(QBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 111 chợ đang hoạt động, trong đó, có 2 chợ hạng I, 4 chợ hạng II và 88 chợ hạng III, còn lại là chợ tạm, chợ không phân hạng… Thực tế cho thấy, nhiều chợ đã từ lâu không được sửa chữa, tu bổ hay quy hoạch lại, một số công trình đã xuống cấp, mùa mưa thấm dột, mùa hè nóng bức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy chợ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Điển hình, vụ cháy vào rạng sáng 2/1/2015 tại chợ Ba Đồn (TX. Ba Đồn), thiệt hại hơn 50 tỷ đồng; vụ cháy xảy ra ngày 12/9/2015 tại chợ Hoàn Lão (Bố Trạch), thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng; vụ cháy xảy ra ngày 19/12/2015, tại chợ Troóc (Bố Trạch) thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng… Hay mới đây, ngày 28/9/2023, một vụ cháy lại xảy ra ở chợ Ba Đồn , ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng…
Qua phân tích, những vụ cháy lớn tại các chợ thường xảy ra vào ban đêm (trên 80%) và ngoài giờ hoạt động của chợ; 47% nguyên nhân do hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn về PCCC; 7% nguyên nhân do hàn cắt kim loại; trên 33% nguyên nhân do thắp hương trong chợ, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…
![]() |
Ông Hoàng Trung Sa, Phó Đội trưởng Đội Quản lý chợ Nam Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: Hiện tại, chợ có khoảng 800 hộ tiểu thương tham gia hoạt động mua bán. Nhiều năm qua, công tác PCCC luôn được chú trọng. Mỗi buổi tối, Ban Quản lý chợ bố trí 4 thành viên bảo vệ thường trực và trang bị hệ thống PCCC khá tốt, gồm: 1 máy bơm xăng, 2 máy bơm điện, 60 bình PCCC (2 loại: MFZ8-dạng bột và CO2).
Mỗi tháng, quý, Ban Quản lý chợ tổ chức diễn tập về PCCC một lần, nhằm củng cố kỹ năng PCCC cho đội ngũ tại chỗ của chợ (gồm 22 người) và kiểm tra thiết bị PCCC. Mỗi năm, Ban Quản lý chợ còn tổ chức ký cam kết với các tiểu thương về công tác PCCC để các tiểu thương có trách nhiệm và nâng cao ý thức của mình trong công tác PCCC.
Qua thị sát về một số chợ trên địa bàn tỉnh, ngoài một số chợ lớn còn có một số chợ cấp III, chợ tạm đã lâu không được sửa chữa, cải tạo và hệ thống thiết bị điện thiếu an toàn. Vì thế, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện và có phương án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hệ thống PCCC.
![]() |
Trung tá Dương Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh cho hay: Để thực hiện tốt công tác PCCC, tại các chợ cần thành lập đội ngũ PCCC cơ sở, có đủ lực lượng thường trực để tổ chức tuần tra phát hiện cháy, phải trang bị phương tiện chữa cháy cơ bản phục vụ cho việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy. Các chợ trên địa bàn đều phải xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và huy động nhiều lực lượng để cứu người, tài sản trong tình huống xảy ra cháy. Khi xảy ra cháy, lực lượng tại chỗ và người dân cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114, cho Công an nơi gần nhất; đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện bằng mọi cách, ngăn chặn cháy lan, chữa cháy để cứu người, cứu tài sản. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với chợ trên toàn tỉnh.
Tại các địa điểm kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, tiểu thương thực hiện đầy đủ các điều kiện để bảo đảm an toàn PCCC, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót về PCCC, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC.
Theo số liệu báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 15 trường hợp vi phạm hành chính về PCCC và CNCH, tổng số tiền phạt gần 50 triệu đồng. Song song với công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã lồng ghép tuyên truyền đến người dân, các hộ kinh doanh trong chợ bố trí hàng hóa phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các thiết bị điện, không tàng trữ xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ... |
Phương Hiền