(QBĐT) - Với lợi thế “biển rừng liền nhau” cùng nhiều danh thắng nổi tiếng, Quảng Bình đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương, đặc biệt là trong mùa hè. Vậy nên vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh, ngành Y tế cùng các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và cấp bách.
Xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm
Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng BCĐ ATTP tỉnh Phan Thanh Hải cho biết: Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, ngay từ đầu năm, ngành Y tế cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Với quan điểm thống nhất, xuyên suốt: Xử lý, xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng và các địa phương đã phối hợp thanh tra, kiểm tra 4.855 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm. Kết quả, có 587 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 12%; đã xử phạt vi phạm hành chính 46 cơ sở với tổng số tiền hơn 310 triệu đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm và tiêu hủy hơn 230 triệu đồng.
Lý do vi phạm chủ yếu là sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; bảo quản thực phẩm không bảo đảm an toàn; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hiệu lực; sản phẩm nhập khẩu chưa có đầy đủ nhãn phụ theo quy định; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; vi phạm lĩnh vực về giá, về hàng nhập lậu, kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận về thời hạn sử dụng hàng hóa trên nhãn hàng hóa...
Kiểm tra, giám sát các mối nguy về ATTP đối với hàng tiêu dùng phổ biến trong mùa hè.
Bên cạnh đó, công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm cũng đã được triển khai thực hiện hàng tháng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng đã lấy 188 mẫu thực phẩm và 28 mẫu dụng cụ để kiểm nghiệm bằng test nhanh giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm phổ biến tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 216/216 mẫu âm tính với thuốc thử, chiếm tỷ lệ 100%. Tiến hành lấy 32 mẫu thực phẩm phục vụ hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa, kết quả 32 mẫu đạt chất lượng.
Ngoài ra, tại tuyến huyện đã tiến hành test nhanh giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm phổ biến tại các chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đối với 417 mẫu thực phẩm và 451 dụng cụ chứa đựng thực phẩm. Kết quả có 864/868 mẫu âm tính với thuốc thử, chiếm tỷ lệ 99,5% (có 4 mẫu dụng cụ chứa đựng thực phẩm không đạt). Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai kiểm tra, giám sát mẫu thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản, đã lấy 28 mẫu test nhanh và kết quả là 28 mẫu đều âm tính.
Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì ATTP” (từ ngày 15/4-15/5), toàn tỉnh đã thành lập 167 đoàn liên ngành (trong đó, tuyến tỉnh 5 đoàn, tuyến huyện 10 đoàn và tuyến xã 152 đoàn để thanh tra, kiểm tra 2.272 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra, có 1.957 cơ sở đạt chất lượng; phát hiện 315 cơ sở vi phạm (tập trung chủ yếu ở tuyến xã 206 cơ sở vi phạm). Các đoàn liên ngành đã xử lý vi phạm 17 cơ sở, với tổng số tiền phạt gần 95 triệu đồng; buộc thu hồi hơn 350kg thực phẩm, buộc tiêu hủy 48 đơn vị sản phẩm với tổng trị giá hàng hóa trên 20 triệu đồng; đồng thời, tuyên truyền nhắc nhở nhiều cơ sở về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP.
Các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sơ kinh doanh dịch vụ ăn uống mùa du lịch.
Không để xảy ra sự cố về ngộ độc thực phẩm
Thời gian vừa qua, tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, nhất là học sinh và công nhân tại các khu công nghiệp-đây là những hồi chuông cảnh báo và cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo đảm ATTP trong tình hình mới.
Tại Quảng Bình, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và đơn vị chức năng của ngành Y tế, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn, nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 5 người mắc tại xã Dân Hóa (Minh Hóa), trong đó 3 người phải điều trị ở cơ sở y tế, không có trường hợp tử vong; số ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ trên địa bàn tỉnh ghi nhận 150 ca, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc sản ẩm thực Quảng Bình được nhiều du khách ưa chuộng, nên vấn đề bảo đảm ATTP cần được đặt lên hàng đầu để phát triển bền vững.
Đặc biệt, công tác bảo đảm ATTP phục vụ các sự kiện lớn và đột xuất trong tỉnh đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả, như: Chương trình Chào đón năm mới 2024; bảo đảm ATTP phục vụ các chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn công tác của một số tỉnh nước bạn Lào, Nhật Bản tại Quảng Bình; giám sát bảo đảm ATTP phục vụ các giải thể thao quốc gia và đặc biệt là lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh.
Trong thời gian trước và khi diễn ra các sự kiện trên, Sở Y tế đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ sở, địa phương nơi tổ chức sự kiện để tiến hành đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATTP, không để xảy ra sự cố về ngộ độc thực phẩm; bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho các đại biểu, du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự.
“Hiện các đơn vị chức năng ngành Y tế đang chủ động giám sát bảo đảm vệ sinh ATTP, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, cảnh báo các nguy cơ gây ô nhiễm đối với các loại thực phẩm có nguy cơ cao, được tiêu dùng phổ biến... nhằm bảo đảm ATTP phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra các sự cố về ATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe thí sinh và phụ huynh”, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lê Minh Tiến cho biết thêm.
Thay đổi nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ bảo đảm ATTP những tháng cuối năm 2024 của BCĐ ATTP tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ ATTP tỉnh Hoàng Xuân Tân nhấn mạnh: Công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều cố gắng, song vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ATTP trong thời gian tới, nhất là trong mùa du lịch năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp với tinh thần chủ động ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ đầu, phải xác định nhiệm vụ bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là “nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và cấp bách” của cơ quan, đơn vị, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân và cộng đồng.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, công tác truyền thông phải đi trước một bước.
Đồng thời, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp và truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội để tạo sự đồng bộ, thống nhất và xuyên suốt. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng cần chú trọng truyền thông, hướng dẫn cho người SXKD hiểu, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người SXKD trong việc đăng ký SXKD và chứng nhận ATTP các sản phẩm của mình; lan tỏa các cơ sở bảo đảm ATTP, có giấy phép về ATTP.
Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ ATTP tỉnh nêu rõ, công tác quản lý ATTP phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm, từ xa, trong suốt quá trình SXKD, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, người tiêu dùng thông thái. Vậy nên công tác truyền thông phải đi trước một bước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo đảm ATTP phù hợp với từng nhóm đối tượng: Người SXKD, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước. Nội dung tuyên truyền phải được xây dựng trên nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, phù hợp với các nội dung nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm ATTP.
Để bảo đảm ATTP cho Tuần Du lịch Quảng Bình năm 2024 (từ ngày 6-13/7), UBND tỉnh giao Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bố trí lực lượng trực sơ cứu, cấp cứu trong các tình huống đối với chương trình nghệ thuật Tuần Du lịch Quảng Bình năm 2024, sự kiện Legend Summer Festival, chương trình Huda Beach Carnival, hội thảo phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình; kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đối với lễ hội ẩm thực trong sự kiện Legend Summer Festival.
(QBĐT) - Trong 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đẩy mạnh giải ngân cho vay các chương trình tín dụng CSXH. Qua đó, tạo sinh kế cho nhiều hội viên phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW.
Ngày Gia đình Việt Nam là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình cùng nhau nhìn lại, cùng gần gũi, quan tâm, chăm sóc nhau; các gia đình cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.