Thương vợ chồng già nuôi con bạo bệnh

  • 08:09, 10/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 16 năm qua, chị Trần Thị Luân (SN 1981) ở thôn Thống Nhất, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) phải chịu cảnh đau đớn bởi căn bệnh viêm tủy sống cắt ngang. Để chữa trị cho con, cha mẹ chị Luân phải bán cả đàn bò, vay mượn khắp nơi nhưng bệnh tình của con vẫn không giảm. Nay sức cùng lực kiệt, cuộc sống của đôi vợ chồng già lại càng cùng cực hơn…
 
Trở về từ chiến trường, năm 1975, bệnh binh Trần Trọng Huỳnh (SN 1946) kết duyên với cựu thanh niên xung phong Lê Thị Tiến (SN 1952). Ông bà sống với nhau hạnh phúc và sinh được 6 người con. Các con của ông đều khỏe mạnh và lớn lên bình thường. Nhưng điều không may lại đến với người bệnh binh già khi đứa con gái út của ông là Trần Thị Luân mắc bệnh viêm tủy sống từ năm 2007 khiến đôi chân bị liệt hoàn toàn.
Bà Tiến đang chăm sóc cho chị Luân.
Bà Tiến đang chăm sóc cho chị Luân.
Ông Huỳnh chia sẻ: “Con cái của tôi đông nhưng chúng cũng không khá giả gì. Hiện, 3 đứa sinh sống ở xa nhà, 2 đứa con gái lập gia đình ra ở riêng trong thôn nhưng cuộc sống còn nhiều vất vả. Ngày Luân bị bệnh nặng, tôi đã bán đàn bò gần chục con để chữa trị cho cháu nhưng bệnh vẫn không giảm. Giờ đây, cháu chỉ nằm, ngồi một chỗ nên mọi việc vệ sinh, ăn uống vợ chồng tôi đều thay nhau làm”.
 
Ngày chị Luân đổ bệnh, bà Tiến phải đưa con vào TP. Hồ Chí Minh, Huế, rồi về Đồng Hới để chữa trị, chăm sóc gần 2 năm trời. Ông Huỳnh thì về xã Lộc Thủy thuê ruộng làm để kiếm cái ăn. Lúc nông nhàn, ông lại đi làm thuê, làm mướn đủ nghề để lo tiền thuốc cho con. Vài năm trở lại đây, do tuổi cao, sức yếu, ông bà không làm ruộng được nữa mà chỉ trồng rau, sắn trong mảnh vườn nhỏ.
 
Thời gian đầu chị Luân mắc bệnh, ông Huỳnh, bà Tiến trải qua vô vàn gian nan, khổ cực khi tìm cách chạy chữa cho con. Không ít lần người lính già năm xưa rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh con bị bệnh tật hành hạ.
 
Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm tủy sống cắt ngang là một tình trạng nhiễm khuẩn ở xương, bao gồm tủy xương hay mô mềm quanh xương do vi khuẩn gây ra. Ban đầu, bệnh nhân thường có các triệu chứng sốt cao, đau, sưng, nóng đỏ vùng viêm, thậm chí có thể bùng nhùng mủ ở phần tổn thương, khó khăn trong đi lại... Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị bại liệt lâu dài.
“Để chữa bệnh cho con, kinh tế gia đình kiệt quệ. Hiện, nhiều khoản vay mượn của gia đình vẫn chưa trả được, trong nhà cũng không còn tài sản giá trị để bán nữa. Nhưng lo nhất là khi vợ chồng tôi ngày càng già yếu, chết đi sẽ không ai lo cho con”, bà Tiến thở dài...
 
Là bệnh binh nên mắt ông Huỳnh ngày càng mờ yếu, tai điếc. Mỗi khi trái gió trở trời, ông lại đau nhức toàn thân, chỉ riêng vận động đã rất khó chứ chưa nói đến làm việc gì. Những lúc như thế, một tay bà Tiến vừa phải chăm sóc cho hai người bệnh, vừa phải lo vườn tược. Bà Tiến cho hay, tiền phụ cấp bệnh binh của ông Huỳnh và chế độ của con gái chưa đủ để thuốc thang cho hai cha con, cả nhà rau cháo qua ngày...
 
