(QBĐT) - Những tưởng cuộc sống của chị Phạm Thị Hiếu (SN 1986, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới) sẽ êm đềm trôi qua với ba cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Vậy mà, sau cái ngày định mệnh năm 2019, một tai nạn giao thông bất ngờ đã khiến chị cùng các con mất đi chỗ dựa vững chắc của cuộc đời. Sau khi chồng mất, một mình nuôi dạy ba con, chưa lúc nào chị cho phép mình được yếu đuối, mất niềm tin bởi giờ đây, các con chỉ còn mẹ ở bên để chở che, hy vọng. Và ngọn lửa ấm gia đình tiếp tục được nhen lên giữa ấm áp, yêu thương…
Bên căn nhà nhỏ bé, đơn sơ ở thôn Trung Nghĩa 2, xã Nghĩa Ninh, một ngày của chị Hiếu tất bật với đàn gà, vịt-kế sinh nhai của cả bốn mẹ con. Chị kể, mấy ngày này, căn bệnh rối loạn thần kinh thực vật và suy vỏ thượng thận khiến chị hay ngất xỉu nên không dám đi làm đâu, chỉ có thể quanh quẩn ở nhà để điều trị bệnh.
Niềm vui của mấy mẹ con là chị cả Nguyễn Phạm Quỳnh Nguyên (học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, đoạt giải nhì môn Lịch sử tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024) đang háo hức sẵn sàng hành trang học đại học tại Thủ đô Hà Nội. Đó là “trái ngọt” đầu tiên sau bao vất vả, nhọc nhằn của mẹ, dẫu biết chặng đường phía trước còn lắm gian nan, nhưng như chị Hiếu tâm sự: “Cứ mạnh dạn bước đi đã, mọi khó khăn rồi cũng sẽ bỏ lại sau lưng”.
Khi chồng mất năm 2019, chị Hiếu như sụp đổ, ba đứa con còn thơ dại, nhà chồng thì khó khăn, mẹ chị cũng đã mất vì căn bệnh ung thư. Bao đêm trằn trọc, cuối cùng chị quyết định rời quê chồng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh để về nhà mẹ ở thôn Trung Nghĩa 2, xã Nghĩa Ninh. Đó là cả một quyết định khó khăn bởi chị biết một mình chị không thể lo nổi cho cả ba con. Ông bà nội mong muốn nuôi giúp chị một cháu, nhưng chị quyết tâm: Cả ba con sẽ theo mẹ bởi các con đã mất cha, chị không thể để con chịu đựng thêm nỗi đau xa cách.
Chị cả Quỳnh Nguyên rơm rớm chia sẻ, ngày đó, nỗi lo của ba chị em là mỗi lần mẹ về nhà rồi trở lại Quảng Bình sẽ bỏ các em ở nhà nội bơ vơ, nên lần nào chia tay là nước mắt đầm đìa. Em út Quỳnh Anh nhớ lại, 2 chị lớn khóc nhiều nhất vì sợ mẹ chọn ở lại với ông bà nội. Sau nhiều quyết tâm, bốn mẹ con đã về cùng nhau trong căn nhà tuy lụp xụp, nhưng nồng ấm tình thương.
![]() |
“Nếu không có tình yêu thương, chăm sóc, hỗ trợ tích cực của người thân, bà con làng xóm, chính quyền, đoàn thể và các nhà hảo tâm, bốn mẹ con sẽ khó có thể vượt qua khó khăn…”, chị Hiếu xúc động cho biết. Trước đây, chị làm cho một quán ăn ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới), đồng lương tuy không nhiều nhưng được chủ quán quan tâm, chia sẻ, luôn thưởng thêm khi nhận lương, rồi gửi con cá, miếng thịt... và cho mang đồ ăn ở quán về nhà. Nhờ đó, mẹ con vơi bớt nỗi lo, bữa ăn bớt đạm bạc.
Ở nhà, chị nuôi thêm lợn, gà, vịt… vừa tăng thu nhập, vừa thỉnh thoảng bồi bổ cho con sau những đợt thi cử căng thẳng. Các đoàn thể, đặc biệt là Chi hội Phụ nữ thôn Trung Nghĩa 2, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nghĩa Ninh cũng thường xuyên qua lại động viên, hỗ trợ. Những ngày chị điều trị ở bệnh viện, các chị em lại qua động viên, bảo ban các cháu học hành và phụ giúp công việc vườn tược, chăn nuôi. Các nhà hảo tâm khi biết hoàn cảnh của bốn mẹ con cũng chung tay giúp sức. Gia đình là hộ nghèo của xã nên chị cũng được sẻ chia nhiều hơn trong cuộc sống để các con yên tâm phấn đấu học hành.
