![]() |
Tôi hỏi anh... có “khắc cốt ghi tâm” sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 hay không? Anh dứt khoát: “Nhớ... Tuổi trẻ Quảng Bình thời đó luôn noi gương Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, tiên phong ra Trường Sa”. Xuất phát từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), sau 3 ngày 3 đêm, tàu vận tải đưa anh Lương Xuân Đức cùng đồng đội cập đảo Sinh Tồn Đông thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, bắt đầu cuộc sống người lính “nơi đầu sóng ngọn gió”.
Đảo Sinh Tồn Đông vốn nằm trên rặng san hô, chủ yếu là nền cát nên các loại cây xanh chỉ là bàng vuông, phi lao, phong ba... Theo dòng ký ức, CCB Trường Sa Lương Xuân Đức kể: Nước ngọt, rau xanh là vấn đề rất khó khăn ở đảo, trong khó khăn, cánh lính đảo nảy ra nhiều sáng kiến để đời.
Về chế độ tắm, trong tổ công tác của anh Đức quy định lúc nào đến phiên ai nấu cơm mới được tắm. Một lần tắm dùng không quá 4 lít nước. Khoảng 6 ngày mới đến phiên tắm nước ngọt. Trước khi tắm nước ngọt, người lính phải ngâm mình trong nước biển, gội rửa sạch sẽ bằng nước biển. Cách tắm cũng rất sáng tạo, trong khoảng 4 lít nước ngọt “định mức” ấy, cố gắng tắm gội sạch, không thể nào rơi rớt, phung phí... dù chỉ là một giọt nhỏ.
Nước ngọt sau khi cánh lính đảo tắm xong được dẫn vào một bể chứa dùng tưới cho rau xanh trồng trong các thùng đạn và giá đỗ vùi dưới cát san hô. Lính đảo Sinh Tồn Đông “nuôi” rau chủ yếu là rau muống hạt. Hiếm rau xanh... nên mỗi cây rau muống ở đảo Sinh Tồn Đông đi vào bữa ăn của lính đảo phải được kiểm đếm rất rõ ràng.
CCB Trường Sa Lương Xuân Đức hiện đang công tác tại Văn phòng Công ty Điện lực Quảng Bình. Ước mơ luôn cháy bỏng trong anh là được một lần thăm lại quần đảo Trường Sa, nơi một thời trai trẻ mình từng làm lính đảo.
|
Thời điểm Lương Xuân Đức đóng quân ở đảo Sinh Tồn Đông, rau xanh cực hiếm, thế nên lính đảo nảy ra sáng kiến trồng thêm giá đỗ cải thiện. Theo lời anh kể, để làm được giá đỗ, lính đảo đào hố nhỏ giữa cát san hô, dưới đáy hố trải một lớp bao bố đựng gạo, kế đến xếp một lớp lá bàng vuông. Tiếp theo, cho đậu xanh ủ nước từ trước xuống, kế đến phủ kín thêm lớp lá bàng vuông. Cuối cùng, phía trên mặt che lớp bao bố. Xong xuôi... lấp cát lại. Ba ngày sau đào lên, giá đỗ chẳng phụ công người!
Lính đảo toàn đàn ông. Làm bạn với lính đảo là những chú chó. Lính đảo chân chất nhưng cũng rất yêu đời, nên những chú chó sinh ra và sống trên đảo “bị” phân thành hai phe và “được” đặt những cái tên thật kêu, thật nổi tiếng tùy theo giới tính. “Trộm vía chơ! Rứa mà nguôi nỗi nhớ nhà”.
Tết trên đảo Sinh Tồn Đông
CCB Trường Sa Lương Xuân Đức ra đảo Sinh Tồn Đông tháng 10/1991 và đón Tết cổ truyền Nhâm Thân năm 1992 trên đảo. Anh chia sẻ: “Đó là một cái Tết với nhiều kỷ niệm tôi mang theo suốt cuộc đời!”.
![]() |
Vốn dĩ, bộ phận phục vụ trên đảo Sinh Tồn Đông có thiếu úy, bác sĩ Cao Văn Tuấn (SN 1962), quê quán huyện Thanh Hà (Hải Dương). Bác sĩ Tuấn là con trai một, lấy vợ tròn 3 tháng thì lên đường ra Trường Sa. Ngoài bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, thương lính đảo thiếu thốn trăm bề, thỉnh thoảng bác sĩ Tuấn “cải thiện” cho mọi người một bữa canh chua được pha từ nước cất và vài viên Vitamin C. Nhưng phải “dăm bữa, nửa tháng” mới đến dịp “cải thiện” của bác sĩ Cao Văn Tuấn.
“Tết năm đó... tôi cứ day dứt mãi. Toàn đảo chuẩn bị một cái Tết cổ truyền ấm cúng, có đầy đủ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”... theo tàu từ đất liền ra. Tết đầu tiên của đời lính đảo, nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc, chúng tôi ai cũng háo hức đón chờ... Nhưng rồi, đúng đêm giao thừa, bác sĩ Cao Văn Tuấn mất đột ngột”-anh Lương Xuân Đức bồi hồi nhớ lại-“Chúng tôi chia nhau vòng quanh đảo tìm từng miếng ván về ghép lại thành áo quan, làm lễ truy điệu, chôn cất đồng đội... Và rồi những ngày Tết, bên phần mộ bác sĩ Cao Văn Tuấn luôn luôn có mặt chúng tôi túc trực”.
Sau một năm đóng quân trên đảo Sinh Tồn Đông, anh Lương Xuân Đức được trở vào đất liền, sau đó ra quân về với gia đình, quê hương. “Đã 32 năm trôi qua tính từ ngày đặt chân lên sóng nước Trường Sa, nhớ lại kỷ niệm một thời lính đảo, trái tim mình vẫn bồi hồi, vẹn nguyên hình bóng Trường Sa”, anh Đức chia sẻ.