Chất lượng nông sản, thực phẩm tại chợ truyền thống: Khó kiểm soát?

  • 07:09, 12/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chợ truyền thống là nơi cung cấp số lượng lớn hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng và đặc biệt là nông sản cho người dân. Tuy nhiên, hàng hóa tại chợ được thương lái thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, nên việc truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) còn nhiều khó khăn.
 
Tại khu vực chợ Đồng Hới, ngoài những hộ có đăng ký kinh doanh, còn rất nhiều người buôn bán nhỏ lẻ. Những trường hợp này chủ yếu buôn bán tại các trục đường xung quanh chợ, như: Đường Mẹ Suốt, Quách Xuân Kỳ và Hương Giang… Được biết, các hộ kinh doanh trong và ngoài khu vực chợ Đồng Hới buôn bán hàng nông sản, thực phẩm thu mua từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
 
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy nhiều tiểu thương bày bán thịt gia súc, gia cầm rất tạm bợ, các dụng cụ sơ chế chưa đáp ứng yêu cầu và người kinh doanh chưa được trang bị bảo hộ lao động một cách đầy đủ. Điều đáng nói là một số thịt gia súc, gia cầm chưa được đóng dấu kiểm dịch. 
Hàng hóa được bày bán tạm bợ không bảo đảm ATVSTP.
Hàng hóa được bày bán tạm bợ không bảo đảm ATVSTP.

Tương tự, tại các khu kinh doanh rau, củ, quả, đa số hàng hóa được bày bán tạm bợ, thậm chí có “gian hàng” còn để sản phẩm nông sản trực tiếp trên nền chợ… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn không bảo đảm yêu cầu ATVSTP cho người tiêu dùng.

Tại một số chợ, như: Nam Lý, Lộc Đại, Bắc Lý, chợ Cộn (TP. Đồng Hới)… mặc dù nguồn nông sản rất phong phú, đa dạng nhưng phần lớn cũng không có tem và nhãn mác. Đa phần thương lái thực hiện phương thức mua bán truyền thống nên chỉ ghi chép, trao tay đơn giản. Họ không quan tâm nhiều đến thông tin địa điểm, quy trình sản xuất, thời gian thu hoạch và thời gian xuất bán các sản phẩm nông sản.

Chị Nguyễn Thị L., ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới)-tiểu thương buôn bán trái cây, nông sản tại chợ Đồng Hới-cho biết: "Tôi buôn bán ở chợ truyền thống lâu năm, từ thu mua đến tiêu thụ nông sản đều dựa vào các mối hàng quen biết ở trong tỉnh và ngoài tỉnh… Mỗi ngày tôi nhập số lượng hàng vừa đủ, còn về chất lượng hay hàng hóa có bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP thì tôi không kiểm soát được".

Anh Lê Kim Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Nông sản và thực phẩm tại các chợ truyền thống được thương lái thu mua gom từ nhiều nguồn nên hầu như không có tem nhãn, không có hóa đơn hay giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng và hộ kinh doanh tại các chợ cũng đang xem nhẹ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như các điều kiện ATVSTP.

Hiện nay, phòng chủ yếu giám sát về nguồn thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, hạt…) và thực vật đã qua chế biến (ớt bột, dưa muối, chè, cafe…). Trong năm 2022, phòng đã thực hiện giám sát được 193 mẫu sản phẩm các loại. Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù chưa phát hiện ra sai phạm nghiêm trọng nhưng khá khó nhận diện và kiểm soát triệt để chất lượng nông sản.

người dân vẫn lựa chọn đến với các chợ truyền thống, mặc dù các mặt hàng nông sản khó kiểm soát về ATVSTP
người dân vẫn lựa chọn đến với các chợ truyền thống, mặc dù các mặt hàng nông sản khó kiểm soát về ATVSTP

Chị Hoàng Thị T.-tiểu thương buôn bán ở chợ Nam Lý-cho biết: "Rau, củ quả tôi thu mua lại từ nhà dân tại địa phương, còn lại lấy hàng từ các đầu mối và hàng chủ yếu ở miền Nam ra. Thường những mặt hàng thu mua tại nhà dân ở địa phương không có kiểm định, hay nhãn mác. Khách đi mua hàng chợ truyền thống phần lớn cũng không quan tâm đến vấn đề này…".

Chị Hà Thị Quỳnh Anh, ở phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) cho biết: Hiện, Quảng Bình có nhiều siêu thị lớn nhỏ, sản phẩm đa dạng trong đó có hàng nông sản được truy xuất nguồn gốc, có tem, mác rõ ràng. Tuy nhiên, so với các chợ truyền thống nguồn hàng nông sản ở trong các siêu thị vẫn còn hạn chế, không đa dạng, phong phú nên người dân vẫn lựa chọn đến với các chợ truyền thống, mặc dù các mặt hàng nông sản khó kiểm soát về ATVSTP.

Trước thực trạng này, nên chăng cần xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát vùng trồng gắn với hệ thống kiểm soát, giám sát đầu vào, đầu ra của nguồn nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối. Qua đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát được chất lượng nông sản, thực phẩm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người sản xuất thấy được giá trị của hàng hóa bảo đảm theo tiêu chuẩn ATVSTP, người tiêu dùng hiểu được giá trị của sản phẩm sạch...

Hiền Phương

tin liên quan

Quảng Trạch: Một ngư dân bị gãy chân khi đang khai thác hải sản trên biển
Quảng Trạch: Một ngư dân bị gãy chân khi đang khai thác hải sản trên biển

(QBĐT) - Sáng 12/9, ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, một ngư dân địa phương bị tai nạn gãy chân trong lúc đánh bắt hải sản trên biển đã được các lực lượng hỗ trợ đưa vào bờ.

Thành lập 83 công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước
Thành lập 83 công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước

(QBĐT) - Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 83 công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, kết nạp gần 6.000 đoàn viên, đạt 120% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.

Trao tặng xe ô tô phục vụ hiến máu nhân đạo cho Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới
Trao tặng xe ô tô phục vụ hiến máu nhân đạo cho Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới

(QBĐT) - Sáng 12/9, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh Quảng Bình đã trao tặng xe ô tô phục vụ hiến máu nhân đạo cho Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.