Chung sức chăm lo, bảo vệ trẻ em

  • 07:06, 01/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương toàn tỉnh còn tích cực huy động nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo, hỗ trợ trẻ em (TE) có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ. Qua đó, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi để TE được học tập, vui chơi, bảo đảm các quyền cơ bản để phát triển toàn diện.
 
Trao yêu thương
 
Gần 1 tháng nay, em Trần Thị Thùy Dương, học sinh lớp 7.1, Trường THCS Tân Ninh (Quảng Ninh) đã không còn phải đến trường trên chiếc xe đạp cũ, thường xuyên hỏng hóc nữa, bởi em đã có chiếc xe đạp mới của riêng mình. Đó là món quà mà Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện đã trao tặng cho Dương trong dịp hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2024.
 
“Hoàn cảnh em Thùy Dương rất đáng thương. Mồ côi bố, mẹ làm tạp vụ tại bệnh viện, thu nhập thấp nên cuộc sống gia đình em rất chật vật, thiếu thốn. Dương và anh trai (đang học THPT) phải thay nhau đến trường bằng chiếc xe đạp cũ kỹ được người họ hàng cho đã lâu. Hôm nào, hai anh em trùng lịch học, Thùy Dương phải đi nhờ xe của bạn. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình em, Hội CTĐ huyện đã quyết định trao tặng cho Thùy Dương một chiếc xe đạp mới. Hy vọng, với chiếc xe đạp ấy, em sẽ có thêm động lực đến trường, phấn đấu học tập tốt để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Quảng Ninh Phạm Thị Hồng Minh chia sẻ.
 
Cùng với Trần Thị Thùy Dương, nhiều TE nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, mồ côi… trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành, địa phương, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Sự quan tâm ấy tuy không thể bù đắp hết những thiếu thốn, thiệt thòi của các em mà còn là động lực để các em vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
 
Suốt thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị đã nỗ lực hết mình để huy động thật nhiều nguồn lực cùng chung tay nâng bước đến trường cho nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn; trao tặng nhiều suất quà ý nghĩa, khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn TE và tổ chức các hoạt động, xây dựng nhiều mô hình thiết thực hướng đến TE...
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện.
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Tổ chức Zhishan Foundation Taiwan đã dành hơn 2 tỷ đồng để trao tặng học bổng cho 761 TE đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng; bàn giao, lắp đặt thiết bị thư viện thuộc dự án “Làm bạn với sách” tại Trường mầm non Khương Hà và Trường tiểu học Lý Trạch (Bố Trạch), bổ sung sách truyện, kinh phí kể chuyện, cấp phát sổ tay học sinh cho các trường với tổng trị giá 357 triệu đồng.
 
Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Sở Y tế, 273 trẻ vị thành niên tại xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy (Lệ Thủy) đã được xét nghiệm sàng lọc miễn phí; 100% TE dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh và cấp thẻ BHYT miễn phí; gần 100% TE dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng. Tỉnh đoàn đã trao gần 14.030 suất quà cho thiếu nhi nghèo với trị giá hơn 4,5 tỷ đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận giúp đỡ 980 TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 14,4 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển trên địa bàn tỉnh trực tiếp đỡ đầu 300 TE, với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng…
 
Có thể thấy, từ sự chung tay của các cấp, ngành, cộng đồng, xã hội, đã có nhiều học sinh nghèo hiếu học được hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp tục đến trường, viết tiếp giấc mơ học hành có nguy cơ dang dở; hàng nghìn TE vùng sâu, vùng xa được nhận những món quà ý nghĩa, thiết thực và biết bao TE được quan tâm, chăm sóc để vững tin hơn trên đường đời đầy gian khó...
 
Nỗ lực bảo vệ trẻ em
 
“TE là tương lai của đất nước. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ có vai trò quan trọng nhằm bảo đảm trẻ được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tích cực, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE. Đặc biệt, công tác bảo vệ TE được thực hiện đồng bộ trên cả 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp”, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hồ Tân Cảnh chia sẻ.
 
