![]() |
Trước đây khi DN sai phạm thì BHXH tỉnh là đơn vị đứng ra khởi kiện. Tuy nhiên, từ năm 2016, việc khởi kiện các DN nợ BHXH được giao cho công đoàn cơ sở (CĐCS) tại DN, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của BHXH về vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Lương Phú Cường, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trên thực tế, qua hơn 8 năm được “trao quyền”, đơn vị chưa nhận được bất cứ đơn khởi kiện DN trốn đóng BHXH nào cả. Nguyên nhân được lý giải là do vướng mắc về pháp lý, một số quy định của pháp luật còn bất cập, nhận thức của NLĐ và tâm lý e ngại của chính tổ chức CĐCS khi khởi kiện chủ DN.
Theo quy định, để tổ chức công đoàn khởi kiện được và tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của NLĐ, nghĩa là phải có đầy đủ chữ ký của tất cả lao động tại đơn vị đó và trên thực tế, điều này rất khó thực hiện được, nhất là đối với các đơn vị có số lượng lao động lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả.
Hơn thế nữa, hiện nay, các tổ chức CĐCS được hình thành ở các DN có mối quan hệ chặt chẽ với DN và lương của cán bộ CĐCS là do DN chi trả. Chính sự phụ thuộc này khiến họ e ngại khi khởi kiện theo sự ủy quyền của NLĐ. Cơ quan BHXH đã chuyển hồ sơ các đơn vị nợ BHXH sang LĐLĐ tỉnh và cơ quan Công an để truy cứu trách nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được đơn vị nào. Bởi cái khó là CĐCS không dám khởi kiện và cũng không muốn nhận ủy quyền để kiện DN. Không ít chủ tịch CĐCS than phiền, họ cũng là người làm thuê và nhận tiền lương của DN nên việc đứng ra kiện chính ông chủ của mình là rất khó khăn, dễ mất việc làm.
Chưa có hồi kết
Theo quy định tại Điều 17, Luật BHXH 2014, hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm và tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Mặc dù chế tài đối với hành vi này đã được quy định, nhưng khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra đang gặp nhiều khó khăn do hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi trên thực tế, DN có kê khai lao động đầy đủ, số tiền cần trích nộp nhưng sản xuất khó khăn nên đóng không đủ, do đó chưa cấu thành hành vi trốn đóng.
Theo báo cáo của cơ quan BHXH tỉnh, trong 8 tháng năm 2023, toàn ngành BHXH tỉnh đã tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN 86 đơn vị; thanh tra chuyên ngành đột xuất 48 đơn vị; phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thanh tra 8 ĐVSDLĐ. Qua công tác thanh tra, kiểm tra thu 4,87 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN. |
Ngoài ra, quy định về DN nợ BHXH trong Bộ luật Hình sự (BLHS) là “trốn đóng”, trong khi các văn bản về xử lý vi phạm hành chính là “chậm đóng, đóng không đủ”. Khi làm việc với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng BHXH mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi hứa đóng hoặc chỉ đóng một phần sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc... Chính sự không thống nhất này làm cho các quyết định xử phạt hành chính không thể làm căn cứ để chuyển vụ án sang hình sự do khác hành vi.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã quy định trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế, tuy nhiên việc áp dụng đối với trường hợp vi phạm hành chính chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện.
![]() |
Năm 2015, các hành vi “gian lận BHXH”, “gian lận BHYT”, “trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ” đã được đưa vào các Điều 214, 215, 216, BLHS. Bên cạnh đó, để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại các Điều 214, 215 và 216, BLHS, tháng 8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều luật này. Tuy nhiên, kết quả xử lý DN nợ BHXH theo quy định của BLHS còn hạn chế là do vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thiếu căn cứ pháp lý để xác định hành vi trốn đóng BHXH.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian tới, ngành BHXH tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Thường xuyên báo cáo để tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH nhất là trong công tác đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH; phân công rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thực hiện công tác giảm số tiền chậm đóng, hàng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động kịp thời để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, thực hiện kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; chủ động phối hợp với đơn vị liên quan thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, trong đó tập trung vào các đơn vị chậm đóng với số tiền lớn, thời gian kéo dài; phối hợp với các đơn vị liên quan để thu thập hồ sơ, tài liệu chứng minh yếu tố gian dối, gian lận trong chậm đóng BHXH để hoàn thiện hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với DN cố tình trốn đóng, chậm đóng BHXH cho NLĐ theo quy định của pháp luật...
“Mục tiêu, giải pháp đề ra là như vậy, nhưng hiệu quả đạt được có như mong muốn hay không lại là chuyện khác. Và câu chuyện nợ đọng BHXH bao giờ có hồi kết vẫn là một dấu hỏi lớn khó tìm lời giải đáp”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Minh Tuấn trăn trở.