(QBĐT) - Trong lúc dọn nhà, không may, chị H. làm vỡ cái bình cổ mà chồng chị-anh D. rất quý. Hoang mang, lo lắng, chị đứng ngồi không yên, không biết phải mở lời như thế nào khi chồng về vì anh rất quý chiếc bình này. Thế rồi anh về, chị mếu máo “thú tội”:
- Anh à, em lỡ tay làm vỡ mất chiếc bình cổ của anh rồi!
Trái với hình dung của chị, anh D. ôm vợ vào lòng, nhẹ nhàng:
- Vỡ rồi thì thôi, em đừng khóc nữa!
Nghe chồng nói, chị H. như trút bỏ được tảng đá đè nặng trong lòng.
![]() |
Sau khi cơm nước xong, nhân lúc mẹ đi rửa bát, cậu con trai hỏi bố:
- Bố không tiếc chiếc bình ạ?
- Tiếc lắm chứ con!
- Sao bố không mắng mẹ câu nào, còn an ủi mẹ nữa?
- Mắng mẹ liệu chiếc bình có lành lại được không? Con có biết, lúc chiếc bình vỡ, ai là người hoang mang, lo lắng, buồn bã nhất không? Chính là mẹ con đó! Nếu bố mắng hay tỏ thái độ bực tức với mẹ thì sẽ càng đẩy cảm xúc của mẹ đến chỗ tệ hơn, thậm chí tuyệt vọng. Chiếc bình quý thật, nhưng với bố, mẹ quan trọng hơn, tâm trạng của mẹ đáng để bố để tâm hơn. Mẹ vất vả vì gia đình chúng ta nhiều rồi và mẹ đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất!
Nghe xong, cậu con trai ngẫm ra vì sao kết hôn đã mấy chục năm nhưng bố mẹ cậu rất hiếm khi to tiếng với nhau. Đơn giản vì họ thấu hiểu, nhường nhịn nhau.
Tâm An