Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ-Bài 2: Còn nhiều trăn trở

  • 10:06, 26/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bộ đội xuất ngũ (BĐXN) là lực lượng lao động không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn được trải qua quá trình rèn luyện trong Quân đội, có sức khỏe tốt, ý thức kỷ luật, tính chuyên nghiệp cao, có trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao và được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tin tưởng. Để động viên, củng cố niềm tin cho lực lượng này, nhiều chính sách ưu đãi trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được xây dựng và triển khai. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện vẫn còn vướng không ít khó khăn...
 
 
Tạo điều kiện cho BĐXN học nghề, tìm việc làm thể hiện sự quan tâm, ghi nhận những đóng góp của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là giải pháp động viên, khuyến khích thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS). Mặc dù chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho BĐXN khá ưu việt, nhưng khi triển khai trên thực tế lại vấp phải không ít khó khăn.
 
Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lực lượng BĐXN. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhà trường, hiện nay, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi, trường cũng bảo đảm trình độ giảng viên cũng như điều kiện cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu thực tế, nhưng số lượng BĐXN đăng ký học nghề tại đơn vị khá khiêm tốn. Năm 2023, trường chỉ có 78 BĐXN tham gia học nghề, trong đó, 67 người học lái xe. Từ năm 2024 đến nay, trường có 69 BĐXN tham gia học lái xe.
 
Khó khăn trong tuyển sinh, thu hút BĐXN tham gia học nghề không chỉ là vấn đề riêng của Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình mà là thực trạng chung. Thực tế cho thấy, hàng năm, số lượng quân nhân xuất ngũ trên địa bàn tỉnh không hề nhỏ nhưng số lượng BĐXN học nghề tại các trường nghề trong tỉnh lại khá khiêm tốn, gây thiệt thòi cho các cơ sở đào tạo nghề. Không ít quân nhân xuất ngũ mặc dù có thẻ học nghề nhưng không sử dụng, gây lãng phí.
Hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là việc làm cấp thiết, cần được tập trung đầu tư.
Hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ là việc làm cấp thiết, cần được tập trung đầu tư.
Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng thẻ học nghề ngắn (12 tháng kể từ ngày cấp) và sự thiếu đa dạng trong các ngành nghề đào tạo cũng là điểm hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho BĐXN.
 
Theo chia sẻ của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay, ngành nghề mà BĐXN lựa chọn tập trung chủ yếu vào đào tạo lái xe ô tô và các ngành, nghề sơ cấp ngắn hạn. Trong khi đó, nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tuyển lao động kỹ thuật ở nhóm nghề: Hàn, lắp ráp kim loại, tiện, điện lạnh… Điều này dẫn đến một thực tế là cung vượt cầu, học xong ít người sống được với nghề, lại phải tìm việc khác, gây lãng phí thời gian, tiền của và nhiều hệ lụy phát sinh.
 
Một điểm bất cập khác nằm ở quy định thanh toán chế độ học nghề, gây khó cho cả học viên và cơ sở dạy nghề. Theo ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, theo quy định, sau khi đào tạo nghề cho BĐXN xong, các trường mới thực hiện thanh toán, không được tạm ứng kinh phí.
 
Do đó, để bảo đảm điều kiện tổ chức đào tạo nghề cho học viên, nhà trường buộc phải tạm thu học phí và hoàn trả lại sau khi thanh toán xong. Đối với tiền ăn, tiền đi lại do chưa có kinh phí nên chưa thanh toán cho người học trong khi quy định chứng từ thanh toán phải có danh sách học viên ký nhận tiền ăn, tiền đi lại. Điều này gây khó khăn cho các trường trong việc lập hồ sơ thanh toán. Hơn nữa, quá trình thực hiện yêu cầu hồ sơ thanh toán của học viên phải có hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng hay xác nhận đã có việc làm, trong khi đó, nhiều học viên sau khi học xong đã đi làm xa, các trường khó liên lạc, làm ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành thủ tục thanh toán…
 
Cũng như thế, thực hiện công tác đào tạo nghề cho BĐXN, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình tạm thu một phần học phí của học viên để bảo đảm các học viên không bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thực trạng này vẫn diễn ra. Bình quân mỗi năm trường có khoảng 10% học viên là BĐXN bỏ học, không theo hết khóa học. Như thế cũng đồng nghĩa với việc học viên chấp nhận mất khoản tiền tạm thu và nhà trường cũng mất khoản tiền sẽ được thanh toán theo quy định.
 
Bên cạnh những khó khăn trong công tác đào tạo nghề, số lượng BĐXN được tiếp cận các chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh còn thấp. Theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa XVIII, những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên hoàn thành NVQS, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội sẽ được hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/người khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, số người đủ điều kiện để nhận hỗ trợ rất thấp. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 40 người được hưởng chính sách hỗ trợ đi xuất khẩu lao động theo Nghị quyết số 17, trong đó chỉ có 2 trường hợp là BĐXN… 

Trong số hơn 20 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.670 BĐXN (từ năm 2016 đến tháng 9/2023), có 19,9 tỷ đồng đào tạo lái xe. Số kinh phí thực hiện đã quyết toán là gần 12,46 tỷ đồng (trong đó, đào tạo lái xe trên 12,2 tỷ đồng), số kinh phí chưa được quyết toán trên 7,7 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đinh Thị Ngọc Lan, BĐXN được xem là nguồn nhân lực chất lượng, có ý thức tổ chức kỷ luật, độ tuổi, sức khỏe và trình độ có thể đáp ứng được nhiều ngành nghề chất lượng cao. Đây là lực lượng lao động mà các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước rất cần nếu được đào tạo vững tay nghề. Do đó, hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho BĐXN là việc làm cấp thiết, cần được tập trung đầu tư, qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường lao động năng động trong tình hình mới.

Chính vì vậy, ngoài chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ, sở chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bám sát các đơn vị quân đội để mở các đợt tư vấn, tuyển sinh học nghề; phối hợp với chính quyền cấp cơ sở thu thập, lập danh sách thanh niên hoàn thành NVQS ở địa phương để tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng, đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và tạo đầu ra việc làm cho thanh niên sau đào tạo…
 
“Đào tạo nghề cho BĐXN là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm quan tâm, động viên thanh niên thực hiện NVQS, bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, những vướng mắc, bất cập nêu trên cần phải được giải quyết một cách thấu đáo để chủ trương, chính sách này phát huy hiệu quả như mong đợi”, bà Lan chia sẻ.
Tâm An

tin liên quan

Nỗ lực chăm lo đời sống cho đoàn viên
Nỗ lực chăm lo đời sống cho đoàn viên

(QBĐT) - Luôn nỗ lực làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, Công đoàn cơ sở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiếp thêm động lực để đoàn viên, người lao động vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống...

Bàn giao công trình giếng khoan hỗ trợ cộng đồng nghèo xã Trường Xuân
Bàn giao công trình giếng khoan hỗ trợ cộng đồng nghèo xã Trường Xuân
(QBĐT) - Chiều 26/6, Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh tổ chức khánh thành và bàn giao công trình giếng khoan hỗ trợ cộng đồng nghèo xã Trường Xuân. 
Đại hội đại biểu Hội Y học tỉnh Quảng Bình lần thứ IV
Đại hội đại biểu Hội Y học tỉnh Quảng Bình lần thứ IV

(QBĐT) - Sáng nay, 26/6, Hội Y học tỉnh Quảng Bình tổ chức đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024-2029.