Ở cấp độ phòng ngừa, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác TE các cấp được đẩy mạnh. Sở LĐ-TB-XH đã tích cực hợp tác với các tổ chức, như: Plan, Zhishan Foundation Taiwan, PeaceTrees VietNam tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác TE cấp huyện, xã và giáo viên, phụ huynh về bảo vệ TE tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng; hỗ trợ nạn nhân bom mìn, con em nạn nhân bom mìn...
 
Sở Y tế duy trì hiệu quả mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các xã, phường, thị trấn và trường học; tổ chức tập huấn, truyền thông, cung cấp kiến thức sinh sản cho học sinh và giáo viên của các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh... Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh kiểm tra, rà soát các trang thiết bị phục vụ cho TE tại các điểm vui chơi, giải trí nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ, đặc biệt trong dịp nghỉ hè…
 
Ở cấp độ hỗ trợ, nhiều hộ nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt đã được tiếp cận các chính sách, qua đó cải thiện điều kiện sống của TE. Các xã, phường, thị trấn, cơ sở trợ giúp xã hội tiến hành hỗ trợ, can thiệp những trường hợp TE bị xâm hại, bạo lực. Tính đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh.
 
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã hoàn thành 19 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho 19 TE. Công an tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình “Chung tay phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” tại xã Nhân Trạch (Bố Trạch) và An Thủy (Lệ Thủy). Đến nay, mô hình đang quản lý, cảm hóa 13 TE, từng bước giúp các em nhận thức được các hành vi sai trái của mình và chăm chỉ học tập…
 

Theo số liệu rà soát, thống kê từ Sở LĐ-TB-XH, toàn tỉnh hiện có 257.253 TE dưới 16 tuổi, trong đó có 3.577 TE hoàn cảnh đặc biệt, 10.702 TE thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, 2.887 trẻ mồ côi, 57 TE bị bỏ rơi, 74 TE không nơi nương tựa, 3.855 TE bị khuyết tật, 19.001 TE thuộc hộ nghèo, cận nghèo...

Ở cấp độ can thiệp, Sở Y tế chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý các bà mẹ mang thai và TE từ 0-6 tuổi để phát hiện và can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khi nhận được thông tin TE bị xâm hại, triển khai ngay việc chăm sóc về y tế, tâm lý cho TE. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã hỗ trợ, can thiệp, tư vấn, tham vấn kịp thời cho các trường hợp TE bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và có nguy cơ bị bỏ rơi, giúp các em vượt qua được giai đoạn khó khăn, bớt tự ti, mặc cảm, tự tin hơn vào bản thân và sớm hòa nhập cộng đồng...

Với sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ bằng những quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ thiết thực từ các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục TE thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần giúp TE được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh, còn không ít TE vẫn sống trong cảnh nghèo khó, phải chịu thiệt thòi, ấm ức. Chính vì vậy, cần nhiều hơn nữa sự chung tay, vào cuộc của cộng đồng, xã hội để công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục TE được duy trì thường xuyên, liên tục và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Tâm An

 

tin liên quan

Chi trả hơn 1 tỷ đồng bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp
Chi trả hơn 1 tỷ đồng bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp
(QBĐT) - Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, từ năm 2023 đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 100 lao động bị tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp được quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp chi trả với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.
 
Những "điểm tựa" của bản làng
Những "điểm tựa" của bản làng

(QBĐT) - Ở những bản làng vùng cao huyện miền núi Minh Hóa, người có uy tín được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ví như những "cây đại thụ" giữa rừng, là điểm tựa cho dân bản hướng tới cuộc sống ấm no, yên bình.

Triển lãm "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số"
Triển lãm "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số"

(QBĐT) - Chiều 31/5, trong khuôn khổ triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số" thuộc Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn 2021-2030.