(QBĐT) - Để tai nạn đuối nước không còn là nỗi ám ảnh của bao người, các cấp, ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình cần chung tay tích cực vào cuộc bằng những giải pháp cụ thể, rõ ràng, hiệu quả. Đã đến lúc phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt và kịp thời!
Cần lắm sự chung tay
Bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đuối nước (PCĐN) cho học sinh (HS). Ngành đã triển khai hiệu quả chương trình “Giáo dục an toàn dưới nước” từ năm 2016 với nhiều hoạt động nhằm trang bị cho HS các kỹ năng cần thiết như cứu hộ, cứu đuối… và các biện pháp bảo đảm an toàn trong môi trường nước.
Hiện tại, toàn tỉnh có 65 bể bơi ở các trường học. Một số địa phương thực hiện tốt việc huy động nguồn lực để xây dựng bể bơi và triển khai hiệu quả hoạt động dạy bơi, phổ cập môn bơi cho HS như các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới.
![]() |
Đồng hành với ngành GD-ĐT trong công tác PCĐN cho HS là dự án bơi an toàn (Swim for life) thuộc tổ chức nhân đạo Golden West. Từ sự hỗ trợ của dự án đã có rất nhiều HS được học bơi miễn phí, nhiều giáo viên (GV), cán bộ làm công tác Đoàn, GV tổng phụ trách Đội trong các trường học được bồi dưỡng nghiệp vụ dạy bơi an toàn, được trang bị kỹ năng sơ cứu, cấp cứu...
Nhiều trường học đã đẩy mạnh công tác dạy bơi trong hoạt động giáo dục chính khóa, ngoại khóa, nhất là các dịp hè, tạo điều kiện cho HS thực hành diễn tập cứu đuối, sơ cấp cứu người bị nạn… Đặc biệt, hàng năm, môn bơi luôn được đưa vào trong các giải thi đấu thể thao, Hội khỏe Phù Đổng của ngành, tạo cho HS những sân chơi bổ ích để rèn luyện sức khỏe. Qua đó, đẩy mạnh phong trào bơi lội trong trường học, đồng thời phát hiện nhiều tài năng thể thao, nhất là những HS có năng khiếu về bơi lội. Nhiều HS được tuyển chọn đào tạo vận động viên bơi lội của tỉnh.
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, do đó cần được triển khai bằng các giải pháp đồng bộ với sự chung tay của các ngành, đơn vị, địa phương và mỗi người dân. Về phía ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy bơi, học bơi, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy bơi trong trường học. Ngành đã và đang phối hợp chặt chẽ với tổ chức Golden West tiếp tục thực hiện dự án bơi an toàn tập trung vào những hoạt động chính, như: Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy bơi cho GV các trường học; hỗ trợ thiết bị dạy bơi, hỗ trợ việc dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Cùng với việc tăng cường các hoạt động truyền thông về PCĐN và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan cắm biển báo ở những nơi không bảo đảm an toàn như bến sông, suối, đập tràn, hố nước sâu nguy hiểm để cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho HS, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy bơi cho HS; đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, các tổ chức đoàn thể, gia đình trong quản lý HS, con em nhất là trong thời gian nghỉ hè năm 2024.
NH.V (thực hiện)
Xã hội hóa nguồn lực mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em
Anh Đinh Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh
Quảng Bình hiện có hơn 250.000 trẻ em, trong đó có 99.152 đội viên, thiếu niên và 48.651 nhi đồng, ngoài ra còn có lực lượng lớn thanh, thiếu niên. Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ biết bơi của đội viên, nhi đồng và thanh, thiếu niên còn thấp.
Quảng Bình là địa phương có đường bờ biển dài, nhiều ao hồ, sông suối, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất lớn, những năm gần đây, tình trạng đuối nước, nhất là trong dịp hè đã trở nên báo động. Năm 2024, mới đầu mùa hè nhưng trên địa bàn đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Để góp phần hạn chế nguy cơ đuối nước ở trẻ em, đặc biệt là dịp hè-thời điểm học sinh được nghỉ học, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên và toàn xã hội về phòng, tránh đuối nước ở trẻ em, tập trung nâng cao cấp độ cảnh báo về nguy cơ đuối nước đối với trẻ em.
![]() |
Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả vai trò của các đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ trên địa bàn dân cư để triển khai các lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước; phòng, chống tai nạn thương tích; tổ chức kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ đuối nước. Đặc biệt là tổ chức tốt công tác bàn giao học sinh về sinh hoạt hè trên địa bàn dân cư. Nội dung sinh hoạt hè tập trung gắn với các hoạt động dạy bơi, học bơi vì môi trường an toàn, không tai nạn đuối nước.
Thời gian tới, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tiếp tục vận động nguồn lực xã hội hóa để mở các lớp dạy bơi miễn phí tại Nhà Thiếu nhi tỉnh và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, có nhiều đoàn viên, thanh niên và tổ chức cơ sở đoàn đã mở các lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh, đây là mô hình hiệu quả cần được tuyên truyền, lan tỏa và đồng hành để từng bước nhân rộng. Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh sẽ nỗ lực kết nối, vận động, ưu tiên nguồn lực để xây dựng các công trình vui chơi, tạo sân chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của các em, góp phần giảm thiểu tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước.
Mỹ Hạnh (thực hiện)
Phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước
Bà Đặng Thị Lý, thôn 2 Bình Minh, xã Trung Hóa (Minh Hóa)
Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trẻ em vùng cao thiếu sân chơi trong dịp hè. Bên cạnh đó, việc ra khe, suối bắt ốc, mò cua gần như được xem là việc thường nhật để các em phụ giúp cha mẹ kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Vì thế, nguy cơ xảy ra đuối nước luôn chực chờ.
Với địa hình khe suối khá dày đặc, gần như năm nào, trên địa bàn huyện Minh Hóa cũng xảy ra đuối nước. Từ đầu năm đến nay, ít nhất đã xảy ra 3 vụ, tước đi sinh mạng của nhiều người, chủ yếu là các em học sinh. Đặc biệt, có những vụ đuối nước, nạn nhân là anh chị em ruột, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phần lớn là do các em ra sông suối tắm giải nhiệt vào mùa nắng nóng, đây cũng là thói quen của nhiều người dân ở Minh Hóa các vùng gần khe suối, hồ đập. Ngoài ra, việc trẻ em tụ tập thành nhóm ra khe suối bắt ốc, bắt cá gần như là công việc thường ngày nhằm kiếm thêm thu nhập hay phục vụ bữa cơm cho gia đình. Và cũng bởi điều kiện kinh tế khó khăn, người lớn trong nhà thường đi làm ăn xa, thiếu sự quan tâm, giám sát nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước.
![]() |
Để chủ động trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em, rất cần sự vào cuộc, quan tâm đúng mức của các bậc phụ huynh, nhà trường, chính quyền địa phương và toàn xã hội. Có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như thường xuyên căn dặn con em trước khi ra khỏi nhà, rời ghế nhà trường về ẩn họa đuối nước từ khe suối, hồ đập. Các địa phương cần cắm biển cảnh báo, phòng tránh đuối nước tại các vị trí khe suối có nguy cơ cao.
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, nhất là mở các lớp, khóa học bơi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng cho trẻ em, học sinh ở từng trường học, lớp học… để các em biết và tuân thủ các quy định nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho bản thân.
Và trên hết, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức về phòng tránh đuối nước, tuyệt đối không để con em tự do ra khe suối tắm, không để trẻ em đi bắt ốc, cá ở những khe suối lớn khi không có người lớn đi cùng.
X.Phú (thực hiện)