(QBĐT) - Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thiên tai năm nay diễn biến phức tạp. Để phòng, chống thiên tai hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Bố Trạch đã chủ động triển khai giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Bố Trạch là huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Hàng năm, các trận bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc đã gây nên những trận mưa lớn hình thành các đợt lũ lụt, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây trên địa bàn huyện xảy ra 32 đợt lũ (bình quân 3,2 đợt/năm), đã làm 47 người chết, 244 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại gần 3.776 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Phan Thanh Luận cho biết, thị trấn Phong Nha có trên 10km bờ sông và nhiều trục giao thông quan trọng. Địa hình được hình thành bởi vùng núi cao, độ dốc lớn, sông suối hẹp nên khi có mưa to thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; vùng trũng sâu, ven sông thường xảy ra lũ lụt, ngập úng dài ngày khi mưa bão, các vùng dân cư thường bị chia cắt, cô lập, khó tiếp cận.
![]() |
Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự (BCH PCTT-TKCN kiêm PTDS) thị trấn đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCTT-TKCN nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó theo phương châm “Chủ động phòng tránh-ứng phó kịp thời-khắc phục có hiệu quả”, trong đó lấy phòng là chính…
Trước những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra nhiều năm qua, UBND huyện Bố Trạch đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai công tác PCTT-TKCN năm 2024. BCH PCTT-TKCN kiêm PTDS từ cấp huyện đến xã, thị trấn được thành lập, trên cơ sở đó thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng địa bàn, xây dựng quy chế làm việc, quy chế trực ban…; xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai.
Nhằm bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện trước mùa mưa bão, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và địa phương tổ chức kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố. Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tổ chức huấn luyện các nội dung về công tác cứu hộ theo quy định cho các đối tượng; tham gia huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng điều khiển phương tiện thủy nội địa phục vụ TKCN hàng năm. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, phương án di dời dân vùng có nguy cơ sạt lở khi mưa bão xảy ra…
|
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT trên địa bàn huyện vẫn còn những khó khăn, như: Diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng bất thường, trái quy luật gây khó khăn cho công tác PCTT; tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, trang thiết bị trong công tác PCTT từ huyện đến địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với nhiều loại hình thiên tai theo quy định của Luật PCTT và yêu cầu bảo đảm an toàn cho xã hội phát triển. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn thiếu kiên quyết trong triển khai các giải pháp phòng ngừa, nhất là việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và việc chốt chặn tại một số điểm có nguy cơ mất an toàn cao. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ khắc hậu quả thiên tai còn thiếu, mới đáp ứng 20-30% nhu cầu thực tế…
Từ những thực tế tại địa phương, UBND huyện, BCH PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện Bố Trạch mong muốn UBND tỉnh, BCH PCT-TKCN kiêm PTDS tỉnh và các đơn vị tiếp tục quan tâm hỗ trợ các địa phương các loại vật tư, phương tiện phục vụ PCTT-TKCN, ưu tiên các phương tiện cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước, đê kè đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng theo danh sách ưu tiên, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ, phát huy hiệu quả công trình…
Lê Mai