Từ ngày chị Luân ngã bệnh, không đêm nào ông bà được ngủ ngon giấc bởi tiếng rên đau của con gái. Những lúc như thế, vợ chồng già lại phải thức dậy xoa bóp, trò chuyện để cho con vơi đi nỗi đau. “Nếu không mắc bệnh hiểm nghèo thì bằng tuổi này Luân cũng đã có một gia đình hạnh phúc, có cháu cho tôi bồng bế rồi. Vậy mà giờ nó đau vật vã khiến tôi vô cùng thương xót. Chỉ mong có tiền để chữa trị cho cháu”, ông Huỳnh xót xa.
 
Ông Huỳnh, bà Tiến đã già yếu, đứa con ở cùng lại bệnh tật nên mỗi khi mưa lũ về, cả lại càng thêm vất vả. Ngôi nhà cấp 4 chật chội xây dựng từ hơn 20 năm nay đã xuống cấp trầm trọng. Mỗi mùa mưa đến, nhà dột ướt trong ướt ngoài.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Huỳnh đang xuống cấp, mưa lũ thì bị dột.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Huỳnh đang xuống cấp, mưa lũ thì bị thấm dột.

Nằm trên chiếc giường cũ kỹ nơi góc nhà nhỏ, chị Luân thường rên rỉ mỗi lúc lên cơn đau. Khi chúng tôi đến bắt chuyện, chị nén đau kể: “Trước đây, tôi cũng có chồng nhưng chưa có con. Khi tôi mắc bệnh được 3 tháng, đang điều trị ở TP. Hồ Chí Minh thì chồng bỏ đi biệt tăm đến giờ...”.

Bí thư Chi bộ thôn Thống Nhất Nguyễn Trọng Vũ cho biết: “Gia đình ông Huỳnh thuộc diện khó khăn nhất thôn. Bởi trong nhà chỉ có ông bà già và người con gái mắc bệnh nặng, đất trồng lúa thì không có, đất vườn thì cằn cỗi lại phải gánh chịu lũ lụt hàng năm. Ở trong thôn, mỗi dịp có đoàn từ thiện về trao quà chúng tôi đều dành phần ưu tiên cho gia đình ông. Những dịp lễ, Tết, thôn đều đến thăm hỏi, động viên gia đình. Giờ ông bà tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn”…

Nỗi đau bệnh tật và cuộc sống khó khăn ngày càng lớn dần đối với gia đình ông Huỳnh. Giờ đây, hai thân già đã kiệt sức, không còn khả năng tiếp tục chữa bệnh, chăm sóc cho con nữa. Rất mong cộng đồng xã hội, bạn đọc cùng chung tay giúp đỡ để gia đình ông Huỳnh vơi bớt những khó khăn.

Xuân Vương

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Trần Trọng Huỳnh và bà Lê Thị Tiến xin gửi về địa chỉ: Trần Trọng Huỳnh, thôn Thống Nhất, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy); điện thoại: 0982132497.
 
Hoặc tài khoản hoạt động từ thiện của Báo Quảng Bình, số TK: 128000000559-Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình.

 

tin liên quan

PC Quảng Bình: Bàn giao nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình nghèo
PC Quảng Bình: Bàn giao nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình nghèo

(QBĐT) - Ngày 8/9, Công ty Điện lực Quảng Bình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức bàn giao 4 căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

TX. Ba Đồn: Tiếp sức "Cùng em đến trường"
TX. Ba Đồn: Tiếp sức "Cùng em đến trường"
(QBĐT) - Chiều 8/9, Hội Chữ thập đỏ TX. Ba Đồn tổ chức trao 26 suất quà tiếp sức "Cùng em đến trường" năm học 2023-2024 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
 
Phát động phong trào "Người tốt, việc thiện-Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"
Phát động phong trào "Người tốt, việc thiện-Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"
(QBĐT) - Chiều 8/9, tại Trường THCS Sen Thủy (Lệ Thủy), Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động phong trào "Người tốt việc thiện-Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" giai đoạn 2022-2027.