(QBĐT) - Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS-MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (gọi tắt là chương trình) với sự chủ động, linh hoạt, quyết tâm cao, Quảng Bình đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần đổi thay cuộc sống của đồng bào, mang đến diện mạo mới, sức sống mới, cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… Qua đó, đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của vùng ĐBDTTS-MN trên địa bàn tỉnh.
Bố Trạch là một trong những địa phương triển khai hiệu quả chương trình trên địa bàn tỉnh. Bố Trạch hiện có 2 xã miền núi rẻo cao: Tân Trạch và Thượng Trạch. Tính đến cuối năm 2023, tổng số hộ ĐBDTTS-MN của huyện Bố Trạch có 982 hộ, 4.252 khẩu với 2 dân tộc chủ yếu là Chứt và Bru-Vân Kiều. Thời gian qua, với sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị-xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Bố Trạch Trần Nam Trung cho biết, được sự đầu tư của Nhà nước qua các chương trình mục tiêu, nhất là chương trình, cơ sở hạ tầng KT-XH vùng DTTS ngày càng được đầu tư xây dựng, củng cố. Các công trình giao thông, thủy lợi đã thực sự phát huy hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.
Cụ thể, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; thu nhập bình quân của người DTTS tăng 1,5 lần so với năm 2019 từ 9,8 triệu đồng/người/năm lên 14,8 triệu đồng/người/năm... Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân vùng DTTS từng bước được nâng cao.
Nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được gìn giữ, phát huy.
Nhiều chính sách thiết thực, như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề; phát triển sản xuất thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp giúp người dân tăng gia sản xuất; bảo vệ rừng và trợ cấp gạo được thực hiện, vì vậy, không còn tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy trái phép và thiếu đói vào mùa giáp hạt hàng năm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được quan tâm, từng bước nâng cao dân trí người dân vùng ĐBDTTS; tổ chức các lớp đào tạo nghề, hướng nghiệp giúp người dân nâng cao nhận thức về định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội chuyển đổi nghề phù hợp điều kiện; hỗ trợ phụ cấp cô đỡ thôn bản giúp nâng cao chất lượng y tế các xã miền núi…
Dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng tiểu dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng ĐBDTTS-MN” thuộc dự án 9 của chương trình do Ban Dân tộc tỉnh triển khai đã đạt được những kết quả nhất định.
Từ năm 2022-2023, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp UBND các xã, thị trấn, các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh tổ chức 37 lớp tập huấn với sự tham gia hơn 3.000 người; tổ chức 10 hội thi cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và người DTTS sống ở vùng ĐBDTTS-MN; cung cấp 6.000 tờ rơi và lắp đặt 26 panô tuyên truyền; tổ chức 10 cuộc tọa đàm giao lưu và nói chuyện chuyên đề... Cùng với đó là các lớp tập huấn bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở; tư vấn lồng ghép nói chuyện chuyên đề cho học sinh và người dân vùng ĐBDTTS...
Trong tháng 8/2024, hai chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn với tuyên truyền giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT ở vùng ĐBDTTS-MN tổ chức tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy) và Lâm Hóa (Tuyên Hóa) được đông đảo bà con quan tâm, yêu thích. Các chương trình góp phần cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới…, tuyên truyền tác hại của TH-HNCHT theo hình thức sân khấu hóa, chiếu phim. Đặc biệt, phần tiểu phẩm được chính các đội thuộc hai xã biểu diễn hấp dẫn, lôi cuốn với nội dung tuyên truyền gần gũi, sát thực tiễn.
Bí thư Chi bộ bản Cáo (xã Lâm Hóa) Phạm Thị Lâm chia sẻ: “Là đội trưởng đưa đội bản Cáo tham gia chương trình giao lưu, tôi đã nỗ lực cùng các thành viên hăng say luyện tập, khắc phục khó khăn bởi các thành viên trong đội làm đa ngành nghề, nhiều độ tuổi. Chương trình vừa giúp bà con phổ biến kiến thức pháp luật về TH-HNCHT, vừa tăng tình đoàn kết, gắn bó của bà con trong bản, lại bảo tồn các giá trị văn hóa của người Mã Liềng. Đội tự dàn dựng phần tiểu phẩm “Con chưa muốn lấy chồng”, từ nội dung, ý tưởng đến diễn viên, rất hào hứng và nhiệt tình. Tôi mong muốn sẽ có những chương trình ý nghĩa, bổ ích như thế này trên địa bàn xã”.
Sau 3 năm triển khai chương trình, tại vùng ĐBDTTS-MN của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,05%/năm (chỉ tiêu kế hoạch giảm trên 4,5%/năm); 100% ĐBDTTS tham gia bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% xã có đường ô tô về đến trung tâm rải nhựa hoặc bê tông; đầu tư xây dựng 12,6km đường giao thông liên xã; đầu tư xây dựng mới 1 chợ biên giới; cứng hóa 15km đường giao thông nông thôn…
Đó là những minh chứng cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ của vùng ĐBDTTS-MN tỉnh sau thời gian triển khai chương trình với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần trên các mặt KT-XH, văn hóa. Tổng nguồn vốn đã phân bổ thực hiện trong 3 năm (2022-2024) là 1.111.880 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 1.040.668 triệu đồng, ngân sách địa phương 71.212 triệu đồng.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Võ Ngọc Thanh cho biết, sau 3 năm triển khai, chương trình đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình; HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai. Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Cùng với đó là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân trong thực hiện chương trình.
Chương trình đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng DTTS-MN so với bình quân chung của cả tỉnh; giảm dần số thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; phát triển toàn diện giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa.
Chương trình góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt, bám sát thực tiễn, thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, kiểm tra giám sát, tỉnh sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên của từng địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng chương trình về kết cấu hạ tầng KT-XH và các hoạt động đáp ứng nhu cầu sản xuất tại vùng ĐBDTTS, khu vực nông thôn.
Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai chương trình, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện chương trình ở các cấp, ngành.
(QBĐT) - Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuyên Hóa Trần Mạnh Hùng cho biết: Để hạn chế tai nạn đuối nước cho học sinh trên địa bàn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ địa phương tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho các em.
(QBĐT) - Ngày 22/8, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp với gia đình bà Nguyễn Thị Phúc, ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) tổ chức trao quà cho bệnh nhân nghèo đang chạy thận tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.