Động lực của chị chính là sự chăm ngoan, học giỏi của các con. Nhà nghèo, cha mất sớm, một mình mẹ bươn chải nuôi ba chị em, nên Quỳnh Nguyên, Quỳnh Chi, Quỳnh Anh, thương mẹ lắm. Không chỉ tự giác trong việc học, mà cả việc nhà ba chị em cũng tự giác phân công nhau làm. Khi mẹ phải ở bệnh viện, chị em bảo ban nhau, vừa học, vừa chăm đàn lợn, gia cầm để mẹ yên tâm điều trị dài ngày. Quỳnh Nguyên khóc khi nhớ lại kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10) năm ngoái, Nguyên và 2 em mua một chiếc bánh nhỏ vào bệnh viện thăm và chúc mừng mẹ. Đến tận hơn 22 giờ, ba chị em mới về nhà. Đó là thời gian vui và hạnh phúc mà lâu lắm cả gia đình mới có được.
“Có bao giờ em yêu thích một món đồ nhưng không dám nói vì sợ mẹ không có tiền mua không?”, “Dạ, nhiều lần lắm ạ! Nhưng em giữ trong lòng thôi, chỉ lo nói ra mẹ lại buồn...”, Quỳnh Nguyên chia sẻ. Chị Hiếu kể, khi Quỳnh Nguyên đoạt giải quốc gia và báo cho mẹ, chị vừa mừng vừa thương con: “Con của mẹ học giỏi mà lại sinh ra trong hoàn cảnh nhà mình vất vả quá, giá như con được ở gia đình khá giả hơn”. Quỳnh Nguyên ôm mẹ khóc: “Mẹ ơi, con chỉ cần có mẹ luôn ở bên con là đủ ạ, khổ mấy con cũng chịu được...”.
![]() |
Không chỉ chị cả Quỳnh Nguyên mà các em Quỳnh Chi, Quỳnh Anh cũng nỗ lực trong học tập. Năm học vừa qua, em út Quỳnh Anh đoạt giải khuyến khích môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 8 thành phố và đang ôn luyện cho kỳ thi cấp tỉnh sắp tới. Mỗi chị em đều ấp ủ những giấc mơ của riêng mình và đều quyết tâm học thật giỏi để cuộc sống sau này của mẹ bớt vất vả hơn.
Chị Hiếu tâm sự, Quỳnh Nguyên ban đầu dự định học tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng sau đó, thấy mẹ bị bệnh nên quyết định học ở Hà Nội để có thể ở bên mẹ khi điều trị dài ngày. Căn bệnh khiến chị Hiếu phải thăm khám và uống thuốc thường xuyên, sức khỏe sa sút, thời gian qua, chị chủ yếu ở nhà, quẩn quanh với đàn gà, vịt. Mỗi lần ra Hà Nội điều trị lại tốn kém, nên khi nào không chịu đựng nổi chị mới khăn gói ra thăm khám.
Điều chị mong muốn bây giờ là có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục nuôi dưỡng các con nên người. Chị chia sẻ, chị không cho phép mình ngơi nghỉ một ngày nào, kể cả khi ốm đau, bệnh tật. Dẫu khó khăn, nhưng khi nào còn sức khỏe, chị vẫn cố gắng, nỗ lực, làm mọi việc có thể để không để các con dở dang việc học. Chị không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ, bởi chị biết vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, vất vả hơn gia đình chị. Căn nhà nhỏ đơn sơ dù thiếu vắng hơi ấm người chồng, người cha, nhưng vẫn còn đó tình thương của mẹ, sự đoàn kết, nỗ lực của các con và cả sự yêu thương, đùm bọc của bà con làng xóm, chính quyền, đoàn thể địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hoài Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Ninh chia sẻ:“Gia đình chị Phạm Thị Hiếu luôn được chính quyền, đoàn thể xã quan tâm, chia sẻ. Hai con của chị đều tham gia chương trình “Mẹ đỡ đầu” để vơi bớt vất vả trên con đường đến trường. Nghị lực và tinh thần nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn của chị Hiếu cùng các con đã khiến chúng tôi rất xúc động và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho gia đình. Bên cạnh việc thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần, mỗi khi chị Hiếu phải điều trị dài ngày ở bệnh viện, chị em hội viên lại đến giúp đỡ việc nhà, chăm đàn lợn, gà, vịt, hỗ trợ các cháu việc học hành. Chúng tôi cũng mong muốn nhiều doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm biết đến hoàn cảnh gia đình và có sự hỗ trợ để ba cháu có thể hoàn thành việc học, có việc làm ổn định”. |
Mai Nhân