(QBĐT) - Những ngày đầu tháng 8, trên địa bàn xã Quảng Đông (Quảng Trạch) do thời tiết khô hạn và gió phơn tây nam thổi mạnh nên các vụ cháy rừng xảy ra làm ngọn lửa lan nhanh, thiêu rụi nhiều diện tích rừng. Rút kinh nghiệm từ vụ cháy rừng trước, các lực lượng chức năng huyện Quảng Trạch đã kích hoạt hệ thống phòng cháy tại chỗ đến ngay hiện trường để dập lửa, khống chế đám cháy. Nhờ đó, các vụ cháy rừng sau đã hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Đây cũng là kinh nghiệm chung cho các đơn vị, địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Trên địa bàn xã Quảng Đông có nhiều loại rừng, gồm: Rừng phòng hộ, rừng sản xuất... Trước tình hình thời tiết khô hạn, nhiệt độ luôn ở mức cao, ẩm độ không khí thấp, cùng với việc ứng trực, đề phòng các đám cháy bùng phát, cán bộ UBND xã và Kiểm lâm phụ trách địa bàn đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong PCCCR, cam kết tuyệt đối không đốt thực bì trong thời điểm nắng nóng gay gắt; không tiếp tay cho các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCCR….
Ông Nguyễn Minh Bặt, ở thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông chia sẻ: “Khi giao việc khai thác rừng, tôi phải giao trách nhiệm cho những người vào khai thác không được sử dụng lửa để làm bất cứ việc gì, kể cả hút thuốc lá”.
![]() |
Rừng ở xã Quảng Đông có đặc điểm nằm trên địa hình phức tạp, nhiều triền dốc, núi cao và thường xuyên chịu tác động gió mạnh từ biển thổi vào. Bên cạnh đó, rừng khá đa dạng về các loại cây trồng và thảm thực bì nên trong những ngày thời tiết nắng nóng rất dễ bén lửa. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế dân sinh cũng gây áp lực rất lớn trong công tác PCCCR. Trên địa bàn có tuyến Quốc lộ 1 đi qua, người dân sống gần rừng, các dự án lớn, mỏ khai thác vật liệu xây dựng đang hoạt động… là những yếu tố khách quan có nguy cơ làm xảy ra các vụ cháy rừng.
Để PCCCR cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy rừng gây ra, trong những ngày nắng nóng, xã Quảng Đông đã cử lực lượng cùng với cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch ứng trực để có thể nhanh chóng kích hoạt hệ thống phòng cháy tại chỗ, chủ động dập tắt các điểm phát lửa.
Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền cho biết: “Xác định nhiệm vụ CCR là nhiệm vụ cấp bách, do đó khi có cháy rừng xảy ra, lãnh đạo địa phương huy động lực lượng từ cán bộ đến nhân viên cũng như lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bà con nhân dân trong vùng để tập trung dập tắt đám cháy một cách nhanh nhất. Với việc huy động lực lượng kịp thời về số lượng cùng với sự phối hợp với các lực lượng chức năng, các vụ cháy rừng đã được khống chế”.
Nắm bắt được nguy cơ, hiểm họa của cháy rừng và những thiệt hại do cháy rừng gây ra, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, lực lượng Kiểm lâm huyện Quảng Trạch đã tích cực thực hiện chức năng nòng cốt trong việc tham mưu, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn. Với phương châm “4 tại chỗ” từ thực tế CCR ở xã Quảng Đông, công tác PCCCR đã từng bước được bổ sung thêm nhiều kinh nghiệm. Cụ thể, khi có vụ cháy rừng xảy ra, UBND xã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện kỹ thuật, hậu cần và trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy kịp thời.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch Phạm Hồng Khánh cho biết thêm: “Qua thực tế CCR chúng tôi rút ra những nhiều kinh nghiệm. Đó là phải ứng trực thường xuyên để phát hiện từ sớm, không để ngọn lửa lên cao mới huy động lực lượng. Bởi vậy, lực lượng tại chỗ có vai trò rất quan trọng. Đối với các khu vực rừng ở vùng chân đồi sử dụng xe chữa cháy chuyên dụng để dập lửa khá hiệu quả. Còn đối với vùng núi cao, phương tiện máy thổi gió cầm tay được đánh giá rất hiệu quả...”.
Cũng từ các vụ cháy rừng trên địa bàn xã Quảng Đông cho thấy, vai trò quan trọng của người tổng chỉ huy. Khi có cháy rừng xảy ra ở những nơi đèo dốc, núi cao, người tổng chỉ huy phải bố trí lực lượng có sức khỏe, kinh nghiệm lên núi cao phát, tỉa, cắt đường băng cản lửa, lực lượng còn lại lấy cành cây và một số vật dụng để dập lửa xung quanh, không cho đám cháy lan ra diện rộng. Lúc này các lực lượng chức năng tiếp viện vừa đến, chắc chắn sẽ khống chế đám cháy thành công.
Từ thực tế trong các vụ CCR vừa qua ở xã Quảng Đông có thể xem là bài học kinh nghiệm trong công tác PCCCR cho các đơn vị, địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Minh Phong
(Đài PT-TH Quảng Bình)