(QBĐT) - Tiến tới đạt mức sinh thay thế, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT), tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên (VTN, TN), tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân… là những nội dung chính trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
UNFPA quan tâm những mong muốn của phụ nữ và trẻ em gái
Chủ đề Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra là “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”, một lần nữa khẳng định bình đẳng giới-vấn đề thực sự cần quan tâm, cần được giải quyết để thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp và nhân văn hơn.
Cán bộ Dân số-KHHGĐ tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Theo số liệu từ UNFPA, hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Hơn 40% phụ nữ trên thế giới không thể tự quyết định về SKSS, sức khỏe tình dục và các quyền về SKSS của mình. Cứ 2 phút lại có một phụ nữ tử vong khi mang thai hay trong lúc sinh nở. Chỉ có 6 quốc gia có 50% hay hơn 50% thành viên Quốc hội là phụ nữ. Hơn 2/3 trong số 800 triệu người không biết đọc trên toàn cầu là phụ nữ…
Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới. Khắp nơi trên thế giới sự bất công phổ biến này đã làm cho phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không giữ vị trí lãnh đạo; hạn chế những nỗ lực cá nhân, khả năng ra quyết định về sức khỏe và sinh sản của họ; làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực và tử vong mẹ do những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là bất bình đẳng giới đã ngăn cản thế giới đặt ra các câu hỏi hay quan tâm đến những gì mà phụ nữ và trẻ em gái mong muốn. Những mong muốn của phụ nữ, trẻ em gái là quan trọng và UNFPA quan tâm đến những mong muốn đó. Như đã khẳng định trong báo cáo tình trạng dân số năm 2023, khi phụ nữ, trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình họ sẽ thành đạt. Và kết quả là chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp!
Vì vậy, chiến dịch của UNFPA khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhân Ngày Dân số thế giới năm 2023 là tập trung vào quyền sinh sản của phụ nữ-dựa trên góc độ bình đẳng giới và quyền con người. Tập trung vào việc làm thế nào để hỗ trợ quyền lựa chọn về SKSS của phụ nữ là chìa khóa giải quyết các vấn đề về dân số hiện nay.
Mất cân bằng giới tính khi sinh-hệ lụy khó lường
Hiện nay tư tưởng chuộng con trai hơn con gái vẫn ăn sâu trong các gia đình Việt, dẫn đến tình trạng MCBGTKS gia tăng ở Việt Nam và nếu không được khắc phục sẽ để lại những hệ lụy khôn lường cho sự phát triển bền vững của một dân tộc và cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bất bình đẳng giới.
Cân bằng giới tính khi sinh bảo đảm sự phát triển bền vững của giống nòi dân tộc.
Theo báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 111,5 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ MCBGTKS cao nhất. Tại châu Á, tỷ lệ MCBGTKS của Việt Nam đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tại Quyết định số 3671/QĐ-BYT, ngày 2/8/2021 về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế, có 21 tỉnh có tỷ lệ giới tính khi sinh trên 112 bé trai/100 bé gái; 18 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 109-112 bé trai/100 bé gái và 24 tỉnh có tỷ lệ giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái.
Trong đó, Quảng Bình có tỷ lệ giới tính khi sinh ở nhóm 2 với 111 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2022, tỷ lệ MCBGTKS của tỉnh ta có xu hướng giảm xuống còn 107,8 bé trai/100 bé gái, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao hơn so với mức cân bằng tự nhiên là 105-106 bé trai/100 bé gái.
Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu người. Việc dư thừa nam giới, đồng nghĩa sẽ ngày càng có nhiều nam giới khó tìm được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn bán và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; còn khiến hàng triệu nam giới phải sống độc thân, cấu trúc gia đình bị phá vỡ, người già neo đơn, không nơi nương tựa sẽ gia tăng… Bên cạnh đó, việc chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh còn làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, mại dâm... có nguy cơ gia tăng.
Theo ông Phan Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, thời gian qua, chi cục tiếp tục phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động các mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, chú trọng các chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT và đặc biệt là hoạt động kiểm soát tốc độ gia tăng giới tính khi sinh.
Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh tăng cường tuyên truyền về giới tính vị thành niên, thanh niên cho học sinh các trường THPT.
Tại địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố đã chú trọng triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu MCBGTKS thông qua các hoạt động, như: Tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn tuyên truyền về MCBGTKS cho cán bộ, viên chức và cộng tác viên dân số; tổ chức gần 80 hội nghị truyền thông về MCBGTKS với sự tham gia của gần 3.300 lượt người là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; truyền thông lồng ghép, tư vấn trực tiếp và vận động tại các địa bàn khu dân cư về thực trạng, nguyên nhân và những hệ lụy của MCBGTKS, quy định việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi...
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng dân số dân tộc thiểu số tại các xã miền núi. Chi cục đã tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, nói chuyện chuyên đề, mô hình đề án nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn 5 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút đông đảo bà con tham gia. Các hoạt động truyền thông, tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được lồng ghép tại các vùng dân tộc thiểu số. Triển khai chương trình xét nghiệm, sàng lọc tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cho các em VTN, TN đồng bào dân tộc tại các xã: Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy (Lệ Thủy), Trọng Hóa (Minh Hóa), Trường Sơn (Quảng Ninh), với sự tham gia của gần 400 người.
Tuy nhiên, theo ông Phan Nam Bình, hiện một số nơi, cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Sự phối hợp của một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ chưa được thường xuyên, thiếu đồng bộ, xem đây là công việc của ngành dân số; nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển, vùng cồn bãi còn hạn chế, họ cho rằng cần phải có con trai để làm trụ cột và là nhân lực chính trong gia đình. Vì vậy, Quảng Bình vẫn là tỉnh có mức sinh cao, tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng mất cân đối, chất lượng dân số còn hạn chế...
UNFPA: Nhân Ngày Dân số thế giới năm 2023, chúng ta nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái, những người yếu thế và xây dựng luật pháp, chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh của một nửa dân số trên hành tinh để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay. Một thế giới đa dạng, thịnh vượng với 8 tỷ người đầy những tiềm năng vô hạn phụ thuộc vào điều này.
Đến nay, Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi các chính sách, pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, như: Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…
Bắc Bộ và khu vực từ Đà Nẵng-Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%.
(QBĐT) - Chiều 10/3, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Hội CTĐ TX. Ba Đồn, Hội CTĐ TP. Hà Nội và Hội CTĐ các quận thuộc TP. Hà Nội cùng các nhà tài trợ tổ chức lễ trao tặng quà cho gia đình chính sách, ngư dân nghèo trên địa bàn xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn).
(QBĐT) - Sáng 11/7, tại xã Dương Thủy (Lệ Thủy), Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ bàn giao nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho hội viên CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.