Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ-Bài 1: Nhiều chính sách ưu đãi

  • 07:06, 25/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm (ĐTN, GQVL) cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN), góp phần củng cố niềm tin cho lực lượng thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
 
Xuất ngũ trở về địa phương, tham gia học nghề và tìm được việc làm phù hợp với ngành học đã mấy năm nay, đến bây giờ, anh Hoàng Văn Toàn (SN 1988) ở thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy (Lệ Thủy) vẫn luôn cảm thấy mình là người may mắn. Anh bảo, trước đó, khi chưa nhập ngũ, mọi thứ với anh rất mơ hồ, nhất là việc định hướng nghề nghiệp tương lai. Thế rồi, khi vào quân ngũ, được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, anh Toàn không ngừng nỗ lực trau dồi, phấn đấu và sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ, anh mạnh dạn đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.
 
Siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi, anh Toàn nhanh chóng nâng cao tay nghề nấu nướng và sau khi hoàn thành khóa học, anh được nhận vào làm việc tại Trường mầm non Trường Thủy (Lệ Thủy). “Sớm được tiếp cận với chính sách hỗ trợ ĐTN cho BĐXN, nên tôi không phải mất nhiều thời gian để loay hoay tìm kiếm con đường mưu sinh và gia đình cũng bớt gánh nặng lo chi phí học hành cho tôi. Tôi rất may mắn khi sớm có được công việc ổn định theo đúng ngành nghề mình đã lựa chọn”, anh Toàn chia sẻ.
Bùi Minh Hùng (giữa) là một trong số ít bộ đội xuất ngũ đăng ký học cao đẳng chế biến món ăn tại Trường cao đẳng nghề Quảng Bình.
Bùi Minh Hùng (giữa) là một trong số ít bộ đội xuất ngũ đăng ký học cao đẳng chế biến món ăn tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình.
Chưa may mắn có được công việc ổn định ngay sau học nghề, nhưng cơ hội ĐTN sau xuất ngũ đã mở ra cho anh Nguyễn Ngọc Tuynh (SN 2002) ở thôn Xuân Tùng, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) một hướng đi mới với nhiều kỳ vọng. Nhập ngũ từ năm 2021, sau 2 năm rèn luyện trong Quân đội, anh Tuynh xuất ngũ trở về địa phương. Với tấm thẻ học nghề được cấp, anh nhanh chóng đăng ký học lớp vận hành máy thi công nền tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình và được miễn hoàn toàn học phí của khóa học. Cần cù, chịu khó học hỏi nên anh Tuynh nắm khá vững kiến thức. Anh cho biết, dự định hiện tại của bản thân là đi xuất khẩu lao động, tìm công việc phù hợp với ngành học được đào tạo. Trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục, anh Tuynh xin phụ lái máy cho một số cơ sở để nâng cao thêm tay nghề, kinh nghiệm, làm tiền đề phục vụ tốt hơn cho công việc sau này.
 
Được định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ chi phí học nghề, xuất khẩu lao động… là những ưu đãi mà lực lượng BĐXN nhận được sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Theo thống kê từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hàng năm, 100% quân nhân xuất ngũ có nhu cầu đã được cấp thẻ học nghề. Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 894 BĐXN được cấp thẻ học nghề.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đinh Thị Ngọc Lan, BĐXN học nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu và có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp. Trường hợp BĐXN học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng thì được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề theo quy định. Nhà nước thanh toán 100% chi phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề căn cứ vào thẻ học nghề. Trường hợp chi phí đào tạo của nghề học cao hơn giá trị của thẻ học nghề, thì người học tự chi trả phần chênh lệch cho cơ sở dạy nghề.
 
Thực tế, thời gian qua, chính sách hỗ trợ ĐTN, GQVL cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và số lượng người thụ hưởng chính sách tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 51 BĐXN tham gia học nghề từ chính sách hỗ trợ thẻ học nghề thì năm 2019 tăng lên 91 người, năm 2021 tăng 311 người và 9 tháng năm 2023 là 515 người.
 
Bên cạnh việc được hỗ trợ chi phí ĐTN, BĐXN còn được hỗ trợ khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Điều 2, Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa XVIII, những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội được hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/người khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 

Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB-XH, từ năm 2016 đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 1.670 BĐXN được hỗ trợ kinh phí ĐTN với số tiền hơn 20 tỷ đồng; trong đó, đào tạo tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình 461 người, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình 257 người, Trường trung cấp Nghề Bình Minh 932 người và Trường trung cấp Nghề Bắc miền Trung 20 người.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ riêng đối với lực lượng này. Đơn cử như huyện Quảng Ninh. Nghị quyết số 25/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của HĐND huyện Quảng Ninh khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 quy định hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an từ năm 2021 về sau đi lao động nước ngoài. Theo số liệu từ Phòng LĐ-TB-XH huyện, năm 2023, toàn huyện có 8 trường hợp BĐXN từ năm 2021 trở về sau được hỗ trợ kinh phí đi xuất khẩu lao động và từ đầu năm 2024 đến nay có 12 trường hợp đã được thẩm định hồ sơ hỗ trợ xuất cảnh, trong đó, 4 trường hợp đã có quyết định và 8 trường hợp đang trình.
 
Mỗi năm, tỉnh ta có hàng trăm quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. GQVL cho BĐXN là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Công tác này không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế mà còn thiết thực động viên lớp thanh niên mới hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Nhận rõ vấn đề này, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm triển khai nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng này vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều quân nhân xuất ngũ đã phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực phấn đấu, trở thành những kỹ sư, công nhân lành nghề hoặc cán bộ, đảng viên ưu tú trong hệ thống chính trị tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp...
 
Tâm An
 
Bài 2: Còn nhiều trăn trở

tin liên quan

Vốn vay chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Vốn vay chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp

(QBĐT) - Nhờ có vốn vay tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển những mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao, qua đó thúc đẩy ngành Nông nghiệp ngày càng phát triển.

Tăng cường tuyên truyền về dừng công nghệ 2G và phổ cập điện thoại thông minh
Tăng cường tuyên truyền về dừng công nghệ 2G và phổ cập điện thoại thông minh

(QBĐT) - Sở Thông tin và Truyền thông vừa ban hành công văn số 1130/STTTT-CĐS về việc tiếp tục tăng cường triển khai tuyên truyền về dừng công nghệ 2G và phổ cập điện thoại thông minh.

Lệ Thủy: Khen thưởng các hộ dân tự nguyện hiến đất tại xã Phú Thủy
Lệ Thủy: Khen thưởng các hộ dân tự nguyện hiến đất tại xã Phú Thủy

(QBĐT) - Ngày 25/6, huyện Lệ Thủy tổ chức khen thưởng đột xuất cho hai hộ dân ở xã Phú Thủy đã tự nguyện hiến đất phục vụ xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn.