân (SN 1961) sống tại thôn Diên Trường cách đó khoảng 4km phải thường xuyên lên chăm sóc, lo toan từng bữa ăn, giấc ngủ cho em trai...
 
Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TX. Ba Đồn Nguyễn Xuân Hòa cho biết: Trên địa bàn thị xã hiện có 498 NNCĐDC, trong đó gồm 366 nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến và 132 nạn nhân là con, cháu của họ. Các gia đình NNCĐDC đều khó khăn, vì thế những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp TX. Ba Đồn đã cố gắng tranh thủ các nguồn hỗ trợ nhằm giúp đỡ, chia sẻ cùng NNCĐDC cả về vật chất lẫn tinh thần với mục tiêu giúp nạn nhân, gia đình CĐDC vơi bớt đi phần nào nỗi đau...

Thanh Long

tin liên quan

Lệ Thủy: Tiếp nhận 423 đơn vị máu trong ngày hội hiến máu tình nguyện
Lệ Thủy: Tiếp nhận 423 đơn vị máu trong ngày hội hiến máu tình nguyện

(QBĐT) - Ngày 9/8, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Lệ Thủy phối hợp với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tổ chức ngày hội HMTN đợt 2 năm 2024.

Quảng Bình: Huy động hơn 450 người tham gia chữa cháy rừng
Quảng Bình: Huy động hơn 450 người tham gia chữa cháy rừng

(QBĐT) - Thượng tá Trần Ngọc Vinh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Trạch cho biết, hơn 450 người trong đó có khoảng 100 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân được huy động tham gia chữa cháy rừng vừa xảy ra chiều nay 9/8, tại xã Quảng Đông.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều gia đình vẫn còn gánh chịu nhiều nỗi đau do hậu quả chất độc da cam để lại.