(QBĐT) - Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp, công tác giảm nghèo ở huyện Quảng Trạch đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn khoảng 4,75%, (giảm 0,44%) so với đầu năm 2023. Để có được con số này, huyện Quảng Trạch đã đề ra nhiều chương trình, trong đó tập trung nhân rộng các mô kinh tế có hiệu quả.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Quảng Trạch đã tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhờ đó đã xuất hiện nhiều hộ gia đình, cá nhân điển hình, tiên tiến trong công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như ông Phan Thanh Công, thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông đã đầu tư mô hình kinh doanh nhà hàng, nuôi cá lồng, chim yến, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10-15 lao động; gia đình bà Nguyễn Thị Hương, ở thôn Tân Thị, xã Cảnh Hóa chuyên dịch vụ nhà hàng, thu nhập trên 500 triệu đồng/năm...
Với mong muốn thoát nghèo, ông Trương Công Bảo, xã Cảnh Dương đã mạnh dạn mở xưởng mộc dân dụng, sau đó chuyển sang kinh doanh nội thất. Nhờ kinh doanh thuận lợi, ông đã mở 2 cửa hàng và mở rộng xưởng sản xuất với các thiết bị máy móc hiện đại. Những ngày đầu khởi nghiệp, số lao động ở xưởng chỉ có 5-7 người, nhưng đến nay đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.
Ông Bảo cho biết: Để làm ăn hiệu quả, ông đã tìm đến cơ sở làng nghề của các tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt thị trường... Nhờ sự nhạy bén, sáng tạo trong công việc mà kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển. Hiện tại, thu nhập của lao động ổn định từ 8-9 triệu đồng/tháng, có lao động thu nhập từ 17-20 triệu đồng/tháng. Nhờ nỗ lực chăm chỉ, mỗi năm từ các cơ sở kinh doanh và sản xuất của gia đình ông đã thu về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung vào mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin, vốn vay ưu đãi); tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trên cơ sở các kế hoạch cụ thể, huyện Quảng Trạch đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, đa dạng hóa nguồn vốn cho công tác giảm nghèo; lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; đồng thời, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương…
![]() |
Từ các nguồn vốn được cấp trong năm 2023, huyện Quảng Trạch đã triển khai tốt các hạng mục, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, phúc lợi công cộng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách trợ giúp và tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực hỗ trợ người dân vùng khó các điều kiện phát triển sản xuất để xóa đói, giảm nghèo, huyện đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo sâu rộng ở địa phương với hình thức và nội dung phong phú nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đã đi vào ý thức, cách nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững luôn gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định, huyện Quảng Trạch đã tập trung tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo có vốn sản xuất. Tính đến tháng 6/2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ, tạo điều cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo thời vụ và các lĩnh vực khác với tổng vốn vay gần 32 tỷ đồng.
Trong những tháng đầu năm, huyện đã cấp 16.046 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, người dân đang sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang. Nhờ triển khai quyết liệt các chương trình giảm nghèo, kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo của huyện Quảng Trạch giảm khá nhanh. Đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là 5,19%, dự ước đến 30/6 giảm còn 4,75% (giảm 0,44%); tỷ lệ hộ cận nghèo đầu năm là 4,77%, dự ước đến 30/6 giảm còn 4,45% (giảm 0,32%).
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quảng Trạch Trần Minh Đông cho biết: Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp như đào tạo nghề ngắn hạn, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo..., góp phần nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay, chương trình giảm nghèo của huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên, phát triển kinh tế, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục...
6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 94 hộ nghèo được vay vốn với số tiền 7.690 triệu đồng, 173 hộ cận nghèo được vay vốn với số tiền 14.241 triệu đồng và 116 hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền 9.896 triệu đồng; qua đó tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. |
Hiền Phương