Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai
07:12, 18/12/2023
(QBĐT) - Thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đặc biệt chú trọng. Các nội dung và hình thức truyền thông trong PCTT đã có nhiều đổi mới, linh hoạt, từ đó, giúp người dân chủ động và phối hợp tốt hơn với chính quyền trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Thông tin phải đi trước một bước
Xã An Thủy (Lệ Thủy) là địa phương nằm trong vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập sâu bởi những trận mưa lớn kéo dài gây lũ lụt. Bởi vậy, việc chủ động ứng phó trong mọi tình huống mưa lũ đã được người dân tại địa phương thực hiện quy củ, bài bản.
Chủ tịch UBND xã An Thủy Lê Văn Quyết cho biết, sự chủ động của người dân là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại, hậu quả do thiên tai gây ra. Ở đây, mỗi khi mùa mưa bão đến, từ việc gia cố nhà cửa, dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, nước uống đến các nhu yếu phẩm khác đều được cán bộ thôn, xã đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân kịp thời.
Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) làm nhà phao tránh lũ để “thích ứng với thời tiết”.
“Ngoài tuyên truyền thường xuyên, trước mùa mưa bão và khi dự báo có bão lũ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đều thông tin cụ thể, kịp thời diễn biến tình hình, đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn biện pháp PCTT, cách xử lý khi có những tình huống để người dân nắm rõ, chủ động thực hiện; đồng thời các thôn đều có phương án di dời, bố trí lực lượng xung kích sẵn sàng ứng cứu đối với nhiều hộ dân sống neo đơn, già cả. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, nhóm zalo để thường xuyên trao đổi, kịp thời cập nhật thông tin, tương tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi có tình huống xấu xảy ra và phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó...”, Chủ tịch UBND xã An Thủy thông tin.
Sau trận lũ lịch sử năm 2010, nhiều người dân ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có ý định bỏ đi khỏi làng vì chứng kiến cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy. Nhưng trong “cái khó, ló cái khôn”, năm 2011, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đã sáng chế ra nhà phao chống lũ. Từ đó đến nay, “điểm nóng vùng lũ”, Tân Hóa đã dần “thích ứng với thời tiết” và trở thành một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới.
Chuồng trại chăn nuôi trâu bò được người dân xã Tân Hoá (Minh Hóa) xây dựng lên cao để phòng, chống thiên tai.
“Hiện, xã Tân Hóa có hơn 3.300 nhân khẩu. Thực tế cho thấy, công tác truyền thông về PCTT ở địa phương đã có những tiến bộ vượt bậc, góp phần nâng cao ý thức và hành động PCTT của nhân dân. Để phòng, chống hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, việc nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức cảnh giác và tự giác, chủ động phòng ngừa của người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về công tác PCTT theo phương châm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp. Không chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt cộng đồng, mà đến từng hộ gia đình, với quan điểm thông tin về PCTT phải đi trước một bước...”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Hùng thông tin.
Chủ động ứng phó với thiên tai
Hiện, toàn tỉnh có 85 điểm sạt lở núi với 1.116 hộ, 3.625 khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 8 điểm nguy cơ cao với 273 hộ, 1.131 khẩu bị ảnh hưởng; có 25 khu vực sạt lở bờ sông, biển với tổng chiều dài 53km, trong đó có 5 điểm đặc biệt nguy hiểm cần khắc phục khẩn cấp với tổng chiều dài khoảng 8km; có 31 hồ hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 4 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao, như: Dạ Lam (xã Thái Thủy, Lệ Thủy); Troóc Vực (xã Liên Trạch, Bố Trạch); Khe Cái, Eo Hụ (xã Minh Hóa, Minh Hóa); có 34 vị trí ngầm tràn thường xuyên ngập lụt khi có mưa lớn…
Nhiều tuyến đường ở huyện Lệ Thủy bị sạt lở do mưa lớn.
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) kiêm Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh, những năm qua, công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong PCTT đã có những bước chuyển biến tích cực về cả chất và lượng. Các hoạt động tuyên truyền được tiến hành đa dạng hơn, bám sát thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thông tin của cộng đồng, qua đó góp phần thúc đẩy thay đổi hành vi tích cực, chấp hành, tuân thủ pháp luật, sự chỉ đạo của chính quyền đối với người dân trong PCTT. Từ đó, giúp người dân đã chủ động và phối hợp tốt hơn với chính quyền trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Mặc dù, đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra, tuy nhiên, trong công tác PCTT, Quảng Bình vẫn còn những tồn tại, như: Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng về PCTT còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; một số tuyến đường giao thông đi qua các điểm sông, suối, ngầm tràn thường xuyên bị chia cắt khi mưa lũ, gây nguy hiểm cho người dân cũng như khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu nhu cầu thực tế; một số địa phương vẫn còn chủ quan, còn tình trạng người dân đánh cá, săn bắt trên sông suối khi mưa lũ xảy ra...
Được biết, trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh đã tập trung chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS các cấp; tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương về chủ động phòng, chống mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét; tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đập, hồ chứa, đê điều; tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội xung kích PCTT cấp xã nhằm nâng cao năng lực chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả, chuyên nghiệp; xây dựng phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp các hồ chứa; phương án bảo vệ khu vực trọng điểm, xung yếu; nâng cao chất lượng dự báo, bảo đảm yêu cầu dự báo sớm, kịp thời chính xác diễn biến thiên tai; củng cố mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi trường hợp…
“Dự báo trong thời gian tới, thiên tai vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng cực đoan. Để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong PCTT, góp phần giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến; cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin đến người dân khu vực bị ảnh hưởng; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân ở vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa…”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh cho hay.
(QBĐT) - Thời gian qua, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Bố Trạch đã tăng cường các giải pháp quản lý, kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện.
(QBĐT) - Chiều 18/12, đại diện lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cấp ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh năm 2023 đã trao kinh phí hỗ trợ cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh.