Trăn trở chuyển đổi nghề ở Đồng Hới

  • 02:07, 05/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để phù hợp với xu thế phát triển, thời gian qua, công tác đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm trên địa bàn TP. Đồng Hới được quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiệu quả việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động trong độ tuổi vẫn còn nhiều điều trăn trở, cần có chính sách dài hơi và sự đầu tư thích đáng…
 
Thu nhập ổn định nhờ được đào tạo nghề
 
Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, công tác ĐTN trên địa bàn TP. Đồng Hới thời gian qua đã tác động tích cực đến nhận thức, tư duy của đại bộ phận người dân, người lao động (NLĐ) và từng bước có những chuyển biến tích cực. Chỉ tiêu ĐTN đã được đưa vào nghị quyết hàng năm của thành phố và cụ thể hóa bằng các kế hoạch triển khai thực hiện.
 
Kết quả, sau khi được hỗ trợ ĐTN, có 75% lao động tự tạo việc làm và 25% được tuyển dụng vào các nhà hàng, khách sạn; chất lượng lao động từng bước được nâng cao. Trong đó, một số lao động sau học nghề đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, liên kết kinh doanh theo ngành nghề được đào tạo, tạo việc làm thêm cho những lao động khác; một số lao động có việc làm nhờ sự liên kết ĐTN và sử dụng lao động sau ĐTN.
Bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật chế biến món ăn cho lao động nữ.
Bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật chế biến món ăn cho lao động nữ.
Phường Hải Thành là một trong những địa phương đặc thù có nhiều lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghề với các ngành nghề chủ yếu về dịch vụ du lịch, thương mại và khai thác, chế biến hải sản. Chủ tịch UBND phường Hải Thành Phạm Ngọc Thắng cho biết: Toàn phường có gần 4.000 lao động trong độ tuổi, có 10% trong số đó được đào tạo và bồi dưỡng các kiến thức, như: Kỹ thuật chế biến biến món ăn, các loại bánh và pha chế đồ uống; thuyền máy trưởng và tiếng Anh cơ bản; tham gia các lớp tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, ứng dụng chuyển đổi số trong tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp…
 
Nhiều lao động sau ĐTN đã tích lũy kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn và có việc làm ổn định với việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng quán, phù hợp phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn; mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
 
Bất cập việc chuyển đổi nghề
 
Phải khẳng định rằng, ĐTN đã từng bước tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm trong các ngành và trên địa bàn thành phố; đồng thời giúp cho NLĐ có cơ hội tìm việc làm dễ hơn, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Tuy nhiên, tình hình chung, một số phường, xã chưa quan tâm đến công tác ĐTN; chưa xác định cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, việc làm, nghề cần đào tạo…, nên chưa nắm rõ nhu cầu học nghề của NLĐ hoặc chưa tư vấn cho NLĐ lựa chọn nghề, học nghề phù hợp với điều kiện địa phương. Công tác tuyên truyền, định hướng chọn nghề đào tạo một số nơi còn hình thức, chưa đi vào thực chất cũng là nguyên nhân khiến công tác ĐTN, chuyển đổi nghề gặp khó. Vì vậy, NLĐ đăng ký, “tha thiết” học nghề còn ít so với tổng NLĐ chưa qua đào tạo. Hơn nữa, sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chưa chặt chẽ; công tác định hướng, phân luồng học sinh phổ thông chưa thực sự gắn với dạy nghề.
 
“Thực tế trên địa bàn xã Bảo Ninh, đối tượng cần phải đào tạo, bồi dưỡng nghề đa phần đều là lao động chính bảo đảm nguồn thu nhập cuộc sống hàng ngày của gia đình, nên không muốn bỏ việc đang làm để đi học nghề. Đặc biệt, với các nghề phi nông nghiệp, do thời gian đào tạo ngắn chỉ dưới 3 tháng, nên NLĐ chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, thậm chí thiếu tác phong làm việc công nghiệp. Các DN thì chỉ tuyển dụng đối với NLĐ có chứng chỉ, tay nghề vững. Mặt khác, một số lao động qua đào tạo, được tuyển dụng nhưng sau một thời gian làm việc do lương thấp hoặc không “mặn mà” với công việc, tự ý bỏ việc...”, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Quang Vũ chia sẻ.
Nhiều lớp nghề phù hợp với lao động vùng biển.
Nhiều lớp nghề phù hợp với lao động vùng biển.
Để lao động ổn định với nghề đào tạo
 
Theo Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Quang Vũ, tuy có nhiều lớp ĐTN được tổ chức, lao động trên địa bàn cũng tích cực tham gia, nhưng do thời gian đào tạo ngắn, kiến thức thu được sau khi học không đủ tích lũy để làm việc nên nhiều lao động đã bỏ dở công việc, gây lãng phí cả thời gian, công sức và tiền của…
 
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đồng Hới Hoàng Thị Thanh Nhung cho biết: Vì sự phát triển chung, trong điều kiện có thể, thành phố cũng đã cố gắng ưu tiên cho công tác ĐTN, giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Căn cứ vào thực tế, thời gian tới, thành phố sẽ đổi mới công tác ĐTN cho lao động theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Cùng với đó thành phố đề nghị tỉnh có chính sách ưu đãi, mời gọi các DN vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tạo việc làm cho lao động địa phương đã được ĐTN. Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa công tác dạy nghề, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa DN và cơ sở dạy nghề, tạo điều kiện tốt nhất để các DN tự tổ chức ĐTN tại chỗ. Về phía địa phương, với mục tiêu vì một thành phố du lịch, ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã ban hành kế hoạch cụ thể ĐTN phục vụ phát triển du lịch và kiểm tra, giám sát các lớp ĐTN trên toàn địa bàn nhằm đạt được hiệu quả tối ưu nhất có thể.
 
Trong năm 2022, TP. Đồng Hới mở 5 lớp ĐTN phát triển du lịch, 16 lớp ĐTN phi nông nghiệp và 1 lớp ĐTN nông nghiệp, thu hút 760 lao động tham gia, với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.
 
Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố tổ chức các lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đối với NLĐ chưa có việc làm cho 700 lao động; trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp có 15 lớp với 525 lao động; nhóm nghề nông nghiệp 5 lớp với 175 lao động tham gia.
 
Hiện, thành phố tiếp tục mở 5 lớp ĐTN (2 lớp kỹ thuật chế biến món ăn, 1 lớp giao tiếp tiếng Anh trong du lịch-khách sạn, 1 lớp nhà hàng, 1 lớp kỹ thuật pha chế đồ uống) với nguồn kinh phí 350 triệu đồng cho 150 NLĐ.
Hương Trà

tin liên quan

Hỗ trợ các gia đình chính sách, ngư dân nghèo huyện Lệ Thủy
Hỗ trợ các gia đình chính sách, ngư dân nghèo huyện Lệ Thủy
(QBĐT) - Ngày 3/7, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Hội CTĐ quận Cầu Giấy (Hà Nội) và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình trao tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách, ngư dân nghèo ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy).
 
Miệt mài giữ nghề đan lát của người Khùa
Miệt mài giữ nghề đan lát của người Khùa

(QBĐT) - Với già làng Hồ Xây ở bản Rôông (xã Trọng Hóa, Minh Hóa), những sản phẩm đan lát của người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) không chỉ là những vật dụng để sản xuất, sinh hoạt hàng ngày mà còn là "linh vật" của dân tộc mình. 

Tỉnh đoàn: Tổng kết, trao giải các cuộc thi trong tuổi trẻ Quảng Bình
Tỉnh đoàn: Tổng kết, trao giải các cuộc thi trong tuổi trẻ Quảng Bình

(QBĐT) - Sáng 4/7, Tỉnh đoàn tổ chức trao giải cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng", liên hoan các câu lạc bộ lý luận trẻ và tuyên dương câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện năm 2023.