(QBĐT) - Huyện Minh Hóa đang chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ trước những diễn biến phức tạp của thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết có nhiều biến động bất thường, xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, giông lốc... gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Minh Hóa. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN kiêm PTDS) huyện Minh Hóa, các đợt hạn hán giữa năm và giông lốc đã gây thiệt hại hơn 400ha sản xuất nông nghiệp và hư hại nhiều nhà dân, ước tính thiệt hại gần 9 tỷ đồng.
Theo dự báo, những tháng cuối năm, tình hình thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt với đặc thù địa hình đồi núi như Minh Hóa, dễ xảy ra bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Để không bị động, bất ngờ trước các tình huống, huyện Minh Hóa đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương trên địa bàn chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
![]() |
Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho hay, mục tiêu là huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại nhanh nhất, lấy sự an toàn của người dân đặt lên hàng đầu. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện cũng giao trách nhiệm cho các thành viên, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh ngay tại cộng đồng là biện pháp hiệu quả và thiết thực.
Tại các địa bàn phát hiện có nguy cơ sạt lở núi, đất, đá, bờ sông, bờ suối như Dân Hóa, Trọng Hóa..., trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ các năm, các địa phương đã chủ động phương án bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân; nhất là việc tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ dân trong trường hợp bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.
Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Buân cho hay, địa phương luôn chủ động xây dựng các phương án ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Trong trường hợp mưa lũ kéo dài, với những khu vực có nguy cơ sạt lở sẽ tổ chức di dời người dân đến vùng an toàn; cắm biển cảnh báo ở các khu vực đập, khe tràn, sông suối nguy hiểm; đồng thời duy trì lực lượng thường trực sẵn sàng giúp đỡ, ứng cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, các phòng, ban liên quan cũng đang khẩn trương rà soát, cập nhật các phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; đặc biệt là phương án ứng phó lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa bảo đảm sát với tình hình thực tế tại địa phương; kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các thôn, bản, cộng đồng dân cư thực hiện các nội dung này ở cấp thôn.
Các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó khi có sự cố, đặc biệt là cho người dân ở thôn bản, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Nằm ở thượng nguồn sông Rào Nan, xã Tân Hóa được xem là vùng “rốn lũ” của huyện Minh Hóa. Nước lũ ở đây thường ngập sâu và rút chậm, bởi vậy nhiều năm nay, người dân nơi đây thường dùng nhà phao để sống chung với lũ. Chị Cao Thị Tuyết Nhung, ở thôn Cổ Liêm cho biết, cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, gia đình chị thường làm nhà phao cạnh nhà chính. Ngày thường thì dùng chứa đồ đạc, khi lũ về, chính quyền thông báo thì chuyển lương thực, nước uống, đồ sinh hoạt qua nhà phao. Nước nổi thì nhà nổi, mọi người không phải chạy lên núi, chịu đói rét nếu bị cô lập dài ngày như trước.
Hiện nay, huyện Minh Hóa cũng đang tập trung kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở; tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng, hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng), khai thác, tập kết khoáng sản trái phép để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng...
“Mùa mưa lũ, nhiều khu vực trên địa bàn huyện, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị chia cắt, bởi vậy việc dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để chủ động ứng phó trong điều kiện mưa lũ kéo dài luôn được chú trọng thực hiện và sẽ hoàn thành trong tháng 8/2024, phương châm nhất quán là tuyệt đối không để bị động, chủ quan trong mọi tình huống”, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho biết thêm.
Xuân Phú